(FTUNEWS) – Trong xu thế phát triển không ngừng, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào mọi lĩnh vực trở thành nhu cầu tất yếu. Mang sứ mệnh một “công cụ” giáo dục đổi mới, e – learning, phương thức học ảo thông qua thiết bị thông minh đã và đang khởi sắc vượt bậc.
- Muôn màu “trending” hay cơn sốt 365 ngày cùng bóng đá?
- Máy Bay, Sơ-mi, Và Nỗi Nhớ
- Đi đâu cho bằng Tết Sài Gòn
Những tính năng không thể chối từ
Vốn là lĩnh vực rất được chú trọng, giáo dục luôn là kim chỉ nam hàng đầu trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Thay đổi một thói quen giáo dục hằn sâu trong tiềm thức cũng theo đó mà gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây, sự bùng nổ của công nghệ thông tin với quy mô và mức độ phủ sóng gần như toàn cầu đã định vị giáo dục công nghệ cao, e – learning (đào tạo trực tuyến) đang dần khẳng định tên tuổi của mình.
Sở dĩ, e – learning có thể thâu tóm thị trường “niềm tin” bởi những tính năng ưu Việt mà nó đem lại. Khác với phương pháp truyền thống, e – learning cho phép học viên có thể học mọi lúc, mọi nơi, thậm chí là suốt đời với nội dung bài giảng liên tục được cập nhật, hoàn thiện và đầu tư vào chất lượng. Học viên online sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí, sức lực, có thể giao lưu, thảo luận với bạn bè trong nhóm học tập trực tuyến đồng thời giảm bớt áp lực, phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi người. E – learning còn mở ra cơ hội khởi nghiệp cho những ai bắt kịp xu hướng. Chúng ta không còn xa lạ với thầy giáo Nguyễn Anh Đức (CEO Trung tâm tiếng anh Smartcom) đã ra mắt mô hình Hybrid Learning, hay còn gọi là Blended Learning, một mô hình đào tạo phát triển khả năng tự học và khai thác việc luyện tập trực tuyến tại lớp học.
Một nhân vật đình đám khác đã “bỏ việc lương cao, tự thân khởi nghiệp” là Văn Đinh Hồng Vũ, người đồng sáng lập ELSA Speak. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mà ELSA ứng dụng sẽ nghe giọng nói của người học, phân tích dữ liệu và mở ra xu hướng giúp người học cải thiện khả năng phát âm tiếng Anh. Ý tưởng xuất sắc này đã vượt qua 1200 đối thủ và giành giải nhất cuộc thi khởi nghiệp về công nghệ giáo dục SXSWedu tổ chức tại Mỹ.
Vươn tầm cao mới
Ngành giáo dục toàn cầu liên tục phá vỡ kịch bản của thị trường khi cho ra đời phương pháp học tiếng Anh bằng công nghệ ảo (VR: virtual reality). Với những tính năng độc đáo, VR cung cấp video 3D biến đổi môi trường ảo thành môi trường để chúng ta có thể nghe, nói với người bản xứ và cảm nhận trọn vẹn không gian nơi họ đang đứng. Không bài vở, không ghi chép, chỉ nghe và lặp lại, não bộ chúng ta “hấp thụ” nhanh và nhớ lâu hơn vì từ vựng luôn được gắn với từng ngữ cảnh. Vượt qua giới hạn của những khóa học trực tuyến một chiều, năm 2018, Nguyễn Phạm Tuấn Anh cùng với đội ngũ sáng lập Cộng đồng kết nối kiến thức Tesse đã tiếp cận thị trường Việt Nam. Cùng tính năng live-streaming với công nghệ mô phỏng lớp học thực sự, Tesse cho phép người học có thể tương tác với giảng viên ngay tức thì. Nếu có kiến thức sâu rộng, bạn hoàn toàn có thể kiếm tiền trên Tesse khi tạo khóa học của riêng mình. Gần đây, với gói membership chỉ 10,000 VNĐ/ngày mới ra mắt, bạn có thể tham gia bất cứ khóa học nào, từ tiếng anh tới makeup, yoga, kinh doanh online, lập trình, kế toán, nhân sự, sức khỏe, kỹ năng nuôi dạy trẻ… Đó cũng là một trong 25 startup nổi bật của chương trình bình chọn Startup Việt 2018 do VnExpress tổ chức.
Kỳ vọng một bước nhảy vọt
E – learning vốn đã được áp dụng ở các nước phát triển: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… tạo nên thành tựu đáng kể. Theo Cyber Universities, gần 90% trường đại học tại Singapore sử dụng phương pháp đào tạo trực tuyến, ở Mỹ con số này là hơn 80%. Ở Hàn Quốc, người ta sử dụng e – learning với mục đích làm cho giáo dục linh hoạt hơn và công bằng hơn với tất cả mọi người, đồng thời cắt giảm chi phí dạy kèm tại các trung tâm luyện thi. Riêng Việt Nam, được đánh giá là một nước đang phát triển nhưng năng động, biết đi tắt đón đầu xu hướng công nghệ toàn cầu, e – learning trở nên. phổ biến. Học sinh THPT đã quen với những trang web luyện thi online như Hocmai.vn, Moon.vn, Tuyensinh.com,… Sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng cũng như người đi làm không còn xa lạ với Step Up English, Ms Hoa Toeic, Ielts Ngọc Bách,… Sự đa dạng của những khóa học chính là bước đệm cho chất lượng, luôn luôn vận động, luôn luôn đổi mới, hứa hẹn những kết quả ngoài mong đợi.
Nếu e – learning tiếp tục trên đà tăng trưởng như hiện nay, học sinh làm bài thi THPT quốc gia, làm bài thi học sinh giỏi các cấp trên máy tính thì liệu chất lượng giáo dục sẽ phát triển như thế nào? Bên cạnh đẩy mạnh e – learning, có nên kết hợp với cách học truyền thống, bù đắp những thuận lợi và khó khăn của cả hai phương pháp tiếp cận kiến thức không? Bất cứ sự thay đổi đều đem lại những cơ hội và thách thức, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng và kỳ vọng vào một nền giáo dục tiến bộ hơn.
Yến Vy