(FTUNEWS) – Tháng 7 về cùng mùa thi Đại học, mùa áp lực đè nặng lên vai sĩ tử, mùa hi sinh thầm lặng của các bậc phụ huynh. Những ngày này, dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều bậc cha mẹ đứng ngồi không yên trước cổng trường Ngoại thương, thấp thỏm theo cả tâm trạng con trong phòng thi Đại học. Giấc mơ đến với giảng đường của con là cả một cuộc hành trình cõng chữ đầy những nỗi niềm của đấng sinh thành…
Giấc mơ Ngoại thương…
Cánh cổng Ngoại thương từ lâu đã trở thành mục tiêu chinh phục của nhiều sĩ tử. Trải lòng với FTUNEWS, phụ huynh của em Bảo Ngọc – một thi sinh đến từ Tây Ninh dự thi khối A vào Ngoại thương, khối B vào Y Dược, tâm sự "Em nó ước mơ học trường này nè, chứ nó cũng không mặn mà lắm với khối B, nhưng cứ thi 2 khối vì không muốn bỏ lỡ cơ hội nào. Em nó rất thích trường này, nên cô cũng động viên em nhiều là phải cố hết mình, chứ Ngoại thương lấy điểm cao lắm, mà trường khối B em chọn cũng lấy điểm cao ".
Một thí sinh khác là Thúy Vi, đến từ Khánh Hòa, cũng thật thà chia sẻ về ước mơ ấp ủ từ năm 12 tuổi của mình, thậm chí Vi nhớ đã từng nhắc đến Ngoại thương trong một bài tập làm văn năm học lớp 6. Và mùa thi đại học năm nay chính là cơ hội để Vi hiện thực hóa ước mơ giảng đường của mình.
…Và cuộc hành trình "cõng chữ" đầy gian nan
Dưới cái nắng gay gắt trong ngày thi đầu tiên của đợt 1, FTUNEWS bắt gặp một người phụ nữ trạc ngoài 40, dáng hình khắc khổ đứng khép nép trước cổng trường. Cô là phụ huynh của em Thảo Nghi (dự thi khối A1), 2 mẹ con lặn lội từ Đak Lak xuống Sài Gòn vì "em nó muốn thi vào Ngoại thương". Khuôn mặt xô lệch những nếp nhăn lấm tấm nước mắt, không giấu nổi lo âu "Hai mẹ con bắt xe ôm lên trường từ sớm. Em yếu lắm, trước ngày thi bị ốm nặng phải vào viện, cô lo lắm, vừa mong em làm bài tốt, cũng vừa mong em đừng cố sức quá để bệnh". Nói đoạn, cô lại đứng dựa cổng, ngóng vào trường thi chờ đợi mặc dù biết còn rất lâu mới hết giờ làm bài…
Sự ngóng trông chờ đợi của không ít bậc phụ huynh
Có cùng tâm trạng thấp thỏm như bao bậc làm cha mẹ khác là cô Khoa, phụ huynh em Thùy Vân (TP. Pleiku, Gia Lai). Cô tâm sự phải dậy từ lúc 3h30 sáng để kịp chuẩn bị mọi thứ, cả đêm trằn trọc không ngủ được, chỉ lo con sức khỏe yếu, lại gặp nhiều áp lực trong phòng thi.
Không giống như những thí sinh khác có bố mẹ đồng hành trong lần vượt vũ môn này, em Trương Thị Khánh Linh (THPT Triệu Sơn 2, Thanh Hóa) lại được chú ruột của mình đưa đi. Vì bố mẹ ở quê còn bận việc đồng áng, nên chú chính là người đã chăm sóc và theo sát Linh kể từ khi em đặt chân vào Sài Gòn 10 ngày trước kì thi. Hai chú cháu bộc bạch "Trước hôm ra đi, ông bà, bố mẹ ở quê cũng làm lễ cúng tổ tiên để mong em thi cử được thuận lợi". Khánh Linh cho hay, mặc dù biết mọi người ở quê lo lắng nhiều, nhưng em sẽ không gọi điện về nhà để có thể tập trung tinh thần đến hết kì thi.
Em Khánh Linh và chú ruột
May mắn hơn, Lê Hoàng Thúy Vi (Khánh Hòa) được cả bố và mẹ đưa đến trường thi. Khi con gái "lâm trận" trong phòng thi cũng là lúc bố mẹ trăn trở bên những câu chuyện thi cử. Vi là đứa con đầu tiên thi Đại học nên bố mẹ không khỏi lo lắng, từ chỗ ăn ở, đi lại đến sức khỏe, tâm lí, "sợ con không đủ tự tin để có thể vượt qua một kì thi lớn như thế này"
Cha mẹ tranh thủ thời gian chờ đợi để bàn luận, trao đổi thông tin về trường lớp, sinh hoạt cho con
Những câu chuyện của các bậc phụ huynh cứ như dài thêm ra cùng nỗi thấp thỏm với bao mối lo đè nặng. Nỗi lo về sức khỏe, về tâm lí, liệu con mình có đủ bản lĩnh để vượt qua cửa ải đầu đời. Rồi nếu đậu được Đại học, chỗ ăn ở ra sao, chương trình học, học phí thế nào…. Câu chuyện tưởng chừng như không có điểm dừng của những người ngày đêm "góp chữ", "cõng về" xây ước mơ con trẻ, cũng đâu kém gì tâm trạng của các sĩ tử đang ngồi trong phòng thi kia. Bất chấp cái nắng gay gắt của đợt thi đầu tiên, hay cơn mưa Sài Gòn xối xả trong đợt thi thứ 2, nhiều phụ huynh vẫn kiên nhẫn chờ con trước cổng trường – "để con bước ra khỏi phòng thi là thấy ngay bố mẹ".
Còn đó những lo âu, mà giấc mơ Ngoại thương của con, là cả hành trình nhọc nhằn thấm đượm mồ hôi, nước mắt, tin yêu và kì vọng của những người làm cha mẹ.
Thảo Nguyên