VẸN MỘT CHỮ TÌNH CÒN NGUYÊN
[FTUNEWS] Họ chỉ vào bụng con nhỏ rồi ngán ngẩm, suốt mấy mươi năm:
“Ma đưa lối, quỷ đưa đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”.
…
Chị nhìn lại mình, tấm thân này cũng có khá khẩm hơn chút nào đâu:
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.
Nguyên: Một mảnh nhưng chẳng hề trọn vẹn
Anh Đặng Quang Vinh: “Vì một cộng đồng Ngoại thương gắn kết”
Ở chốn thôn quê này, khi người ta thấy một cái bè xám ngắt, dọc theo đám lục bình, lênh đênh vô định trên sông, chẳng đậu vào bến làng mà cũng không biết hướng về đâu, cũng là lúc người ta biết “có một con đàn bà chửa hoang”. Đám phụ nữ và trẻ con trong làng ngoái đầu trông theo con nhỏ mới độ chừng mươi tuổi, nghe nói nó giấu kĩ lắm, đến mẹ đẻ nó còn không biết, chỉ thấy cái bụng nó lớn lên từng ngày mà đâu ai nghĩ tới chuyện một sinh linh khác đang hình thành trong cơ thể bé xíu đó.
Từ ngày thầy u đi làm xa, nó sống với bà trên cái chòi cắm giữa sông, quanh năm đìu hiu, cũng chẳng thấy ai ra vào, chỉ có ông cậu họ hàng xa lâu lâu ghé thăm. Người ta chỉ biết có chừng đó, nghĩ con nhỏ cũng tội vì xa ba mẹ sớm. Mà nó đẹp, phổng phao và có nét trưởng thành hơn những đứa cùng tuổi, ai cũng tấm tắc khen nó như bước từ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du ra.
Nó đẹp ư? Phải chi nó đừng đẹp, phải chi nó bình thường thôi, nó đẹp là một cái tội hay là sao? Nó không biết nữa, nó ngồi lay tay mẹ, người đàn bà với gương mặt khắc khổ xót xa nhìn đứa con mình rứt ruột đẻ ra. “Vậy là con phải sinh em bé hả u?”. Bà mẹ bất lực ôm mặt khóc nức nở, để nó một mình ngơ ngác xoa cái bụng đã lớn gần bằng cơ thể mình. Bản thân nó không biết sinh em bé là gì, nó chỉ nhớ ông cậu hay cho ít kẹp tóc, rồi giờ đây người ta đồn con nhỏ mang thai con của lão.
Nó nhỏ quá, người ta không nỡ phá, sợ nó chết. Họ bỏ nó trên bè, thả trôi sông, sống chết mặc kệ. Đó là hình phạt giáng xuống đầu những người đàn bà chửa hoang, trinh tiết không còn nguyên vẹn là phẩm hạnh cũng mất đi luôn. Ở xã hội đó, người ta thường không có chủ ý truy nguyên lý do của bất hạnh đời con nhỏ, họ chỉ thấy ô uế, từ một nạn nhân, nó bị tước luôn quyền sống, quyền được làm người. Mười tuổi, nó đơn giản và thuần khiết, y như tờ giấy trắng, người ta vấy bẩn rồi dìm nó xuống đáy sông. Nó chết ngạt, chết giữa vũng lầy nhơ nhớp của một gã bệnh hoạn, chết trong sự lạnh lùng vô tình của người đời, một lần và mãi mãi, không tài nào ngủ yên.
“Hôm nay anh đã đi gặp cô ta?”
“Đừng nói những lời đó, cô không đủ tư cách”.
Đã mười năm kể từ khi chị về làm vợ, vậy mà không một ngày được sống đúng nghĩa. Còn nhớ như in ngày đầu chị cưới, đêm tân hôn, mẹ chồng trải lên giường tấm vải voan trắng toát khiến chị rùng mình. Chị không sao quên được vẻ mặt hốt hoảng của người chồng đầu ấp tay gối, cả cảnh hắn xô chị vào góc tường và một cú tát như trời giáng thẳng xuống gò má chị. Nước mắt chực trào mà không rơi nổi, sững lại theo nhịp quặn thắt nơi trái tim. Từ đó về sau, không ai thấy chị khóc, cười, hay biểu lộ cảm xúc, mấy ai hiểu rằng lòng chị đã chết đi rồi. Chết từ trong tâm.
Hai mươi tuổi, chị có mối tình thật đẹp với người con trai mà mình trọn vẹn tin yêu. Họ đến và yêu với tất cả những gì thuần hậu và chân chất, nguyện trao cho nhau cái quý giá và thiêng liêng nhất của đời người. Chị hỏi, nếu sau này anh không lấy em thì sao? Anh một mực đinh ninh điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Và quả thật, đúng như lời anh nói, nó đã không xảy ra – lời hứa anh dành cho chị, họ không kết hôn và bỏ lại nhau giữa lưng chừng tuổi trẻ.
Chị chưa từng hối hận với quyết định đó, nhưng giờ thì có rồi, giữa cái khổ bủa vây và miệng đời không để chị yên. Trinh nguyên là gì mà người ta lấy ra đo nhân phẩm chị, họ nói chị hư hỏng và khuyên chồng nên bỏ chị đi. Hắn không làm vậy, hắn hành hạ chị đủ kiểu, hắn xem chị là cái gì nhơ nhuốc nhưng nhất quyết không ly hôn vì danh dự của một gã đàn ông – tồi, chị nghĩ.
Cái gì là trinh tiết, cái gì là vẹn nguyên? Dù là vô tình bị cướp mất hay chủ động dâng hiến cho tình yêu, rốt cuộc cũng như nhau mà thôi. Hai người phụ nữ sống ở hai thời đại khác nhau, sao vẫn hoài đau đáu một nỗi niềm như vậy? Còn tấm lòng son sắt, cái hồn cốt bên trong của người đàn bà bị họ gạt phắt hết, trong mắt người ta, những thứ đó không còn chút gì giá trị so với một thang đo vô hình mà bao đời giăng mắc.
Phụ nữ bị đóng khung và luẩn quẩn ở đó, dẫu vậy, trinh nguyên vẫn là chuyện của tấm lòng.
Bài viết: Hồng Ân
Thiết kế: Phương Như