Ngoại thương: mười lăm lần nữa

Ngoại thương: mười lăm lần nữa

Published by huu.ftunews on

0 0
Read Time:4 Minute, 18 Second

 (FTUNEWS) – “Lại một ngày hè nữa trôi qua, ở Paris hay ở Roma tôi cũng không biết nữa, tôi chỉ muốn về nhà.”

Tôi gặp chị một ngày cuối tháng chín khi Sài Gòn vừa đủ nóng rát. Chất giọng trầm ấm du dương của Michael Bublé trong ca khúc “Home” tách biệt chúng tôi khỏi những tấp nập bên ngoài. Chị dừng ngay cuộc nói chuyện và ngân nga hát theo – đây vẫn luôn là những ca từ chị yêu thích nhất.

“Những người con xa quê như chị vẫn cứ hay hát ngêu ngao ca khúc này cho thỏa nỗi nhớ nhà đến sầu muộn.”

Cũng được khoảng độ ba năm hơn từ lúc chị đuổi theo chân trời Paris mộng mơ, hứa hẹn. Thật ra chị không nhớ Sài Gòn bằng chị nhớ Ngoại thương. Sài Gòn ngủ một buổi trên không là đến, Ngoại thương của chị lại chẳng bao giờ chị đến kịp, cứ thế nên lại càng nhớ da diết hơn.

Chị muốn được ở Ngoại thương vào ngày dành riêng cho sinh viên Ngoại thương, muốn tận mắt chứng kiến lớp sóng sau ào ào vượt lên sóng trước, muốn cảm nhận sức trẻ Ngoại thương cũng dữ dội như những đợt sóng thần vồ vập, ồ ạt nhấn chìm cả con đường D5.

Chị cười kể rằng ngày đó là một người vô cùng nhút nhát, chẳng có mấy khi chị năng nổ tham gia các hoạt động của lớp. Khi ấy chị chối bỏ Ngoại thương, chị cho rằng mình quá khép kín để trở thành sinh viên của môi trường năng động này.

“Đợt đó lớp chị thi nhảy nhưng thiếu nhân lực quá, lớp trưởng điền tên chị vào danh sách ép chị đi thi luôn, xong rồi được nước làm tới, phần nào bạn ấy cũng ghi tên chị vào – gian hàng, đêm văn nghệ, trò chơi, mảng nào trống là có tên chị liền.”

Chị vẫn luôn biết ơn người bạn đó ngay tại thời điểm ấy đã làm như thế. Nhờ vậy mà lần đầu tiên chị cảm thấy mình đang thực sự là một phần ở nơi đây chính là ngày mười lăm tháng mười năm đó. Chị cảm nhận được bản thân là một ngôi sao nhỏ bé giữa vũ trụ Ngoại thương thênh thang rộng lớn – một vì tinh tú với thứ ánh sáng độc nhất, trong hàng nghìn thứ ánh sáng độc nhất khác. Ngoại thương định nghĩa cho mỗi chúng ta một màu sắc riêng biệt, không trùng lặp và không tẻ nhạt.

Vậy nên chị mới yêu những ngày mười lăm của Ngoại thương biết bao. Những cơn mưa nặng hạt ướt hết cả trường cũng không làm giảm được sức nóng của ngày hội, những buổi trưa oi nồng vẫn tụ tập thật đông cổ vũ tinh thần cho tiết mục nhảy tập thể của đàn em mới vừa vào trường, những chiếc áo đẫm mồ hôi không kịp thay, những niềm vui chung nhưng lại rất riêng, rất độc nhất của từng lớp từng lớp. Tìm đâu để lại được những ngày mười lăm?

Trường nhỏ thật, làm gì cũng chen chúc nhưng chị lại thấy năm ngàn mét vuông của Ngoại thương rộng lớn hơn nhiều so với khuôn viên mênh mông ở bên đấy. Đứng giữa bao la là khoảng rộng của  quảng trường lớn nhưng chị lại thấy ngột ngạt, hệt như mọi người vô tình tạo ra một vỏ bọc thật lớn, chật chội lướt ngang qua nhau. Ngoại thương lại khác – có lẽ bởi vì chúng ta tựa vào nhau, nên chúng ta có không gian cho tất cả mọi thứ.

Giữa lòng Paris với hơi thở tư bản vồn vã, ở quán cà phê quanh giao lộ Odéon, tôi chắc rằng chị vẫn theo dõi đều đều diễn biến của ngày truyền thống này. Chị vẫn luôn dành trọn vẹn ngày mười lăm tháng mười chỉ để trở về “nhà”, vẫn thích thú tự đánh cược với bản thân rằng tới phần nào trong ngày thì trời sẽ mưa, và mưa thật lớn, nhưng rồi cũng yếu thế trước tinh thần nhiệt huyết của sinh viên Ngoại thương mình. Thật chăng, ngày Truyền thống không chỉ dành cho những lứa “chim non” chưa vào đời, ngày này còn dành để ủi an những cánh chim rời tổ bay đi những chân trời lạ, như là một mối liên kết vô hình giữa họ với Ngoại thương đã từng là một thời hoàng kim của họ. Vì âu, Ngoại thương chính là nhà mà về nhà thì chỉ có an yên.

“Lại một chuyến bay nữa, lại một nơi đầy nắng nữa. Tôi may mắn tôi biết chứ, nhưng tôi chỉ muốn về nhà. Tôi phải về nhà thôi!”

Bài viết: Thư Lee

Thiết kế: Trúc Nhi

Hình ảnh: Ban kĩ thuật FTUNEWS

 

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %