“Quê hương là gì hở mẹ?
Mà cô giáo dạy phải yêu.
Quê hương là gì hở mẹ?
Ai đi xa cũng nhớ nhiều”
Cô bé đã hỏi mẹ mình bài học về quê hương trong ngày đầu cắp sách đến trường một cách hồn nhiên như thế. Thế giới nhỏ bé ngoài kia trong con mắt rất đỗi hiếu kì của cô học sinh lớp một chẳng hiểu vì sao không được lấp đầy bằng những con tính, những bỡ ngỡ của ngày đầu tiên đến lớp mà đâu đó trong thế giới ấy còn là những suy tư về hai tiếng rất lạ mà cũng rất đỗi thân quen: Quê hương. Quê hương lúc ấy chỉ chừng là giếng nước, là cây đa, là mái trường làng cũ kĩ, là căn nhà tranh với sự che chở ân cần của mẹ cha…
Rồi nhiều năm trôi qua, em bước vào tuổi 16; quê hương trong em giờ đây là niềm tự hào khi được khoác lên mình tà áo dài thướt tha của những năm tháng mộng mơ nhất đời. Để rồi từ đó chưa bao giờ ước mơ trong em lại rõ ràng đến thế – ước mơ được gìn giữ và đóng góp cho quê hương.
18 tuổi, lần đầu tiên xa nhà, em gói vào va-li là tình yêu, nỗi nhớ, là tà áo trắng tinh khôi thuở nào, không quên gói trọn cả ước mơ năm 16 tuổi. Quê hương với em bây giờ còn là những đêm giông xé lòng khi mơ về tô phở ấm nóng, là tiếng khóc nấc khi nghe câu hát: “Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà…”.
Tôi tin chắc rằng những người như em không phải là số ít, xuyên suốt chiều dài mảnh đất “3S” này – 1 S của những đường cong thiếu nữ dành cho hình dáng đất liền và 2 S dành cho tên gọi của hai quần đảo thân thương: Hoàng Sa – Trường Sa. Bạn bè em là những người sẵn sàng bán đi bộ sưu tập tem yêu thích của mình đóng góp cho quỹ vì quê hương. Anh chị em là những người gửi những tin nhắn ấm lòng đến các chiến sĩ Trường Sa, mỗi tin nhắn là một viên gạch góp phần xây nên đất nước. Xung quanh em còn có những đêm nhạc từ thiện với gần 1000 ca sĩ hát về biển đảo thân yêu…
Và em biết không, trong số đó còn có cả tôi và những người bạn của tôi, những FTUers, với trái tim luôn hướng về mỗi tấc đất quê hương Việt Nam – đất nước có 3 chữ “S”.
Mỗi cây cổ thụ đều mang trên mình rất nhiều cành con. Em và tôi đã tìm thấy cành Ngoại Thương trên cây cổ thụ lớn mang tên Việt Nam này. Một mùa FTU’s Day nữa lại về, một mùa đầy gió và hương cà phê len vào lớp học. Ngày hội truyền thống đưa chúng ta hướng về nguồn cội và nhắc nhở chúng ta giữ gìn cành con của chính mình, để nó mãi xanh tươi và cây cổ thụ ấy mãi trường tồn.
Kim Hà – Minh Trang
* Bài viết được đăng trên FTUNEWS số tháng 10/2011, download tại ĐÂY.