“Lúa” Ngoại Thương Hay “Ngọc” Thị Thành?
0 0
Read Time:5 Minute, 17 Second

(FTUNEWS) – Vài tháng trước, một cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra về vấn đề: “Đâu là viên ngọc sáng nhất của thị thành trong số các trường đại học khối ngành kinh tế hàng đầu?”. Lời qua tiếng lại, không tìm ra được viên ngọc chung, bởi lẽ tất cả đều muốn ngọc thuộc về chính mình. Tuy nhiên, từ mức giá 1000 USD hàng chục năm trước, FTU bỗng trở thành một trong số “viên ngọc đắt” với cái tiếng CHẢNH lâu trôi. Cũng từ đó, những kẻ trong cuộc không ngừng băn khoăn đi tìm lại hình ảnh cho Ngoại thương với một nỗi niềm: “Ngoại thương nên là ngọc sáng hay đơn thuần là hạt lúa non?”

1000 USD/1 hạt lúa Ngoại thương: Ai là người định giá? 

Câu chuyện hét giá 1000 USD mới chịu nhận việc cách đây mười năm bỗng đóng mộc hai chữ “CHẢNH CHỌE” lên sinh viên Ngoại thương. Tuy vậy, nếu so sánh sinh viên học ngành kinh tế là một loại hàng hóa thì Ngoại thương không phải một “doanh nghiệp” độc quyền, nơi mà sự hét giá có thể xảy ra tùy tiện. Nội lực bản thân sinh viên tạo cho họ một sự tự tin để định giá bản thân, tuy nhiên điều đó cũng gắn liền với nhu cầu và chất lượng của “sản phẩm”. Nói vậy đồng nghĩa, quá trình định giá (đưa giá và chốt giá) không của riêng bất kì sinh viên Ngoại thương nào, mà nhiều hơn thế nữa.

Nếu bản thân bạn là con số 0, tôi không nghĩ rằng một bạn sinh viên mới tốt nghiệp lại thừa tự tin đến vậy. Điều khiến các thế hệ sinh viên Ngoại thương luôn tự hào là khả năng lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển dụng tương đối cao, đầu tiên là nhờ vào khả năng ngoại ngữ và giao tiếp. Ngay từ mười năm trước, khi Tiếng Anh còn là điều xa xỉ thì người Ngoại thương đã cố gắng trau dồi. Chính vì thế mà anh Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc công ty Truyền thông An Khang và anh Phạm Đại Nghĩa – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần điện máy Hà Nội, đều nhận định rằng: “Khả năng chuyển ngữ và giao tiếp bằng Tiếng Anh của các bạn Ngoại thương rất tốt”; “Trong các hợp đồng kinh doanh với đối tác nước ngoài, nhân sự được đào tạo từ trường Ngoại thương thường chủ động, chuyên nghiệp hơn”. Mười năm sau, khi Tiếng Anh là một trong những điều kiện cần của tất cả mọi người, sinh viên Ngoại thương lại tiếp tục đổi mới “chất lượng” của bản thân bằng cách trau dồi các ngôn ngữ khác. Như vậy mỗi sinh viên muốn hướng tới ít nhất biết hai loại ngoại ngữ, cánh cửa trong xu thế hội nhập càng rộng mở hơn.

 

Người ta gọi người Ngoại thương là “những kẻ lạc lối” bởi 80% sinh viên ra trường làm việc trái ngành. Marketing, logistics, xuất nhập khẩu, thuế, hoa hậu, diễn viên, tiếp viên hàng không đủ cả. Tư duy học gì làm nấy từ những thập niên trước khiến không ít người e dè hay ngại ngùng khi nói đến chuyện trái ngành, thậm chí với một số cá nhân, trái ngành đồng nghĩa với việc khó thành công. Không ai dám chắc làm trái ngành sẽ chẳng tạo ra những giá trị đúng chuyên ngành, phù hợp với nhu cầu xã hội, vậy nên tôi vẫn luôn tự hỏi: “Tại sao người ta kém cởi mở khi nhắc đến chuyện trái ngành?” Đơn cử như các sinh viên theo học ngành Kinh tế đối ngoại, thay vì đi theo công việc xuất nhập khẩu đúng chuyên ngành, không ít người thành công trong các lĩnh vực kinh doanh, tài chính,… nhờ vào kiến thức nền tảng và cả những kĩ năng học được từ môi trường Phờ – tu. Thậm chí cả những kẻ trót yêu nghệ thuật mà đặt bước mình đến Ngoại thương cũng có những cái nhìn toàn cảnh hơn: Á hậu Thùy Dung, MasterChef Minh Nhật, Á hậu Diễm My, Ca sĩ Đức Tuấn đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên, giữa những thị phi hỗn độn, đừng nhầm lẫn gắn mác cho Ngoại thương là chốn “showbiz” hay “lò luyện hoa hậu”. Bởi rằng, ở Ngoại thương thiếu gì người làm đúng chuyên ngành, thiếu gì những doanh nhân nổi tiếng. Hãy nhìn vào Ngoại thương như một môi trường khai phá những tiềm năng trong mỗi người, như cách họ chọn Ngoại thương bằng một nửa trái tim, nửa còn lại cùng với sự nghiệp lâu dài là do con đường từ Ngoại thương đến xã hội.

Nói một cách khác, người định giá Ngoại thương không ai khác là chính những người cần sự cố gắng, đam mê, năng lực, chuyên môn cùng sự linh hoạt của sinh viên ngôi trường này. Trước khi họ cố gắng để tự định giá bản thân mình.

Ngoại thương: Lúa hay ngọc?

Sinh viên nào cũng muốn người “ngoại bang” quan tâm đến ngôi trường của mình, nhưng tôi không chắc ai sẽ mong lắm người nhớ về Ngoại thương bằng tiếng “chảnh”? Nếu được chọn Ngoại thương trong một hình ảnh, không là ngọc sáng hay là pha lê lấp lánh, với tôi FTU mãi là hạt lúa với tinh chất đặc biệt trong bao trấu ngọt lành. Ngoại thương vốn không cần là ngọc, là thứ lấp lánh nhưng chỉ chút bụi bặm cũng để người đời chê bai. Không đòi hỏi gán cho một vẻ ngoài bóng láng như ngọc sáng, Ngoại thương với tôi như hạt gạo nặng, “giản dị cúi đầu”. Nếu có phát sáng thì chính nhờ chất lượng tạo nên, không phải là hào quang được người đời đánh bóng. Có lẽ nhiều người sẽ bảo với tôi rằng “lúa” thật quê mùa, nhưng chẳng phải chúng ta vẫn đang trưởng thành nhờ lúa đó sao?

Hải Châu (Chu)

(Báo giấy FTUNEWS Tháng 09/2017 – Giao)

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %