Nhắc đến tình yêu là nhắc đến Trịnh. Chẳng biết hà cớ gì, ngay cả khi 9 năm đã trôi qua, tháng tư đã đi được gần hết chặng đường, người ta vẫn không tin được trò đùa số phận trong ngày nói dối. Phải chăng, nhắc đến tình yêu theo cách chiêm nghiệm cùng thân phận là nhắc đến người nghệ sĩ gầy gò bên thùng đàn guitar trong nhóm “Những người bạn”. Phải chăng, tâm niệm “đành vậy với tình yêu” đã giúp ông đến gần với mỗi cuộc đời, mỗi tình yêu, mỗi khóc cười để gửi gắm tấm lòng trẻ trai dành cho dân tộc? Thiết nghĩ, Trịnh đã giãi bày thật nhiều điều đâu chỉ cho thanh niên cùng thời ông. Trịnh nói hộ lòng chúng ta hôm nay nữa chứ!
“Con đường Tây phương đỏm dáng và dễ sạt nghiệp. Con đường Hiệp Chủng Quốc mạnh khoẻ nhưng hời hợt. Con đường Đông phương khắc khổ mà thâm tình. Cả ba con đường đã thành tựu một ngã ba nơi đây. Vì giao tế, mỗi ngày chúng tôi phải đi trên trên cả ba con đường đó. Đi và tự nhủ lòng đừng sa ngã. Điều gì đã khiến cho đất nầy được chọn để thành tựu một ngã ba?”
Người ta nghi ngờ về sự trường tồn của Chủ nghĩa xã hội. Âu cũng điều dễ hiểu. Vì mọi viễn cảnh tốt đẹp kia đều không làm giải thích được những bức xúc đời thường của người trẻ. Vì đâu đó, một mắt xích nhỏ bị hoen rỉ làm người ta không tin vào “của dân, do dân và vì dân”. Vì rất nhiều tuổi đời thanh xuân đêm ngày nghi hoặc: “Sao cứ mãi hão huyền? Nước Việt đói nghèo thế kia”…
“Cà phê thư” sẽ trở nên khó uống nếu suy nghĩ này lạm bàn vấn đề chính trị. Trịnh cũng sẽ phiền lòng vì vốn dĩ những điều ông viết chẳng phục vụ cho Đảng phái nào. Nhưng đơn giản thế này nhé, bạn có tin Trịnh nói không:
“Ai không đi về phương Đông, kẻ đó lạc hướng. Chữ nghĩa đã nói như thế”.
Và:
“Trong những giờ tĩnh tâm, tôi đã loáng thoáng thấy những bước chân nhân loại trở về. Thoát đi từ một hoàng hôn đang tàn tạ. Những vầng trán thấm nhuần sự thất bại, những ánh sáng rực rỡ, cái ánh sáng của kẻ đã thấy được cội nguồn.
Chỉ có những dân tộc sống tận cùng khổ đau mới xứng đáng đốt lên ngọn lửa trong căn nhà trở về đó. Và chỉ có những kẻ chạm đáy hố thẳm mới biết được đỉnh cao”.
Người trẻ nhắc mình phải kiên trì và táo bạo hơn nữa. Thanh xuân hơn nhau ở hành động, không phải lời nói. Thanh xuân giá trị ở đóng góp, dựng xây không phải ở thoái lui, đổ đạp.
“Nịnh đời dễ, chửi đời cũng dễ
Chỉ xây dựng đời là khó khăn thôi”
(Lưu Quang Vũ)
Lịch sử có những nỗi đau riêng. Cảm thông, bao dung và gắng làm cho hiện tại tốt đẹp hơn bao giờ hết, bạn nhé! Tin tưởng vào sự đi lên bền vững của nước Việt trên dặm dài rất nhiều chông gai, ta tự hào về một quá khứ thúc giục sau lưng, về nề nếp nền nã của dân tộc hiện tại, về tương lai hội nhập ổn định, vững vàng…
Từ văn hóa này, hồn cốt này, tâm linh này, “nhân loại trở về” – Thanh xuân trong tôi tin thế đấy.
Lê Thùy Dung