Nữ quyền trên màn ảnh: Tôn vinh hay hạ thấp giá trị người phụ nữ?

Nữ quyền trên màn ảnh: Tôn vinh hay hạ thấp giá trị người phụ nữ?

Published by Thái Huy on

0 0
Read Time:4 Minute, 33 Second

(FTUNEWS) – Ngày nay, nếu theo dõi làng điện ảnh Việt Nam, bạn có thể dễ dàng bắt gặp không ít những bộ phim nói về đề tài nữ quyền. Một câu hỏi lớn được đặt ra rằng, liệu đây là sự khởi sắc trong việc quan tâm đúng mức hơn đến các vấn đề về nhân quyền hay chỉ là một chiêu trò “câu khách” của các nhà sản xuất phim Việt Nam?

Nữ quyền – Xu hướng thống trị điện ảnh 2017

Nữ quyền là một khái niệm không hề xa lạ với phần đông mọi người. Có thể hiểu, nữ quyền tức quyền nữ giới hay quyền phụ nữ, là các quyền lợi bình đẳng giới được khẳng định dành cho phụ nữ và trẻ em gái trong nhiều xã hội trên thế giới. Những năm gần đây, công chúng yêu điện ảnh trong nước đã chứng kiến sự ra mắt của hàng loạt những bộ phim lấy cảm hứng từ đề tài này, có thể kể đến tiêu biểu như Cô Ba Sài Gòn, Mẹ ChồngNhìn chung, những bộ phim kể trên đều khá thành công về mặt doanh số cũng như hiệu ứng truyền thông với sự tham dự của dàn diễn viên nổi tiếng.

Nữ quyền: Sự tôn vinh đáng trân trọng…

Không quá khó để nhận ra các bộ phim về đề tài nữ quyền thường xoay quanh cuộc đời, số phận của người phụ nữ và cách họ vượt qua những tấn bi kịch khác nhau đến từ định kiến gia đình, xã hội. Cốt truyện ở dòng phim này không mới với đường dây kịch bản thường đi theo một mô típ khá dễ đoán: cuộc sống bình yên, bị vùi dập, vượt qua khó khăn và trở thành người hùng của chính đời mình. Từ đó, bộ phim tập trung tôn vinh vị trí, vai trò và năng lực của người phụ nữ trong cuộc sống. Đây chính là cảm hứng chủ đạo và thông điệp nghệ thuật cuối cùng mà nhà sản xuất muốn gửi gắm đến người xem.

…Hay sự hạ thấp giá trị người phụ nữ

Thông thường, trong những thước phim về đề tài nữ quyền, sự xuất hiện của tuyến nhân vật nam không được quá chú trọng, thậm chí hoàn toàn bị lãng quên. Họ có thể là những người đàn ông nhu nhược, không có tiếng nói hoặc phụ thuộc rất nhiều vào phụ nữ. Xét ở một khía cạnh nào đó, dường như vai trò của phái mạnh không được đề cao hay thậm chí hạ thấp quá mức trong một số trường hợp bởi sự tập trung đề cao nữ quyền. Điều này phần nào mâu thuẫn sâu sắc với mục đích và nguồn gốc ra đời của khái niệm nữ quyền: tôn trọng quyền bình đẳng giới; đồng thời làm cho câu chuyện mất đi sự tự nhiên, chất chân thật của đời sống. Một minh chứng điển hình gần đây cho trường hợp này là sự vắng bóng của những người cha, người chồng xuyên suốt 3 thế hệ nhà may Thanh nữ trong bom tấn của điện ảnh Việt – Cô Ba Sài Gòn.

Bên cạnh đó, cách đặt tâm điểm bộ phim tập trung quá nhiều vào hình tượng nhân vật nữ phần nào tạo nên những tác dụng phụ không mong muốn, đi ngược lại với mục đích ban đầu là tôn vinh phái đẹp. Không ít xung đột, hiềm khích phát sinh từ nội tại người phụ nữ và cách họ “đấu đá” bằng thủ đoạn nhẫn tâm, mánh khóe tàn độc chắc chắn là điều không mấy vẻ vang để tôn vinh. Nói một cách khác, chính phụ nữ là những người tự tạo ra bi kịch cho cuộc đời mình. Mẹ Chồng cùng vòng xoay ân oán giữa những con dâu nhà họ Huỳnh là một trong những ví dụ điển hình cho bi kịch tự tạo của không ít phụ nữ. Tin rằng, không ít khán giả nữ sẽ cảm thấy hơi ái ngại về cách mà những bộ phim này tôn vinh họ.

Tạm kết

Nhìn ở một khía cạnh khác, bản thân sự ra đời của khái niệm nữ quyền hay bình đẳng giới nói chung đã là bằng chứng sống động cho những lỗ hổng về mặt nhân quyền trong xã hội. Ngày nào những khẩu hiệu về nữ quyền còn xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông giải trí thì ngày ấy tình trạng thi hành nhân quyền giữa nam và nữ vẫn còn nhiều bất cập. Hàng loạt tác phẩm nghệ thuật ra đời nhằm mục đích tôn vinh người phụ nữ là điều đáng trân trọng, song sự tâm huyết đó cần được đặt vào những khối óc có tầm vóc để tránh làm méo mó đi hình ảnh vốn dĩ đã rất đẹp của họ. Phải chăng, chính niềm tin và sự kiêu hãnh trong tư duy sẽ là biện pháp hiệu quả hơn cả đưa những cô gái tiến gần hơn với thứ họ mong muốn. Nếu bản thân người phụ nữ không thực sự tin vào chính mình, không ai có thể làm điều đó giúp họ.

 

 

Duy Trần

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %