2017, “Nước cờ” truyền thông nào “chiếu tướng”?

2017, “Nước cờ” truyền thông nào “chiếu tướng”?

Published by Hồng Ngọc on

0 0
Read Time:6 Minute, 18 Second

(FTUNEWS) – Chiến lược truyền thông cũng quan trọng giống như từng đường đi nước bước trên một ván cờ. Nhưng liệu rằng, “Được ăn cả, ngã về không” có phải là lời đáp hạ màn sau bao biến chuyển thăng trầm của một chiến dịch truyền thông hay còn là bệ phóng cho những bước tiến tương lai dù là thành công hay thất bại?

Khaisilk – niềm tin mất, thương hiệu “chết”

Những tưởng rằng, chú trọng về mặt truyền thông là chiếc chìa khóa vàng để đánh dấu và nâng tâm thương hiệu, nhưng kì thực, nếu sản phẩm không đem lại giá trị thật sự thì việc đề cao truyền thông thương hiệu quá mức sẽ trở thành nhát dao chí mạng khiến doanh nghiệp đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp kinh doanh của mình. Điều này là quy luật hiển nhiên, song nó lại gây chấn động trong dư luận khi xảy ra với Khaisilk – doanh nghiệp từng đón đầu xu hướng và chất lượng ngành tơ lụa Việt. Từ tháng 10/2017, Khaisilk đã 2 lần giáng đòn đau lên lòng tin của người tiêu dùng về vụ việc chiếc khăn hai nhãn mác và thực chất không hề có thành phần lụa. Khách hàng kiên quyết tẩy chay, cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành xử lí theo các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự có lẽ là cái giá đắt mà Khaisilk phải trả cho việc làm ăn lừa dối.

Vụ Khaisilk sẽ là một bài học khó quên cho doanh nghiệp, để họ thôi chạy theo những món lợi nhuận tức thời, hướng đến làm Marketing dựa trên những giá trị thật để củng cố lòng tin khách hàng vào thương hiệu.

 

Vinasun – hiệu ứng ngược “gậy ông đập lưng ông”

Từ lúc Uber, Grab thâm nhập vào thị trường Việt Nam, mọi người dường như đã nghe rất nhiều về thực trạng kinh doanh “bằng mặt nhưng không bằng lòng” giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ. Song giữa dòng dư luận ấy, Vinasun lại vô tình thể hiện sự bất bình bấy lâu ra ngoài qua hành động kêu gọi “chính nghĩa” có phần “lộ liễu” của mình. Sau khi nhận được phản hồi tiêu cực từ dư luận, ban lãnh đạo Vinasun cho biết hành động dán biểu ngữ ở đuôi xe để phản đối Uber và Grab là do tài xế tự phát thực hiện, hoàn toàn không có sự chỉ đạo của cấp trên. Lời biện hộ khó tin này không chỉ thể hiện như một sự chối bỏ trách nhiệm của Vinasun, mà còn mang lại hiệu ứng ngược với những gì trước đó họ đã truyền thông, quảng bá.

Vậy chăng, sự chân thành, khôn khéo trong xử lí khủng hoảng truyền thông cũng là điều vô cùng quan trọng để ổn định bộ máy nhân sự đồng thời, để thương hiệu không bị “mất giá” trong mắt người tiêu dùng.

 

Chi Pu – Chiến lược truyền thông “nhất cự li, nhì tốc độ”

Từ lúc chính thức gắn tên mình với danh xưng ca sĩ, dù vô tình hay hữu ý, Chi Pu đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của làn sóng dư luận. Không phải là nữ ca sĩ có giọng ca xuất sắc được giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng sẽ không ngoa khi nhận định rằng Chi Pu và ekip của mình đã là những Makerter tài ba trong chiến lược truyền thông kiểu mới “Nhất cự li, nhì tốc độ”. Bởi không chỉ giữ đúng lời hứa “Từ giờ đến cuối năm, mỗi tháng tôi sẽ cho ra mắt một MV” mà cô nàng còn làm hơn thế nữa khi mỗi sản phẩm âm nhạc đều được phát hành từ 2 đến 3 phiên bản, đánh vào cả thị trường trong và ngoài nước. Cộng với ca khúc “Esraxled” vừa ra mắt, Chi Pu hiện sở hữu tổng cộng 7 phiên bản video, ca khúc trên YouTube  – một con số “khủng” mà không phải ca sĩ nào, dù đã kì cựu trong nghề có thể làm được.

