CLONE ACCOUNT: ẨN DANH, HIỆN HÌNH

CLONE ACCOUNT: ẨN DANH, HIỆN HÌNH

Published by Ngô Khôi on

3 0
Read Time:5 Minute, 37 Second

(FTUNEWS) – Liệu bạn có biết đến một chốn đặc biệt để giải phóng những nhân cách khác của bản thân trên không gian mạng?

Vẹn một chữ tình còn nguyên

Nguyên: Một mảnh nhưng chẳng hề trọn vẹn

Vương vị hoài yên

“Ngao du phố thị”, “Chiếc page này là nhân cách thứ hai của tôi”, “Thấy chuyện bất bình vác blog đi comment dạo”, “Đi hóng chuyện để không tối cổ”,… và vô vàn những cái tên khác gây chú ý từ cái nhìn đầu tiên. Bạn có từng bắt gặp những tên blog thú vị như trên khi sử dụng Facebook không? Hay bạn còn là chủ sở hữu của những tài khoản ẩn danh với tên gọi đặc biệt không kém? Nếu có, bạn đích thực là dân xài clone account!

Khái niệm “clone” khởi nguồn từ nhà sinh lý học thực vật người Mỹ – Herbert John Webber (1865 – 1945) khi ông làm việc tại Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Năm 1903, ông nghiên cứu về một thuật ngữ mô tả quá trình nhân giống cây trồng bằng phương pháp sinh sản vô tính. Tiến sĩ Webber đã chọn từ “klon” trong tiếng Hy Lạp biến đổi thành từ “clone” với nghĩa đen là một cành cây, một mắt ghép được tách ra cho mục đích nhân giống. 

Từ “clone” trở thành một thuật ngữ lớn trong ngành nông nghiệp cho đến khi các nhà văn khoa học viễn tưởng sử dụng từ “clone” để nói về sự nhân bản con người, nổi tiếng nhất với tiểu thuyết “Brave New World” của Aldous Huxley xuất bản vào năm 1932. Từ đây, thuật ngữ “clone” được công chúng sử dụng rộng rãi để chỉ bất kỳ bản sao nào giống hệt hoặc gần giống với nguyên bản. 

Với nghĩa thông thường của “clone” là bản sao, clone account là những tài khoản nhân bản, sao chép các thông tin, danh tính của người dùng nhằm mục đích lừa đảo bạn bè của họ. Tuy nhiên, những tài khoản nhân bản ngày nay đang được sử dụng với nhiều công dụng phụ thuộc vào nhu cầu, mục đích đa dạng của người dùng. Tại Việt Nam, clone account được hiểu rộng rãi như những tài khoản phụ mà tại đó hầu hết các thông tin cá nhân đều không được công khai. Có thể thấy, hiện tượng các blog clone, page clone ẩn danh “mọc lên như nấm” trong mục bình luận tại các bài đăng cộng đồng phần nào phản ánh xu hướng bỏ túi cho bản thân vài clone account đang ngày càng trở nên phổ biến.

Trên tài khoản chính, người dùng có xu hướng công khai những thông tin cá nhân cơ bản phục vụ cho mục đích học tập, công việc, tạo mối quan hệ nên phần nào cũng hình thành nên tác phong nghiêm túc vô hình. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến sự thoải mái khi hoạt động trên mạng xã hội. Còn ở tài khoản nhân bản, hầu như những thông tin riêng tư đều được ẩn đi nên bạn có thể tự do bung xõa làm bất kỳ điều gì mình muốn.

Một tính cách khác với thường ngày nhưng nó vẫn là chính bạn. Clone account với “nhân cách thứ hai” dần trở thành một công cụ lý tưởng để bạn thoải mái chia sẻ sở thích cá nhân hay shitposting (đăng những bài linh tinh tùy tâm trạng) mà không sợ gây phiền đến bạn bè ở tài khoản chính. Đôi khi chúng ta hay nói đùa rằng tài khoản “ảo” nhưng sống “thật”. 

Vẫn là bạn nhưng ở tài khoản nhân bản lại có thể bắt gặp một con người mới lạ. Ở chế độ ẩn danh bạn có cơ hội kết thêm những người bạn mới chung sở thích, cùng quan điểm hay bất chợt “bắt sóng” nhau. Điều này dễ bắt gặp trong văn hóa hâm mộ thần tượng khi các fan tạo những clone account để follow (theo dõi) người nổi tiếng, các fanpage cập nhật tin tức và chia sẻ về thần tượng. Từ thói quen comment dạo hay cùng tham gia trò chuyện trên mạng bằng clone account, không còn “gánh nặng profile”, bạn cũng sẽ trở nên niềm nở và thoải mái hơn trong việc kết bạn và làm quen bạn mới. 

Nếu như có những clone account được lập nên với mục đích đơn thuần không để người quen bắt gặp thì cũng có những người lợi dụng việc tạo tài khoản rỗng không cần xác thực danh tính và dùng chúng để bạo lực mạng (cyberbullying). Antifan sau lá chắn của những tài khoản ẩn danh tấn công người nổi tiếng bằng ngôn từ nặng nề. Không chỉ những nhân vật trong làng giải trí mà vẫn còn nhiều cá nhân khác đã và đang trở thành nạn nhân của bạo lực mạng từ những “anh hùng bàn phím”.

Thế nên, để hạn chế hiện tượng tiêu cực từ các tài khoản ảo, những nền tảng phổ biến tại Việt Nam như Facebook, Instagram, Twitter đều có cho riêng mình một bộ Tiêu chuẩn cộng đồng yêu cầu người dùng tuân theo. Nếu vi phạm các chính sách này, chẳng hạn như trong trường hợp bắt nạt hoặc quấy rối, nội dung độc hại sẽ bị xóa và tài khoản đấy cũng sẽ bị khai trừ. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm đảm bảo môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam. 

Ngoài ra, trên mạng xã hội vẫn thường diễn ra những hoạt động mua bán – nơi mà chúng ta khó đảm bảo sự uy tín của đối tượng giao dịch. Do vậy, trên Facebook đã xảy ra nhiều trường hợp bị lừa đảo khi sai lầm đặt niềm tin vào những tài khoản được tạo nên từ những thông tin giả mạo. Những hiểm nguy khó lường từ clone account độc hại đòi hỏi người dùng phải nâng cao cảnh giác khi sử dụng và trao đổi với tài khoản ảo.

Suy cho cùng, clone account được tạo ra bởi lẽ chúng ta cần thêm phương tiện để đáp ứng những nhu cầu đa dạng của bản thân trên mạng xã hội. Xuất phát từ mục đích đơn thuần nhưng cũng không thể tránh khỏi những kẻ đeo mặt nạ cố tình biến chúng trở nên độc hại. Dù vậy, niềm vui khi thoải mái được là chính mình có khiến bạn gia nhập “Hội những người có ít nhất một clone account” không?

Bài viết: Ngọc Hân

 Thiết kế: Thanh Kỳ

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
100 %
Categories: Phóng sự

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *