Ra Cine Xem “Cảnh Đẹp”

Ra Cine Xem “Cảnh Đẹp”

Published by Hồng Ngoan on

0 0
Read Time:3 Minute, 30 Second

(FTUNEWS) – Đã qua một thời phim đen trắng, âm thanh pha lẫn tiếng ồn, với những cảnh phim được đầu tư công phu, điện ảnh ngày nay đẹp đến khó tin. Và chỉ có thế!

Choáng ngợp vì vẻ đẹp

“The Incredible 2”, “Avengers Infinity”,… liên tục khiến người xem nghẹt thở với những pha đụng độ nảy lửa, thứ ánh sáng kì ảo, và đúng chất phim hành động viễn tưởng. Bước vào thế giới bàng bạc nắng và sương của “Em gái mưa”, hay những đồng lúa xanh mát của “Siêu sao – Siêu ngố”, khán giả lại được lạc vào không gian của những xúc cảm tinh khôi cùng những âm vang của tình đầu trong trẻo. Đắm chìm trong những cảnh phim được dựng bằng chất liệu sơn dầu của “Loving Vincent”, người xem lại càng kinh ngạc trước những phong cảnh từ rực rỡ đến hoang vu, những gương mặt từ u uẩn đến quằn quại trong tranh Van Gogh lấp lánh sống dậy trong chuyển động vần vũ của từng nét sơn dầu.

Sự phát triển của công nghệ đang giúp các nhà làm phim tạo ra những thước phim mãn nhãn hơn bao giờ hết. Thế nhưng, có chăng chỉ cần đẹp là được?

Lắc đầu trước nội dung

Những bộ phim về siêu anh hùng mấy thập kỉ nay vẫn chỉ xoay quanh câu chuyện chống lại cái ác, xen lẫn một vài lát cắt về tình bạn, tình gia đình, tình yêu. Phim tình cảm thì luôn tuân theo quy tắc: yêu nhau, biến cố, chia tay, rồi tìm lại. Thế nhưng, sự thiếu hụt về cái chất, có khi nào được sinh ra bởi sự quá chú trọng vào cái đẹp?

Một trong những điều làm nên sự hời hợt của câu chuyện “Em gái mưa” chính là dung lượng phim. Những cảnh quay slow motion, zoom cận cảnh vẻ mặt tinh khôi của nhân vật chính dường như chiếm sóng quá nhiều. Để rồi phim thiếu đi những khoảnh khắc dằn vặt nội tâm của kẻ trót yêu đơn phương và kẻ nhận được xúc cảm đơn phương nhưng không thể chối từ.

Tương tự với “Loving Vicent”, để thỏa mãn yếu tố mãn nhãn, đạo diễn đã trả một cái giá khá đắt khi cố gắng đưa tất cả kiệt tác của Van Gogh vào cảnh phim để rồi đánh mất kết cấu tự sự chuẩn xác về cuộc đời của Van Gogh. Hình tượng nhà họa sĩ “điên loạn” với những phút sáng tạo thăng hoa đến “đứt dây thần kinh” giữa những biến thiên tinh tế của màu sắc và cảm xúc đã phải nhường chỗ cho hình mẫu một nghệ sĩ đa cảm chẳng có gì mới lạ.

Cái đẹp, hay cái chất?

Bản chất của điện ảnh không thể tách rời hai từ “mãn nhãn”. Một trong những lý do khiến người ta thích xem phim ở màn ảnh rộng cũng bởi những bức tranh sống động như thật. Để rồi màu sắc đó, ánh sáng đó, dẫn đưa họ vào không gian chân thật nhất của phim. Những cảnh phim đẹp cứ thế chiếm lấy hoàn toàn những giác quan của người xem, dấy lên những đợt sóng cảm xúc đến tận cùng.

Thế nhưng, vấn đề đặt ra: cảnh đẹp đang dẫn họ đến đâu? Nói cho cùng, những hiệu ứng thích mắt cuối cùng sẽ đưa người xem đến với những cảnh khóc cười của cuộc đời, những thông điệp được nhà làm phim gửi gắm. Điện ảnh cũng là một địa hạt nghệ thuật, và dĩ nhiên, đó cũng là một “thánh đường” nơi cảm xúc của con người được lắng lọc bởi những sáng tạo xuất thần trong cách nhìn về cuộc sống và con người. Thiếu vắng đi “cái chất” của nội dung phim, thì những cảnh phim chỉ đưa khán giả đến những xúc cảm lưng chừng.

Để rồi, ra khỏi rạp phim, người xem đành nói: Chẳng nhớ rõ lắm, chỉ biết là anh diễn viên chính đẹp hết biết!

Lan Trinh

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Categories: Celebrities