(FTUNEWS) – “Chà, ở môi trường như Ngoại thương mà cũng có body shaming sao?” – Khoan hãy đánh giá, tôi cam đoan kiểu người “body shaming” đặc biệt này có phần nào giúp cuộc sống đại học của bạn dễ thở hơn rất-nhiều đấy!
Có lẽ thật buồn cười nếu tôi ví việc chọn trường thi đại học như việc đi chọn áo! Nhưng bạn hãy thử ngẫm nghĩ xem, nếu ngoài thị trường có đầy rẫy các loại áo với mẫu mã, kiểu dáng, kích cỡ, chất lượng và giá cả khác nhau, thì ở Việt Nam nhỏ bé xinh xinh này cũng có đầy đủ các trường đại học, ngành nghề khác, chất lượng khác, điểm đầu vào cũng khác nhau nốt! Điều đặc biệt là, cứ hễ đến những năm cuối phổ thông, mấy đứa em út 10, 11 lại chứng kiến cảnh các anh chị lớn 12 của mình đi ra đi vào, đau đầu suy nghĩ việc chọn “áo” sao cho phù hợp.
Và rồi khi ấy, thật bất ngờ khi cậu nhóc thường ngày sắm áo chỉ tiện vơ đại vài chiếc nay đã chịu khó hỏi thăm bác Google “áo” này chất lượng thế nào, kích cỡ ra sao. Cộng thêm vào đấy là một điều tuyệt nhiên đúng với mọi tín-đồ-thời-trang-bất-chấp-phong-cách: họ sẵn sàng chi mạnh tay để lấy bằng được chiếc “áo” mơ ước của mình với cái giá ngất ngưởng là nhiều đêm thức trắng – “Làm cho xong bài này nữa thôi”, “Xem cho xong đề này nữa thôi”. Nếu Ngoại thương là một chiếc áo, tôi chẳng tiếc lời dành tặng cho nó những tính từ xinh đẹp nhất: chất lượng ổn, kiểu dáng hiện đại, người may áo rất có tâm nhưng giá cả quá “chát” và cực kỳ kén người mặc!
Nếu chiếc áo bông xinh xinh trong giỏ chợ của mẹ nối dài những ngày vui thuở bé của lũ nhóc tì lên 5 thì chiếc áo gắn mác Ngoại thương cũng khiến “đám trẻ” 18 tuổi thao thức bao đêm chờ ngày được “diện” nó. Nhưng điểm khác nhau giữa một đứa nhóc 18 và một đứa bé lên 5 chính là chẳng ai dành sự ưu ái chỉ dẫn đứa bé 18 từng li từng tí cách mặc áo sao cho đúng cách. Một khi bạn đã giành được quyền sở hữu chiếc áo trắng đỏ đắt tiền này, hãy cố gắng giữ mình cân đối nhất có thể – đừng quá gầy hay quá béo trong chiếc áo Ngoại thương. Tôi thường nghe những lời “kêu cứu”từ hai kiểu người tiêu biểu ở Phờ-tu, những kiểu người tôi xin mạn phép gọi là “kẻ ốm yếu” và “người thừa cân”, hẳn nhiên đây chỉ là một phép ẩn dụ mang tính tượng trưng, bởi tôi không hề dùng ngoại hình để đánh giá họ.
Kiểu thứ nhất có lẽ là những người chưa thoát khỏi cái bóng của những năm trung học, họ khoác lên mình chiếc áo Ngoại thương với một chút kì vọng, pha xíu tự hào, và cất giấu đằng sau đó là cả một chân trời mang tên sợ hãi. Bằng cách này hay cách khác, họ thu mình hết mức có thể, họ lấp đầy tâm trí với những câu nói: “Mình không làm được” hay “Có cố gắng cũng vậy thôi”. Họ nhìn những người bạn cùng lứa đã biết chạy chương trình, tham gia câu lạc bộ với ánh mắt ngưỡng mộ, và càng ngưỡng mộ bao nhiêu, rồi lại tự ti bấy nhiêu. Những người thừa cân tự tin hơn, nhưng kết quả lại không hề khả quan hơn là mấy. Chạy chương trình, cộng thêm phong trào Đoàn Hội và câu lạc bộ, rắc thêm chút áp lực học tập, chẳng khác nào một món ăn nhiều thành phần, nhưng rồi càng “ăn” bao nhiêu, họ lại càng thừa cân bấy nhiêu, và hẳn lớp mỡ tích tụ dưới lớp áo Ngoại thương là bao nhiêu phiền muộn, stress và những đêm thức trắng. Đối với những người thừa cân, lớp áo trắng đỏ thật chật chội, gò bó, hàng nút chỉ chực bung ra để “giải phóng” bao nỗi bực nhọc.
Một người anh học Ngoại thương từng đùa với tôi rằng: “Sự kiện và chương trình ở Ngoại thương giống như dòng nước lũ, mạnh và nhiều cực kì, một là em làm đứa ốm yếu bị lũ cuốn trôi, hai là em làm người mập bơi ngược dòng rồi kiệt sức, vậy thôi.” Tôi nghĩ ngợi một lúc rồi ngây ngô hỏi: “Anh ơi, sao mình không kiếm chiếc thuyền rồi trèo lên hả anh?”. Đến bây giờ tôi mới phát hiện ra, câu hỏi ấy đúng là ngây ngô thật, sẽ chẳng ai để sẵn chiếc thuyền ở đó cho bạn cả, cách duy nhất là tự tạo ra chiếc phao cứu sinh của riêng mình thôi! Những kĩ năng có thể liệt kê như quản lý thời gian, làm việc nhóm, diễn giải thuyết phục,… tôi không muốn nhắc đến vì hẳn bác Google sẽ giúp bạn nhiều hơn thế. Bạn có biết khu tự quản đầy màu sắc xuất thân vốn là một căn phòng cũ kĩ, xuống cấp? Hay góc xanh xinh xắn lại được dựng lên ở khoảng trống bé xíu của bãi giữ xe VJCC? Người Ngoại thương là thế, luôn biết biến mọi điểm hạn chế nhất ở ngôi trường này thành những điều tuyệt vời nhất, và tôi tin rằng, phương pháp ăn uống hữu hiệu của những kẻ ốm yếu và người thừa cân như chúng ta không khác gì chính là biết nhìn nhận, tin tưởng và phát huy những thế mạnh của bản thân, vì một khi cùng khoác lên mình chiếc áo trắng đỏ của Phờ-tu, bạn và tôi đều có cùng vạch xuất phát điểm. Dẫu có chuyện gì xảy ra, xin hãy ghi nhớ rằng, chiếc áo bạn đang mặc vô cùng đắt – đó là tâm huyết và hi vọng của cả một thời thanh xuân, vì vậy hãy sống thật hết mình, đừng bao giờ biến lớp áo ấy trở thành gánh nặng!