Hạnh phúc có giản đơn…?
0 0
Read Time:7 Minute, 34 Second

Sài Gòn, chiều sớm, mưa như dỗi cả thế giới, mẹ nhắn tin hỏi tôi: “ Con co di hoc khong, khong duoc bo bua do nghe”. Cái tin nhắn không dấu, đậm chất “quê” của mẹ làm tôi như sống lại. Ừ thì Sài Gòn dỗi nhiều quá, không ai đợi ai, đến tiết trời cũng tranh nhau mà xô bồ dậm hận. Mẹ tôi không phải mẫu người hiện đại bởi phong cách nông nhàn lẫn thời khắc của thế hệ những năm 60-70 ăn sâu vào máu thịt, nhưng không phải là hiếm, làm tôi vui có lẽ là thói quen cũng như sở thích của bà. Mọi thứ đôi khi chỉ là một vài giây. Và tôi lại cười…Không biết tôi có phải là mẫu người “dễ hạnh phúc “ không nữa, người Việt Nam hình như rất “dễ hạnh phúc” thì phải…

Một bước đến nụ cười..?

1. Đồng Ba Hiên – 5h sáng

Bác Ba dắt con trâu ra đồng sớm. Chủ đi trước, tớ đi sau, ai nấy đều lộ rõ vẻ hớn hở. Thời điểm này làm rộ lên cả một xóm nhỏ ven góc sông Thu Bồn tịch lặng. Thật ra bác Ba cũng chẳng bận rộn gì nhiều, chỉ tất bật sớm hôm vài khi vào vụ mùa. Cái cày thừng thững vác trên vai người đàn ông có làn da rám nắng bánh mật, bác cười xuề xòa:” Nay làm mai ăn, tới đâu thì tới, loi nhoi với đời làm chi cho cực cái thân”. Bà con chòm xóm gọi bác là anh Ba Vô Lo, bác có ba người con, nay đều đã thành đạt cả, nhưng bác chẳng chịu lên thành phố để hưởng phước cùng con. Bác bảo sống ở quê cái máu quê đã ngấm vào hơi thở cả rồi, ồn ào quá người ta không chịu nổi. Sáng ra đồng, trưa chợp mắt tí rồi xem xem mấy con gà sau ngõ, chiều về làm ly thiệt nhẹ với mấy ông anh xóm trên rồi về đánh một giấc thật say. Đời mà, hạnh phúc được mấy khi …

2. Ngày trước, ngoại tôi có một “định luật” đặt ra trong nhà thế này: Ai làm gì thì làm, cứ bữa tối thì phải về nhà đúng 7h để ăn tối cùng gia đình, việc rất bận phải báo, không thì rửa chén năm ngày. Người ngoài nhìn vào bảo ngoại thời nào rồi sao còn cứng nhắc, con cái sáu đứa lớn cả rồi. Ngoại không nói gì nhiều, ngoại chỉ bảo làm vậy là để giữ “lửa” cho gia đình. Thật, mẹ tôi bảo đó là những phút giây mẹ có thể “hít không khí cũng lớn”. Ngoại nay không còn nữa, nhưng cứ cuối tuần là mẹ dì tôi lại về, tuân thủ nguyên một nguyên tắc xưa cũ, bữa ăn đúng hẹn và thức ăn với gia vị là nụ cười…Cái gác măng-giê, cái nồi đồng cũ, cái chạn bếp của ngoại, cả vườn cây sau nhà,..tự nhiên có mang một khối buồn cũng chẳng chần tay quẳng đi mà vui sống…

3. Tôi có hỏi một cô bạn : Hạnh phúc là gì em nhỉ ? Ba mươi phút sau, cậu ấy trả lời: ”Thôi mày điên đi”. Bỏ qua tiền đề cô ấy nghĩ tôi đang đùa, rõ ràng trong bản chất, chúng ta đang ngại nói về hạnh phúc, hoặc không, hạnh phúc là thứ gì đó không hằng thường như miếng cơm hay cây kẹo mà hằng ngày chúng ta tiếp xúc nữa. Cuộc sống sinh viên với muôn vàn kim chỉ nam vô lối không cho phép đời sinh viên năm nhất 30s suy nghĩ về những thứ viển vông như ý nghĩa cuộc đời hay mình sống để làm gì, mà đòi hỏi đến độ hơn 3 tiếng để suy nghĩ rằng hôm nay mình ăn gì hay là mình sẽ ngủ vào lúc mấy giờ. Cô bạn, thật chỉ đợi lúc nào ùa mình với chúng bạn là vui như hội, người không quen xa nhà, thấy tô mỳ Quảng là lòng rộn rạo cả lên. Nếu ngày trước mơ ước gặp HoSieoKi hay G-Dragon lớn lao gì đó của nó là hạnh phúc, chắc nay thu bé lại vừa bằng chút hương vị bánh tráng quê hương cũng nên..

Niềm vui có xa mấy đâu nhỉ…

Hạnh phúc có thật sự giản đơn ?

