(FTUNEWS) – Nhắc đến những sinh viên Ngoại thương “con nhà người ta” kiểu mẫu, chắc chắn không thể thiếu cái tên Đặng Quang Vinh. Gần 10 năm kể từ ngày rời giảng đường, chàng cựu sinh viên lớp K47C nay đã là trưởng phòng cấp cao của PwC và sẵn sàng trở thành người dẫn đường cho những thế hệ tiếp theo.
Phút tan chậm của một thế hệ phong tỏa
Truyền thông – thiên thần hộ mệnh hay những “bóng ma” gặm nhấm?
FTU’S DAY 2021 – 61 Năm, 3 Ngày, 1 Ngoại thương
Kể lại những ngày còn ở giảng đường, anh Vinh cho biết học phần Thuế từng không có trong chương trình học của lớp Tài chính quốc tế. Do đó, anh tiếp xúc với môn học này qua những ngày “cắm cọc” tại lớp A. Ấn tượng đầu tiên của anh về lĩnh vực này chính là “ôi sao toàn chữ và chữ thế, rồi lại bày thêm đủ thứ loại thuế nữa”. Bẵng đi một thời gian đến đầu năm 4, anh nhận thấy các bạn mình ồ ạt nộp đơn vào 4 công ty kiểm toán “đầu não” (BIG4) nên cũng lân la đi hỏi thăm. Hầu hết mọi người đều chọn kiểm toán – môn mà mình chưa từng học hay có ý định sẽ làm – nên anh cũng từng có ý định bỏ qua.
Nhưng rồi trong một buổi nói chuyện, người cô họ tình cờ nói với anh rằng BIG4 là nơi làm việc mơ ước của bất cứ sinh viên ngành kiểm toán – tài chính nào. Thế là anh cũng quyết định thử một phen, nhưng khi ấy chỉ còn mỗi PwC Việt Nam là còn nhận hồ sơ. Qua tìm hiểu, anh biết được PwC được đánh giá là sở hữu lượng khách hàng “khủng” nhất BIG4, chuyên cung cấp các dịch vụ như Kiểm toán, Tư vấn Thuế, Tư vấn Doanh nghiệp với đội ngũ chuyên gia sành sỏi. Với những thành tích xuất sắc, PwC đã luôn nằm trong top công ty kiểm toán hàng đầu thế giới trong suốt nhiều năm. Sau nhiều ngày cân nhắc kỹ lưỡng về xác suất cạnh tranh, anh lựa chọn nộp đơn vào mảng tư vấn thuế. Và từ đó con đường mới của anh bắt đầu.
Chia sẻ về chặng đường của mình trong hơn 9 năm làm việc tại PwC, anh Vinh cũng thừa nhận BIG4 đều là những môi trường hết sức cạnh tranh. “Tuy nhiên, chính sự cạnh tranh đó mới là động lực để phát triển và hoàn thiện bản thân mỗi người, bởi mỗi ngày đi làm ta đều học được những điều hay, nhận ra điều chưa hay để thay đổi, chỉnh sửa”. Qua những lần chạy KPI hụt hơi, những trải nghiệm vui – buồn – hay – dở, anh nhận ra bản thân đã từng bước trưởng thành hơn và lưu lại thật nhiều kỉ niệm đẹp tại nơi đây.
Đâu đó trong lứa trẻ tiếp nối, anh thấy được hình ảnh của mình thuở còn ngồi trên ghế giảng đường. Ngày ấy, chuyện tìm được người đi trước để xin chia sẻ về lộ trình sự nghiệp điều gần như bất khả thi. Vì bản thân ngày trước hiểu rõ những khó khăn đó, anh đã được truyền động lực to lớn để trở thành một Mentor cố vấn cho các bạn Mentee phần nào khi các bạn có cần định hướng cho tương lai mình. Và anh tin rằng bản thân cũng học được từ Mentee những điểm mình chưa cập nhật được. Khi cả hai cùng vun đắp cho gắn kết ấy, nó sẽ là nền tảng tốt để xây dựng một cộng đồng Ngoại thương bền chặt.
Bàn về Ngoại thương, anh Vinh đặc biệt thích phong cách tự tin, năng động, dám nghĩ dám làm của sinh viên trường mình. Chỉ cần thêm một tầm nhìn trung và dài hạn được hoạch định sẵn, anh tin các đều có thể xây dựng nền tảng, bước dài và vững chắc trong bất kỳ môi trường nào. Qua sự hỗ trợ của nhà trường cũng như mạng lưới cựu sinh viên, sớm thôi, dự án hỗ trợ người học SMI của Câu lạc bộ mới SMI (Sharing – Mentoring – Inspiring) sẽ được triển khai. Và bản thân anh – Mentor của dự án lần này – rất hy vọng sẽ hỗ trợ được lứa “gà nhà” trên đường vươn mình ra biển lớn.
Cả SMI và FAM (FTU Alumni Mentoring) đều là các sân chơi mà nhà trường cũng như các anh chị cựu sinh viên đã xây dựng, với mong muốn tạo điều kiện cho các bạn sinh viên luôn phát huy những thế mạnh cá nhân, đồng thời tiếp tục phong cách, tinh thần rất riêng của Ngoại thương. “Hi vọng các bạn sinh viên trường mình sẽ tham gia nhiều hết sức có thể, tham gia thật nghiêm túc để chương trình của chúng ta được duy trì lâu dài và mỗi năm lại có thể gặt hái thêm nhiều thành công mới. Hẹn sớm gặp các bạn ở những sự kiện sắp tới của dự án SMI!”
Bài viết: Châu Giang
Thiết kế: Minh Thư