0 0
Read Time:6 Minute, 32 Second

(FTUNEWS) – Cùng FTUNEWS điểm lại những bí quyết kinh doanh của Steve Jobs – CEO huyền thoại của Apple để rút ra những bài học đáng giá cho bản thân.

 

1. Tôn trọng đối thủ

Đối thủ hàng đầu của Apple không ai khác chính là Microsoft. Mặc dù ra đời trước nhưng lợi nhuận và doanh thu của Apple bước đầu vẫn thua xa Microsoft. Tuy nhiên trong một thập niên trở lại đây, khoảng cách giữa hai công ty được rút ngắn đáng kể khi Apple lần lượt tung các dòng iMac, iPhone, iPad và cuối cùng vượt mặt Microsoft trở thành công ty đáng giá nhất thế giới. Cho dù Apple đang ở thời kì khó khăn hay đỉnh cao, Steve Jobs cũng không bao giờ tỏ ra xem thường Microsoft và Bill Gates – ông chủ tập đoàn này. Trong một buổi nói chuyện trên truyền hình với Bill Gates, Steve đã hết mực ca ngợi Bill như người khai sáng cả nhân loại: “Trước khi người ta biết một công ty phần mềm là gì thì Bill đã lập ra nó rồi. Và điều đó thật vĩ đại!”. Thái độ chừng mực và ôn hòa của ông là tấm gương để mọi người noi theo.

2. Điều binh khiển tướng

Trong kinh doanh, một cộng sự tâm đầu ý hợp sẽ mang lại những lợi ích đáng kể. Steve Jobs đã có một cộng sự như thế – Steve Wozniak. Chính Wozniak đã giúp Steve Jobs xây những viên gạch đầu tiên, hình thành nên một Apple vững mạnh như ngày nay. Bên cạnh đó, Steve luôn biết cách thu hút những nhân tài, tạo điều kiện cho họ phát huy tối đa sự sáng tạo của mình, không bao giờ can thiệp vào quá trình sáng tạo của nhân viên. Chính ông đã phát biểu: “Ở Apple, các nhân viên có thể tự do sáng tạo”. Với hơn 46.600 nhân viên, sự sáng tạo dường như không bao giờ dừng lại ở công ty hàng đầu thế giới này. Trước khi chấm dứt công việc làm CEO ở Apple vào tháng 8 năm nay, Steve đã mạnh dạn đề cử Tim Crook, một nhân tài nhiều năm gắn bó với công ty, giúp công ty nhanh chóng ổn định và tiếp tục phát triển. Quản lí và khai thác tiềm năng con người luôn là một bài học đắt giá đối với những doanh nghiệp muốn thành công.

3. Tạo cho mình những cơ hội mới

Khi một cơ hội vụt đi, con người thường chìm vào nỗi buồn và tìm cách đổ lỗi cho các yếu tố khách quan. Steve Jobs đã không như thế. Năm 1984, Steve bị sa thải bởi chính công ty mình sáng lập ra, khi đó ban giám đốc đứng về phía đối thủ của ông. Những tưởng đây sẽ là dấu chấm hết dành cho Steve, tuy nhiên, ông lại nhận định đây là điều tốt đẹp nhất từng xảy ra với ông bởi sau đó ông đã thành lập 2 công ty NeXT và Pixar. Năm 1996, Apple mua lại NeXT, Steve quay về Apple với vai trò là CEO. Disney sau đó mua lại Pixar, Steve Jobs lại trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của Disney. Rõ ràng, Steve đã biết tạo ra cho chính mình những cơ hội mới, vượt qua những thử thách mới. Cơ hội do chính ta tạo ra. “Khi cánh cửa này đóng lại, chắc chắn sẽ có cánh cửa khác mở ra.”