Không thể phủ nhận rằng, Chi Pu cùng ekip đã có một quyết định liều lĩnh mà khôn khéo, bài bản cho công cuộc “thâm nhập thị trường” của mình. Sẽ là quá sớm để đánh giá tính đúng đắn của “nước cờ” này, nhưng chắc chắn rằng đây vẫn là một bài học truyền thông giá trị để nâng tầm viral và chiếm lĩnh thị trường theo kiểu mới.

 

Biti’s Hunter – bước chuyển mình hồi sinh thương hiệu

Hành trình lột xác của Biti’s từ thương hiệu lỗi thời trong quên lãng đến hot item được giới trẻ săn đón chính là minh chứng rõ ràng cho sự hồi sinh của một “thương hiệu quốc dân”. Song chặng đường trở lại ấy không đơn giản chỉ là việc ra mắt sản phẩm mang tính cải tiến mà còn là một chiến lược truyền thông dài đầu tư kĩ lưỡng về nhiều mặt. Đi nước cờ dạo màn khôn khéo, Biti’s bắt tay với Uber trong chiến dịch đầu tiên – UberMove. Giữa dòng dư luận về thực hư sự trở lại của mình, Biti’s tiếp tục ra quân bài quyền lực – sức mạnh KOLs để mở rộng phạm vi phổ quát thương hiệu. Không chỉ đầu tư hỗ trợ cho nhiều cuộc thi Marketing quy mô lớn, như Young Marketers… Biti’s còn khéo léo kết thúc chiến dịch truyền thông bằng cú hạ màn đầy ấn tượng: chuyển hướng truyền tải thông điệp cốt lõi qua hai MV của những nhân vật đình đám (Sơn Tùng và Soobin Hoàng Sơn) để thu hút giới trẻ.

Sau vô vàn điều bất ngờ từ sự trở lại như vũ bão của Biti’s, ta chợt nhận ra: Không bao giờ là quá muộn để tạo lập hay tái tạo lập dấu ấn thương hiệu nếu đủ kiên nhẫn, đam mê và thức thời. Vì biết đâu bệ phóng thành công đang ở ngay sau cánh cửa chuyển mình?

 

Shark Tank – sự “phục sinh” của chương trình truyền hình thực tế Việt Nam

Nhanh nhạy “nắm thóp” được thị hiếu hiện nay, khi những người trẻ Việt với “máu làm giàu” và đam mê khởi nghiệp đang không ngừng háo hức kiếm tìm con đường để đổi đời, thì Shark Tank đã nhanh chóng tạo được tiếng vang ghi dấu vào thị trường chương trình truyền hình. Song song với nhiều show truyền hình giải trí đã quá quen thuộc với “khẩu vị” của khán giả Việt, Shark Tank – Thương vụ bạc tỉ nổi lên như một “làn gió mới” thu hút dư luận với nhiều khía cạnh riêng biệt từ những ý tưởng khởi nghiệp mới mẻ, những thương vụ giá “khủng” hay cả những bài học kinh doanh đắt giá.

Thấu hiểu tâm lí khán giả, kích thích tranh luận trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong từng tập mới hay tối đa hóa tầm ảnh hưởng của các Sharks chính là những điểm nút tạo nên sự thành công, tính đặc trưng cho Shark Tank năm nay. Cách mà Shark Tank chinh phục khán giả Việt chẳng phải là một bài học đắt giá để chiến dịch truyền thông “chiếm lĩnh” trái tim khách hàng?

Thu Mỹ

Nguồn ảnh: Internet

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Categories: Vitamin Biz