Chuyện người mới, nhạc cũ
0 0
Read Time:4 Minute, 34 Second

Mình có thể biết hoặc không biết ngày hôm qua cô ca sỹ ấy ra bài gì, anh nhạc sỹ này viết ca khúc mới tên chi. Nhưng điều chắc chắn là nếu Hotel California của Eagles hay Diễm xưa của bác Trịnh vang trong playlist, mình sẽ nghe không trượt một giây nào: mình là “người mới” thích tìm nghe “nhạc cũ”.

Xin được gọi “người trẻ” là “người mới”. Với cuộc đời, những kẻ mười mấy đôi mươi chỉ là những đứa nhóc đặt chân tới Trái Đất già. Với bậc tiền bối, mấy mình khác chi tờ giấy trắng in đôi ba dòng kinh nghiệm. Con người luôn cố gắng để định nghĩa mình là ai, nhưng sẽ không có thời điểm nào chúng ta khám phá thế giới với sự hiếu động và say mê như hồi còn trẻ. Tỉ mẩn viết những dòng định nghĩa bản thân: Từ cái áo mình mặc, cái đầu mình uốn, từng bài hát mình nghe… Mình đâu chỉ muốn đẹp, mình còn muốn lạ. Bởi vậy, ngoảnh sang nhìn lớp trẻ như mình tìm nghe “nhạc cũ”, thật không biết vì yêu thích thật hay là trào lưu.

Để cho khác, thay vì đi về phía trước, họ chọn bước ngược. Nhiều người cố tìm lại bài hát tầm 20 – 30 năm trước mà nghe. Nhưng đúng với chữ “trào” trong “trào lưu – nếu là niềm hứng thú dâng trong phút chốc hay lớp vỏ ngoài tô vẽ thì liệu có thể “lưu” bao lâu?

Nghe nhạc là tự do cá nhân, vì sở thích hay trào lưu đều đúng. Nhưng mượn hai chữ “say mê” trong lúc vô thức lao theo đám đông thì thật đáng giận. Bởi động lực theo đuổi một thứ nhạc “lạ”, “lội ngược dòng” đi tìm những nốt nhạc chạm tới đáy lòng thì chỉ có thể đến từ “cái tâm” biết yêu chiều, phải mê nhạc chân thành như lúc “say”. “Nhạc cũ” vốn kén người nghe, nhiều người tìm đến nhưng ít người ở lại. Mỗi niềm cảm mến chân thành đã xem như một cái duyên quý, ai lại nỡ làm cho méo mó đi? “Trào lưu” đo bằng ngày tháng – đến nhanh đi nhanh, nhưng “sở thích” đong bằng cảm xúc, đã trót mê thì biết bao giờ chịu vơi.

Ban nhạc The Verse từng hát: ‘Mỗi ngày qua, tôi lại là một triệu con người khác nhau’ – Bitter Sweet Symphony (1997)

Trong thời đại thay đổi chóng mặt này, nói nhỏ thì là tính tình, nói to thì là nhân dạng, nhân thân. Con người phải nắm được chiều xã hội đang bước tới mà thích nghi để không lạc nhịp. Ngồi cùng bàn với nhóm bạn thôi, bạn thích nhạc của bây giờ, mình thao thao bất tuyệt về “nhạc cũ” thì kiểu gì cũng lạc quẻ. Không nói chuyện người ngoài, đôi khi bản thân cũng phải tự hỏi liệu mình có đang lùi về phía sau – bị bỏ lại trong chính tinh cầu “nhạc cũ” thưa vắng người đồng điệu.

Nhưng cũng giống như việc chọn đậu hũ hay trà sữa, bánh trung thu truyền thống hay bánh lạnh nhân kem, việc chọn dòng nhạc mình thích nghe không nằm ở cũ – mới mà nằm ở “gout” của mỗi người. Tư duy có thể cần nhanh, nhưng sở thích thì không. Mình ngồi bàn chuyện chính trị các nước ngày nay, nghe một bài nhạc viết từ ba mươi năm trước thì có sao?

“Cũ” trong “nhạc cũ” có phải là một tính từ tiêu cực? Ví như áo quần cũ, bàn ghế cũ… đều gợi đến cảm giác hao mòn, những giá trị mất mát đi nhiều. Nhưng thật lạ là cứ cái gì có dính dáng tới nghệ thuật như sách cũ, tranh cũ thì người ta lại luôn cảm thấy hoài nhớ và càng nâng niu. Bởi vì chúng đã vượt qua thử thách của thời gian, màu có thể phai, giấy có thể ố nhưng những gì ta đọc, những nét vẽ và tâm tư lẩn khuất đằng sau thì vẫn sống. “Nhạc cũ” cũng vậy, như một thứ rượu chưng lâu được năm tháng ủ thành ngon, quý.

Ngon từ giọng hát, từ giai điệu. Qua chừng vài thập kỷ, tiêu chuẩn về cái đẹp khác đi nhiều. Nhưng những ca khúc tìm nghe lại vẫn đủ sức ru ngủ những lo âu và làm rạo rực tâm hồn “người mới”.

Quý từ ca từ, từ cảm xúc trong bài hát. Mấy chục năm nghe câu: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… để gió cuốn đi” vẫn trọn hiểu ý tứ, vẫn là thông điệp đó nguyên vẹn không hề cũ đi. Nghe “nhạc cũ” để hiểu những thăm tháng cô chú, ba mẹ mình từng bước qua. Rằng có một tình yêu mãnh liệt như “My love” của Westlife, mười chín năm về trước. Và đâu đó trong những ca khúc ngày xưa vẫn thì thầm những bí mật từ quá khứ.

Lời thì thầm ấy, chỉ có thể kiếm tìm trong một chiếc playlist: có “nhạc cũ” và một trái tim rộng mở.

“Người mới”, hôm nay bạn nghe gì?

Bài viết: Thanh Ngọc

Thiết kế: Phương Thảo

Hình ảnh: Unsplash

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Categories: FTUShine