Tôi không biết nếu đặt Việt Nam là trọng tâm hệ quy chiếu của hạnh phúc, sẽ có bao nhiêu bác Ba, ngoại, hay cô bạn kiểu như vậy trên dải đất hình chữ S này nữa. Người ta gọi hạnh phúc là một nơi xa xỉ không với tới, kẻ suốt ngày tìm niềm vui nhan nhản xung quanh mình. Hạnh phúc không được đặt tên cho một chốn cụ thể, mà nó, xa hơn, tức là dao động trong vòng tròn không giới hạn. Nếu một đứa bé gọi hạnh phúc bằng viên bi, người trưởng thành nhìn nó bằng sự nghiệp. Phải nói rằng hạnh phúc là một thế giới riêng của mỗi người, và không có một cô báo đốm nào xen kẽ trong tấm thân ngựa vằn trong câu chuyện định nghĩa về niềm vui của bất kỳ ai được.

Bác Ba coi cái sự nhàn nhã của cuộc đời làm niềm vui khôn tả, trên đời này, biết bao kẻ lại phải thấy bận rộn mới vui. Người đời tìm cho mình một quan niệm sống, để rồi được sống như ý mình thích là cả một sự mãn nguyện lớn lao rồi.

Ngoại của tôi, bà vẫn thường hay về trong những giấc mơ dang dở, ngoại giữ lửa và truyền lửa cho tình cảm gia đình, nhưng thứ hạnh phúc ấy chắc có lẽ chỉ tôi và gia đình tôi mới cảm nhận được thôi, mới trân trọng nó hơn bất kỳ thứ gì, và hẳn nhiên, không ai đem hạnh phúc ấy so sánh với kẻ lấy đời chu du an nhiên tự tại một mình làm lẽ sống cả.

Cô bạn tôi sau này mới nói một câu rằng: Hạnh phúc chắc là được làm điều mình thích. Hai đứa ậm ừ, vốn dĩ để phục tùng là một điều hạnh phúc thì người ta phải thích cái chuyện phục tùng ấy cái đã. Nó vô tư nhồm nhoàm nhai cái bánh mì, kể cái ước mơ “đại trà” muôn thuở: : Hạnh phúc nhất là được làm vô số cái hạnh phúc, từ ăn thật đã, đi thật xa, được cưới Kai, và chắc sau này phải được sống ở …Mặt Trăng. Chắc nó cũng không mường tượng rằng được mơ tưởng, trên nền tảng cũng là một dạng hạnh phúc…

Không biết bao nhiêu lần, tôi suy nghĩ về một “mẫu thức chung” cho cái niềm vui khôn xiết ấy của những người xung quanh đi nữa. Rốt cuộc, tôi nhận ra rằng: Ngay đến bản thân mình, nỗi ước mơ ấy lại chẳng cụ thể và rõ ràng. Tôi có bắt gặp một câu nói nổi tiếng của Nam Cao: “ Hạnh phúc là một cái chăn quá hẹp, người này co thì người kia lại hở…”. Thật ra, hạnh phúc có giống nhau đâu. Phải biết rằng quốc gia có dân số hạnh phúc nhất trên thế giới lại đứng ngoài nền văn minh của nhân loại. Và hơn hết, họ hạnh phúc đơn giản vì họ cảm thấy đó là hạnh phúc. Không có một quy chuẩn nào cụ thể cho triết lí tính toán về mặt tinh thần của con người. Cứ đơn giản hóa cuộc sống, làm điều mình yêu, yêu điều mình làm, cuộc sống này còn có gì tuyệt vời hơn thế !

Việt Nam là một quốc gia hạnh phúc, người Việt lại phải dạm ngõ từng ngày nơi thế giới hội nhập, người ta sợ sẽ quên đi cái “đơn giản” mất, hạnh phúc có chờ ai bao giờ ?

Cho tới trong nỗi niềm của mẹ…

 Nhắc tới hạnh phúc, tự nhiên mẹ lại hiện lên trong tôi như một từ khóa mặc định. Tôi là người Việt, mẹ tôi là người Việt, chúng tôi hạnh phúc bởi những ký tự riêng, những sự giản đơn thấm nhuần trong khối tình bao la diệu vợi. Tôi thương mẹ. Thương cái tin nhắn không dấu, thương những cuộc hành trình dài của hai mẹ con mà chẳng hoài đích đến, thương những chén bánh bèo đêm dài thuở nhỏ cùng mẹ để chuẩn bị bán ngày sau, thương cách mẹ thương tôi, cái “sở thích” làm con vui hay để nó có động lực bước đi trên cuộc sống mới. Bác Ba, cô bạn,..ai cũng có một nỗi hạnh phúc rất riêng, họ cất cho riêng mình, rất giản đơn, mặc định là hành trang cho một đời ý nghĩa,..như là mẹ của tôi.

Cất nỗi nhớ vào trong Sài Gòn,tôi, hẳn nhiên, cũng là hạnh phúc của mẹ..

Lê Quý Nhật

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Categories: IYE