Cuộc cạnh tranh trên thị trường tablet hiện nay dường như chỉ xoay quanh bốn cái tên: Apple, Google, Microsoft và Amazon. Điều đặc biệt là không hãng nào góp mặt trong Top 5 nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới.
Theo thống kê của IDC, 5 công ty máy tính lớn nhất hiện nay là HP, Lenovo, Dell, Acer và Asus. Có thâm niên nhiều năm trong việc sản xuất thiết bị phần cứng, cả 5 đều chưa tạo được vị trí đáng kể nào trên thị trường tablet – cũng là một dạng thiết bị máy tính.
Thay vào đó, khi mua máy tính bảng, mọi người bắt đầu cân nhắc giữa sản phẩm của Apple, Google, Microsoft và Amazon. Mới đây, một lãnh đạo của Acer ca thán rằng Microsoft nên tập trung phát triển hệ điều hành và nhường mảng phần cứng cho đối tác. Tuy nhiên, thực tế các hãng nội dung, dịch vụ đang thắng thế trên thị trường di động trong khi các công ty chuyên về phần cứng lại mất dần lợi thế cạnh tranh.
Sản phẩm mới nhất của Apple – iPad 4
Trong hơn hai năm qua, Apple mở ra và thống thị lĩnh vực tablet, kéo theo sự ra đời của hàng loạt sản phẩm đến từ HP, Motorola… Thế nhưng, đa số thất bại bởi họ chỉ cố gắng tung ra một thiết bị đối đầu trực tiếp iPad với giá và cấu hình tương đương, trong khi iPad không chỉ là một thiết bị khô cứng mà bao quanh nó còn có cả một hệ sinh thái nội dung phong phú.
Từ cuối năm ngoái, thị trường bắt đầu đón nhận thêm ba gương mặt “từ trên trời rơi xuống” là Amazon, Microsoft và Google – đều là những công ty chuyên về phần mềm và dịch vụ với “lý lịch” sơ sài trong mảng phần cứng. Học hỏi từ sai lầm của các hãng khác, cả ba đều có những hướng đi thông minh, trong đó có cả sự hy sinh lợi ích trước mắt, để tiếp cận người sử dụng.
Kindle Fire HD
Nexus 7
Google và Amazon chọn chiến lược giá rẻ. Các màn mổ xẻ sản phẩm Kindle Fire HD và Nexus 7 cho thấy cả hai công ty đều gần như không có lãi, thậm chí chịu lỗ để cho ra đời tablet với cấu hình tốt mà giá chỉ tầm 200 USD. Mục tiêu của họ là kinh doanh nội dung (Amazon) hoặc bán được nhiều thiết bị Android nhiều nhất có thể và tăng số lượng tìm kiếm qua di động (Google).
Trong khi đó, Microsoft lại hướng đến những khách hàng muốn có một tablet phục vụ cả công việc và giải trí. Với lợi thế “của nhà trồng được”, họ không phải trả phí bản quyền Windows và Office nên có thể trình làng máy tính bảng với giá thấp hơn iPad (500 USD cho bản Surface 32 GB trong khi iPad chỉ có 16 GB).
Sự quen thuộc của Windows 8/RT, sự tiện dụng và phổ biến của Office, bộ vỏ bảo vệ đóng vai trò của bàn phím cứng – cả ba cùng hội tụ trên Surface giúp nó xóa đi khoảng cách vốn có giữa laptop và tablet.
Giới chuyên môn nhận định, năm tới, Apple sẽ không còn “độc cô cầu bại” trên thị trường máy tính bảng. Họ có thể vẫn là hãng sản xuất tablet số một, nhưng thị phần sẽ bị san sẻ đáng kể. Ngoài ra, Samsung hiện vẫn là một đối thủ đáng gờm, nhưng với xu hướng sản phẩm di động chỉ thành công khi nằm trong một hệ sinh thái toàn diện thì nhiều nhà phân tích cho rằng, cuộc chơi sẽ chỉ còn là của 4 cái tên Apple, Microsoft, Google và Amazon.
Theo VNExpress