Gái Ngoại thương: Ai đẹp hơn người đó thắng?
(FTUNEWS) – Ở xứ sở 80% là nữ, chuyện gì sẽ xảy ra nếu cuộc chiến của con gái Ngoại thương không dựa vào trình độ? Phải chăng con gái Ngoại thương: Ai đẹp hơn người đó thắng?
- Nữ quyền trên màn ảnh: Tôn vinh hay hạ thấp giá trị người phụ nữ?
- Cofession #1402: Vì sao con gái Ngoại thương khó “đổ”?
- “Trạm cảm hứng” – Nơi những cảm xúc được gọi tên
Tài năng và nhan sắc: Một mất một còn?
Thỉnh thoảng tôi lại thấy người ta đang cuốn mình vào những cuộc tranh luận không điểm dừng: đại loại rằng có hay không việc ngày nay cái đẹp đã không còn chiếm vị trí độc tôn nữa. Người ta còn quả quyết cho rằng con gái không cần phải chăm chút nhan sắc mà hãy đầu tư một hành trang kiến thức thật vững vàng. Nếu chỉ mãi tô vẽ cho cái vỏ bên ngoài mà nội tại không chút để tâm thì ta khác gì một chiếc bình hoa, chỉ để ngắm và sẽ sớm héo tàn. Những cuộc thi sắc đẹp mà cái kết không mấy thỏa lòng khán giả về một cô hậu xinh đẹp nhưng “tài sắc chẳng vẹn toàn” lại càng khẳng định cái tỉ lệ nghịch giữa chiều cao – bộ não. “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, tôi vẫn tin vào điều đó cho tới khi về với Ngoại thương.
Trong không gian nhỏ bé, các nàng Ngoại thương ngày ngày xoay vòng với bài tập cá nhân, bài tập nhóm rồi các dự án câu lạc bộ, có khi bận đến không có nổi một bữa cơm trọn vẹn, đôi khi lướt qua cũng chỉ kịp trao nhau nụ cười, chẳng kịp dừng lại chuyện trò dăm câu. Tôi đã khá ngạc nhiên vì với cường độ công việc như vậy, lúc nào trông các cô cũng rạng rỡ. Buổi sáng thanh thuần trong chiếc đồng phục đỏ, buổi chiều sắc màu cùng câu lạc bộ, tối đến lại xúng xính trong những chiếc váy ngọt ngào. Dường như ở đây, “đẹp” là một nhân tố chi phối hầu hết các hoạt động. Gặp đối tác – phải thật chỉn chu chuyên nghiệp; dự tiệc – lại càng phải lộng lẫy kiêu kì. Trong một môi trường mà người ta tin rằng kiến thức chuyên môn giữ vai trò quyết định, các bóng hồng lại càng tỏa ngát hương. Ngoại thương cho tôi biết rằng, không phải ngẫu nhiên mà tạo hóa gọi chúng ta là “phái đẹp”. Ngoại hình không phải là thứ độc tôn nhưng nó cần thiết. Lớp sơn có đẹp thì mới có thể níu người tìm hiểu sâu từng thớ gỗ. Nó giúp ta tự tin hơn và là công cụ để các cô gái chiến đấu thêm dễ dàng trong cái xã hội mà các chuẩn mực về sự hoàn hảo ngày càng tăng cao.
Nhưng, tại sao cứ phải chọn giữa tài năng và nhan sắc nhỉ? Trong khi chúng ta có thể tròn vẹn đôi đường?
Em cần đẹp theo cách của mình,
vì em là gái Ngoại thương
Không phải ai sinh ra cũng may mắn có một nhan sắc động lòng người. Nhưng thay vì thu mình vào vỏ ốc bé tí, các cô nàng Ngoại thương đã tìm cho mình một định nghĩa riêng về cái đẹp. Đâu phải cứ môi son thật đỏ, đuôi mắt thật sắc, vòng eo thật chuẩn mới là đẹp. Buổi sáng thức sớm là phẳng chiếc áo, buộc gọn mái tóc xinh, thêm chút phụ kiện be bé, vậy là đã sẵn sàng một ngày mới thật xinh đẹp và sức sống. Đẹp còn là khi nàng nhường bước cho cô bạn đang mang chồng tài liệu thật cao. Đẹp khi nàng tự tin đứng trên sân khấu, vang cao tiếng hát đầy nội lực hay sải những bước chân kiêu hãnh trên sàn catwalk. Đẹp Ngoại thương thật khác, nhỉ.
Tất nhiên các nàng công chúa của chúng ta vẫn là con gái, vẫn điệu đà và dỗi hờn vu vơ. Chút son đỏ, chút má hồng cho ngày nắng, chút tông trầm cho ngày mưa. Nhưng các nàng hiểu được rằng, không ai hoàn hảo cả. Các tạp chí thời trang danh tiếng còn phải dùng photoshop để chỉnh sửa ảnh cho những cô mẫu vốn đã long lanh, thì tại sao các nàng lại phải cảm thấy áp lực để giống như họ? Ngoại thương hiểu rằng, cái đẹp không chỉ bắt nguồn từ vẻ long lanh bên ngoài mà còn ở một tâm hồn đẹp, một khối óc vững vàng và cái “đẹp” ấy sẽ tỏa sáng rực rỡ ở các cô gái biết trân trọng và tự tin khẳng định bản thân.
Bốn năm ở Ngoại thương này, em hãy luôn nhớ rằng: Ai đẹp hơn, người đó sẽ thắng!
Phượng Nghi