Ta đang chiến đấu vì ai?

Ta đang chiến đấu vì ai?

Published by Hồng Ngọc on

0 0
Read Time:3 Minute, 53 Second

(FTUNEWS) – Những ngày gần đây, việc Việt Nam chuẩn bị cho thuê Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trong 99 năm để làm “đặc khu kinh tế” có lẽ đang là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất. Hàng loạt các cuộc biểu tình trên diện rộng nhằm mục đích phản đối gay gắt dự luật này đã khiến dư luận từ đặt câu hỏi “Có nên hay không việc thực hiện dự luật?” chuyển sang hoài nghi, liệu rằng “Sau tất cả, cuối cùng chúng ta đang chiến đấu cho điều gì?”

Kẻ thù?

Theo các thống kê gần đây, các đợt biểu tình phản đối dự luật “Đặc khu kinh tế” đã gây ra không ít thiệt hại tại những nơi bước chân dòng người quét qua. Đơn cử việc chặn đầu, phá xe du lịch, hành hung khách Trung Quốc liên tục xảy ra trên nhiều địa điểm du lịch. Tại Bình Thuận, bạo động lớn xảy ra ở phạm vi toàn tỉnh, bao gồm: đình công, đập phá UBND, cướp kho súng, đốt xe và giấy tờ các cơ quan lân cận. Nha Trang buộc phải yêu cầu thiết quân luật nhằm phòng tránh thiệt hại leo thang. Vô số đơn hàng bị hủy chỉ trong một buổi chiều. Nhiều chiến sĩ cảnh sát cơ động bị tấn công dẫn đến bị thương nặng, phải bỏ lại áo giáp, vũ khí, phương tiện, bất lực trước cơn cuồng nộ của đám đông. Sự “căm phẫn” của người dân trước “Trung Quốc”, “đặc khu” hay “99 năm” không còn chỉ đơn giản là những dòng bình luận trên màn hình smartphone nhỏ cỡ lòng bàn tay, mà giờ đây, nó bùng nổ dưới hình thù những cơn bão “sống”, tràn qua mọi ngõ ngách, càn quét bất kì thứ gì trên đường đi của mình.

Thế nhưng liệu rằng, cảnh tượng đang diễn ra có phải là điều chúng ta thật sự muốn thấy sau tất cả? Liệu rằng cách ta tự tay làm tổn thương chính đồng bào mình đổ máu, cách ta tự đốt cháy tài sản của chính đất nước mình, tự tay bóp ngạt con đường sống của chính sản phẩm mình làm ra, tất cả có phải là cách ta gầm thét, thể hiện “uy vũ” trước kẻ thù, hay ta chỉ đang tự biến mình thành những quân tốt hy sinh vô tội vạ trong ván cờ chính trị của những phe phái đang hả hê giật dây phía sau? Suy cho cùng, lần này không phải “danh” Trung Quốc hay bất kỳ ai, mà chính sự sợ hãi, tâm lý phán xét vội vã, nghi kị, để cơn giận che mờ lý trí mới là kẻ thù lớn nhất nhất mà chúng ta đang đối mặt.

Hay đất nước?

“Tôi biểu tình để đất nước tốt đẹp hơn” có lẽ là tâm lý chung của nhiều người trong những cuộc “vùng lên” gần đây. Tại thời điểm mà lòng tin dân chúng trước chính quyền đã bị lung lay quá nhiều, sự việc “đặc khu” lần này có thể tạm ví như những giọt nước tràn khỏi “chiếc ly bất mãn”. Trong khi nội bộ còn nhiều đứt gãy, thì những bộ luật cải cách, bổ sung, hoàn thiện đất nước hơn vẫn cứ ở đó như những con cá nằm trên cát, chưa thể có bất kì một dấu hiệu “cử động” rõ ràng nào. Người trên kẻ dưới đổ lỗi cho nhau, để rồi tất cả cùng lắc đầu tại sao vô số “nhà yêu nước thời vụ” được dịp bùng phát, trục lợi.

Đất nước chưa hoàn hảo, ai cũng biết điều đó. Nhưng có bao giờ ta tự vấn rằng: Ta yêu nước thế nào là “đúng”?, rằng ta chờ đợi đất nước phải hoàn hảo rồi mới yêu, hay ta vẫn sẽ yêu nó ngay từ trong những điều chưa hoàn hảo nhất?

Việc thực thi dự luật có thể hợp lý hoặc chưa, song, điều chúng ta nên làm nhất bây giờ phải chăng nên là cẩn thận tìm hiểu và đồng lòng lên tiếng để thay đổi những điều còn bất cập, chứ không phải tiếp tục dùng mâu thuẫn để giải quyết mâu thuẫn, hay dùng bạo lực để thực thi lý tưởng trong bất cứ trường hợp nào.

“Yêu nước, hãy bình tĩnh yêu.”

Nhật Thanh

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %