Nhiều mối quan hệ làm ăn trở nên thân thiết cũng nhờ uống cà phê, bạn bè hiểu nhau hơn cũng nhờ những lúc trò chuyện ở quán cà phê….Cứ như thế dần dần cà phê hình thành nhiều tên gọi khác nhau, nhiều phong cách thưởng thức cà phê khác nhau và rồi trở thành nét văn hóa “uống” độc đáo của người Sài
Gòn.
Cà phê Sài Gòn đa dạng và phong phú không kém gì ẩm thực Việt Nam. Cũng nhiều hương vị, nhiều không gian, nhiều thực đơn, nhiều phong cách và nhiều sự lựa chọn cho những ai muốn thưởng thức thứ nước đen với vị đăng đắng này. Mỗi người đều có một phong cách thưởng thức cà phê khác nhau: có người thích không gian quán cà phê rộng rãi, thoáng mát, có người thích yên tĩnh, nhiều người thích không khí ồn ả, náo nhiệt, đông người, có người lại thích thưởng thức cà phê ở những nơi trang trí lạ mắt, nơi sang trọng, có người thích ngồi cà phê để ngắm máy bay, đọc sách…
Ngược lại nhiều người chỉ muốn ngồi ở những nơi không cầu kỳ, sang trọng, gò bó để thưởng thức trọn vẹn hương vị của cà phê đã khiến nhiều người phải say đắm. Chỉ có cà phê ở Sài Gòn mới đáp ứng được hết tất cả nhu cầu ấy. Bởi vậy cà phê Sài Gòn dần hình thành nên nhiều tên gọi không gống nhau mà mỗi tên gọi như là một phong cách thưởng thức cà phê riêng biệt. Những tên gọi quán cà phê được ra đời cũng bắt nguồn từ nhu cầu phong cách uống cà phê của người ở Sài Gòn.
Cà phê sách
Loại hình cà phê này tuy mới hình thành nhưng đã nhanh chóng thu hút nhiều giới trẻ, sinh viên, những người muốn mở mang kiến thức xã hội đến thưởng thức. Đặc biệt vào những dịp cuối tuần thử dạo quanh các quán cà phê sách ở Ciao Books (Ngô Đức Kế, Q.1), PNC Books (Đinh Tiên Hoàng, Q.1, Trần Hưng Đạo, Q5), Hub Café (Cộng Hòa, Tân Bình), Bố Già coffee book (Hồ Huấn Nghiệp,Q.1)… khách đến gần như kín chỗ. Điểm nhấn không gian ở những quán cà phê này là những kệ đẹp mắt được xếp dày đặc hàng ngàn cuốn sách đủ mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, tiểu thuyết, lịch sử, văn học…hay những kệ sách chuyên ngành phục vụ nghiên cứu, học tập của sinh viên. Nhiều quán còn có cả truyện tranh, truyện thiếu nhi các loại để phục vụ nhu cầu cho các thượng đế tuổi teen
.
Bạn Hoài Thu sinh viên năm thứ 4 khoa du lịch trường ĐH Văn Hiến cho biết: “ Mỗi tuần mình thường đến Hub cà phê 2 lần để đọc sách tìm tài liệu chuẩn bị cho bài luận văn tốt nghiệp. Ở đây có đủ tài liệu mà mình đang tìm kiếm nhưng chỉ tốn một ít tiền cho ly café. Vả lại mình được ngồi ở phòng máy lạnh, không gian yên tĩnh, tiếp thu kiến thức sẽ nhanh hơn khi lên thư viện vừa nóng nực đông đúc lại mất thời gian chạy lên chạy xuống vì nhà mình ở gần đây”.
Cà phê “Bệt”
Cà phê Bệt một phong cách uống cà phê mộc mạc, giản dị đã trở thành nét văn hóa độc đáo của giới trẻ Sài Gòn. Không biết từ cà phê Bệt hình thành từ khi nào, do ai đặt ra nhưng nay thu hút ngày càng đông đảo khách đến uống. Cà phê Bệt hay cà phê vỉa hè xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố Sài Gòn nhưng có lẽ những nơi như: công viên 30-4, khu vực trên đường Hàn Thuyên gần nhà thờ Đức Bà, khu vực đường Nguyễn Đình Chiểu dọc trường ĐH Kiến trúc, ĐH Kinh tế, đường Alexander de Rhodes ở quận 1 là đông khách nhất. Vào những ngày cuối tuần những bạn trẻ là sinh viên, giới công viên chức, những người làm việc văn phòng trẻ tuổi làm việc nữa ngày la cà đến cà phê Bệt để “tám”, tâm sự, họp mặt…mãi đến chiều tối mới về nhà. Nhiều khi không gian rộng lớn của công viên, vỉa hè mà lại không còn chỗ trống để ngồi.
Ngồi cà phê bệt hay cà phê vỉa hè người uống được thưởng thức nhiều thứ: không khí mát mẻ, rộng rãi ngắm dòng xe cộ tấp nập bên đường, có cơ hội nhìn thấy tận mắt những chiếc xế hộp mắc tiền, thời trang, xe độc, nhìn du khách Tây bộ hành, ngắm những tòa nhà cao tầng, kiến trúc văn hóa cổ kính….Ngồi cà phê Bệt khách tha hồ trò chuyện đùa giỡn cảm thấy rất thoải mài chứ không ngột ngạt gò bó như ở những quán cà phê. Chính vì điều này mà càng ngày càng đông khách thích phong cách “Bệt’ cà phê. Ngày nay cà phê Bệt không còn giới hạn lứa tuổi hay ‘giai cấp” nữa. Những người lớn tuổi hay những người giàu có cũng bắt đầu thích thú với loại hình cà phê này.
Cà phê “Ngắm máy bay”
Khách đến những quán cà phê Cóc, cà phê Đào Nguyên, cà phê Phi Trường … nằm dọc trên đường Quang Trung quận Gò Vấp chỉ đơn thuần là họ thích ngắm sân bay về đêm, ngắm và đếm những chiếc máy bay chuẩn bị đáp xuống phi trường. Không gian ở những quán cà phê này cũng không có gì đặc biệt so với quán cà phê ở những khu khác. Nhưng khi ngồi ở trên sân thượng thì không gian hoàn toàn khác lạ. Ánh sáng xuất hiện khi tắt khi sáng ở phi trường, ánh sáng lấp lóe phía xa xa trên bầu trời từ chiếc máy bay sắp hạ cánh sẽ khiến bạn thích thú quên đi những mệt mỏi, lo âu.
Ngồi cà phê ở đây hầu như ai ai cũng đều bàn tán đến chủ đề là máy bay, phi trường. Họ vừa uống cà phê vừa “thời sự” máy bay, vừa đếm xem có bao nhiêu chiếc đã đáp xuống phi trường trong đêm, rồi mỗi lần máy bay bay ngang trên đầu họ đọc tên những hãng hàng không. Chỉ cần ngồi cà phê ở đây là bạn có thể biết được có bao nhiêu hãng hàng không ở sân bay Tân Sơn Nhất mà không cần phải tìm kiếm thông tin trên mạng, báo chí….
Còn rất nhiều cái tên gọi đi kèm với cà phê khác thể hiện phong cách, nét văn hóa độc đáo thưởng thức cà phê của người Sài Gòn: cà phê chứng khoán dành cho những người chơi và đam mê chứng khoán, cà phê “Chim” thú vui ngắm chim và nghe tiếng chim hót của những người đam mê chim, cà phê HD – dành cho những người thích phim và đam mê điện ảnh….
Theo VnMedia