(FTUNEWS) – Nằm trong top 5 các nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu, môi trường trở thành cấp thiết với Việt Nam ở mọi lĩnh vực. Nắm được tinh thần đó, “lột bỏ lớp vỏ công nghệ cũ, thay áo mới” là những gì mà nhiều doanh nghiệp đang theo đuổi để hướng đến mô hình kinh tế xanh.
- Nghệ sĩ Indie – “Người lạ”, “kẻ ngông”, ngược dòng thời đại
- NGÀNH CÔNG NGHIỆP ÂM NHẠC – “CHÚ GÀ ĐẺ TRỨNG VÀNG” CHO NỀN KINH TẾ
- GÓT CHÂN NGỌC: HÀNH TRÌNH KHẲNG ĐỊNH BẢN LĨNH NGƯỜI PHỤ NỮ
“Motorball” hệ xanh
Mang trong mình sứ mệnh đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực hết sức trong lựa chọn “kinh doanh xanh”, sôi nổi y rằng mở màn một trận “motorball” thật thụ. Mặc dù vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn đề rác thải nhựa, nhưng hệ thống các cửa hàng Vinmart, Co.op mart, Co.op food, Santrafood hay Bách Hóa Xanh đã bắt đầu có những bước tiến đầu tiên khi đưa các sản phẩm túi có khả năng tự hủy vào sử dụng thay cho túi nilong bình thường. So với các loại thông thường, túi nilong tự hủy có khả năng phân rã thành mảnh vụn hoặc bột mịn, được các vi sinh vật, vi khuẩn trong môi trường tiêu thụ.
Nền kinh tế xanh với bản chất luôn biến động đòi hỏi cần có “sức bật sáng tạo” mạnh mẽ cho những ai theo đuổi nó. Âu đó cũng là lý do nhiều sản phẩm “có một không hai” được phép chào sân. Chỉ riêng để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, ở mặt hàng ống hút, những vật liệu tự nhiên gần gũi được biến tấu để cho ra đời từ ống hút bằng tre, đá lạnh, bột gạo, giấy hay thủy tinh và cho đến nguyên liệu khó ngờ là cỏ. Các sản phẩm làm từ giấy như cốc, ly, ống hút,… mặc dù vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu “xanh” hoàn toàn (do được tráng một lớp nhựa bên trong) nhưng vẫn là một nỗ lực đáng ghi nhận trong việc tiết kiệm nhiên liệu, giúp doanh nghiệp dần chiếm cảm tình của khách hàng hơn là các sản phẩm truyền thống.
Có thể nói nền công nghệ xanh phát triển chính là con “át chủ bài” làm nền mống cho kinh tế xanh. Minh chứng cho điều này, mới đây, sinh viên thiết kế của Tây Ban Nha đã phát minh “bong bóng chứa nước có thể ăn được và phân hủy nhanh”, mang tên Ooho. Sự mới lạ, tính lành mạnh an toàn của thiết kế này gây chú ý cho nhiều người và có sức lan tỏa mạnh về việc bảo vệ môi trường. Chỉ điểm qua một vài nổi bật trong sự phát triển của nền kinh tế này cũng đủ thấy kinh tế xanh đã thật sự trở thành trận đấu tiềm năng. Và nó cũng đã từng bước chắc chắn hoàn thành phần nào sứ mệnh của mình.
Không gian hiện đại cũng trở nên “nature”
Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm mang tính thân thiện với môi trường, nhiều nhà kinh tế còn sử dụng mô hình không gian xanh như một kiểu dịch vụ thu hút khách hàng. Đặc biệt ở các thành phố lớn, tính chất công việc của nhiều người thường phải ngồi suốt trong phòng kín với máy lạnh. Họ dần chuyển hướng thích không gian ở ngoài trời và gần gũi với tự nhiên nhiều hơn, nhất là vào buổi đêm. “Nắm thóp” tâm lý này, nhiều cửa hàng dần mở lối kinh doanh sang không gian ngoài trời kết hợp trồng thật nhiều cây xanh để tạo sự trong lành. Bên cạnh đó, không ít nơi khác lại lựa chọn cách thức an toàn hơn là phối hợp cả hai không gian phòng kín và sân vườn. Nhiều quán trà còn được thiết kế theo phong cách cũ, dùng những sản phẩm từ mây tre đan và luôn gắn với khẩu hiệu “nói không với túi nilong”. Hẳn rằng, nếu dịch vụ xanh này được áp dụng nhiều và thường xuyên hơn, nó sẽ tạo nên “văn hóa xanh” trong hầu hết người tiêu dùng Việt Nam, là tín hiệu tốt cho một nền kinh tế “không khói bụi”.
Đường dài thì lắm chông gai
“Cơ hội lớn cũng là thách thức lớn”, đó có thể là những từ dùng để diễn tả phù hợp nhất hình thức “kinh doanh xanh”. Dù bắt nhịp sôi nổi nhưng xuất phát điểm chậm hơn nhiều nước cũng tạo thách thức về sự sáng tạo cao để doanh nghiệp có thể “can đảm” đồng hành cùng “kinh tế xanh” trên đường dài. Thêm vào đó chi phí để làm ra các sản phẩm thân thiện với môi trường không hề rẻ. Bởi để có nó cần phải đầu tư thật chỉnh chu về chất lượng thiết bị và công nghệ mới nhất. Chính vì vậy, giá thành bao giờ cũng cao hơn các mặt hàng bình thường khác. Nhiều khách hàng bị đánh vào tâm lý này và vẫn ưa chuộng cái rẻ hơn. Không đâu xa là câu chuyện của chiếc túi nilong. So với một chiếc túi có thể phân hủy được nó có giá thành rẻ hơn gấp nhiều lần. Vì vậy nhiều người buôn bán vẫn ưu tiên chọn túi nilong hơn cũng chỉ vì “quá rẻ”. Nói không ngoa, chi phí đầu tư, giá thành sản phẩm vẫn còn là một bài toán khó khiến nhiều doanh nghiệp e ngại rẽ hướng theo đuổi kinh tế xanh.
Doanh nghiệp gặp khó, khách hàng cũng nan giải không kém khi mà nhiều người lợi dụng sản phẩm xanh như một “hot trend” để kiếm lợi. Họ qua mặt người tiêu dùng bằng những sản phẩm mang mác “xanh” giả mạo. Cách thức “greenwashing” được áp dụng như một hình thức marketing làm “xanh quá” bản chất sản phẩm, thu hút người tiêu dùng mua hàng vì tin rằng nó thật sự “thân thiện với môi trường”. Rayon là một thực tế cụ thể, được sản xuất từ tre nhưng được xử lý là các hóa chất độc hại, vậy mà các nhà bán lẻ thường xuyên dán nhãn và quảng cáo hàng dệt nó là “cây tre thân thiện với sinh thái”. Có thân thiện không khi hóa chất thải ra môi trường?
Cho đến hiện tại, khi hầu hết các nước đã tiến hành mạnh mẽ “kinh tế xanh”, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã “thức thời” biến nó trở thành mục tiêu kinh doanh của mình. Âu không chỉ vì “trending” mà còn vì trách nhiệm của mình với xã hội. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng phải nên cảnh giác lựa chọn đúng sản phẩm “xanh thật sự”. Có như vậy, hình thức kinh doanh này mới thật sự hiệu quả và Trái Đất của chúng ta mới được bảo vệ ít nhất là lâu dài.
Quỳnh Như