Huyền thoại đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 6/10/2011 vừa qua

4. Dám nghĩ dám làm, luôn tin tưởng vào lựa chọn của mình

Cũng như Bill Gates, Steve Jobs khởi nghiệp với hai bàn tay trắng. Vào Đại học năm 17 tuổi, nhưng 6 tháng sau, ông bỏ học vì không muốn tiếp tục tiêu tiền của bố mẹ và cảm thấy chán ngán môi trường đại học.  Cuộc sống của ông khá vất vả sau đó, phải ngủ trên sàn nhà, thu hồi các lon nước ngọt để lấy tiền mua thức ăn và ngày ngày phải đi bộ 7 cây số để có được một bữa ăn rẻ. Tuy nhiên, đổi lại ông có thể tự do theo đuổi những gì mình thích. Ông theo học một khóa viết chữ đẹp và bị mê hoặc bởi những con chữ. Khóa học viết chữ đẹp này đã được Steve Jobs áp dụng vào những chiếc máy tính macintosh đầu tiên. Ngày nay, các font chữ đó có mặt ở tất cả các máy tính trên thế giới.

Năm 1997, khi vừa trở về Apple, ông đã hợp tác ngay với Microsoft. Quyết định này đã bị tập thể công ty và giới truyền thông đánh giá là khá mạo hiểm và ngu ngốc khi đặt Apple đứng trước nguy cơ bị Microsoft thâu tóm. Mặc kệ dư luận, ông vẫn đi theo lựa chọn của mình. Quyết định đó giờ đây được nhận định là một trong những quyết định sáng suốt và thông minh nhất của ông. Nhờ quyết định đó, ông đã cứu Apple khỏi bờ vực phá sản.

Quyết đoán là một trong những tính cách không thể thiếu ở các nhà lãnh đạo tương lai. Hãy biến suy nghĩ của mình thành hành động và đừng sợ vấp ngã. Những trải nghiệm mới sẽ giúp nhiều cho bạn trong tương lai.

5. Nghiêm túc và khắt khe trong công việc

Steve nổi tiếng là một nhà quản lí khắt khe, một ông chủ khó tính, một “nhà tự cao tự đại ở thung lũng Silicon”. Một người bạn của ông nhận định “Steve sẽ thành một vị vua Pháp tuyệt vời”, ám chỉ phong cách làm việc nghiêm túc và thuyết phục của ông. Năm 1993, Steve Jobs được tạp chí Fortune bình chọn là một trong những ông chủ khó tính nhất. Tham vọng của ông là đưa Apple trở thành công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin bằng cách luôn đi đầu trong các xu hướng công nghệ. Thực tế đã chứng minh, các mẫu tablet và smartphone của Apple luôn khiến đối thủ phải hụt hơi chạy theo. Ông nổi tiếng với quan điểm: “Tôi sẽ trượt đến nơi bóng sẽ lăn đến, không phải đến nơi bóng đã lăn qua”  khi nói về kế hoạch phát triển công ty của mình.

 

Vài nét về Tim Crook – vị ‘thuyền trưởng’ mới của Apple

Tim Crook, 50 tuổi, tốt nghiệp Cử nhân Khoa học Trường kỹ thuật công nghiệp Auburn, Thạc sĩ Quản lí Kinh doanh tại Đại học Luke. Ông từng làm giám đốc chi nhánh Bắc Mĩ của IBM, sao đó trở thành CEO của Intelligent Electronics – một công ty bán lẻ máy tính có mối quan hệ với Apple. Sau đó, ông được Steve đưa vào công ty và từ đó đã có những cống hiến đáng kể cho Apple. Ông đã từng đảm nhiệm vai trò CEO của Apple những khi Steve vắng mặt và chứng minh được năng lực mình. Ông đã thoát khỏi cái bóng của Steve Jobs, trở thành một nhà lãnh đạo quyền lực của Apple.

Tim Crook với đức tính tỉ mỉ và phong cách quản lí khác biệt so với Steve Jobs được mong đợi sẽ mang lại một làn gió mới cho Apple. Tim được nhận xét tuy không có óc sáng tạo đặc biệt phong phú nhưng lại là một thiên tài về sử dụng công nghệ giá rẻ, vận chuyển hàng hóa nhanh, làm cho lợi nhuận tăng cao.

 

HuynhVN (tổng hợp)

* Bài viết được đăng trên FTUNEWS số tháng 10/2011, download tại ĐÂY.


Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *