MỘT ĐỜI NÀY CÓ MẤY LỨA XUI NHƯ 2K2ERS?

MỘT ĐỜI NÀY CÓ MẤY LỨA XUI NHƯ 2K2ERS?

Published by Trần Thanh Ngọc on

1 0
Read Time:4 Minute, 58 Second

(FTUNEWS) – Vậy là chỉ còn vài ngày nữa, kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia sẽ chính thức bắt đầu. Ở thời điểm mà văn đã thuộc lòng, toán đã học chán và chẳng còn oái oăm nào mà các sĩ tử tuổi Ngựa chưa trải qua, FTUNEWS xin được gửi đến 2k2ers – thế hệ “đương kim đệ nhất xui” của kỷ hai-mốt – một bức tình thư với tất cả sự trân trọng và thương mến nhất dành cho các em.

Thương mại điện tử xã hội: Có đơn giản là một phương án bao vây?
Ngày không phải Tết
Mười bảy của sau này

Hiếm có thế hệ nào sẽ mô tả 18 năm cuộc đời mình bằng “Vừa sinh ra gặp SARS – Vừa lên mẫu giáo gặp H5N1 – Vừa lên cấp 1 gặp A/H1N1 – Vừa lên cấp 2 gặp MERS” như khóa 2002. Và nếu nhiêu đó vẫn là chưa đủ để chứng minh cho sự “xui đến ấn tượng” của thế hệ này, thì vào năm quyết định tương lai của mình, thứ đón chờ các sĩ tử tuổi Ngựa không phải là một đề thi khó chấn động lịch sử, một chương trình thi mới toanh đến nổi không ai xoay sở kịp, càng chẳng phải là một vụ bê bối khiến cho người ta phải thắc mắc về tính minh bạch của kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia. Không, không có gì trong số đó cả.

Thứ chờ đón 2k2ers vào năm 2020 lửa cháy này, chính là đại dịch Covid-19.

Nếu phải dùng một từ để nói về cái xui của 2k2ers, thì đó chắc hẳn phải là “lạ kỳ”. Dẫu biết rằng kêu ca không làm mọi thứ sớm tốt hơn, nhưng mỗi mùa thi, chuyện than vãn đã thành quen thuộc: kẻ trong cuộc thở than để tìm kiếm một ánh mắt đồng cảm, một nụ cười thấu hiểu, người ở ngoài phòng thi mượn đó thể hiện sự quan tâm, hoặc đơn giản là “chê cho vui”. Chúng ta đã từng nghe người chỉ trích những bộ đề “khó đến độ giáo sư cũng chịu thua”, bức xúc vì những cải cách “coi học sinh như chuột bạch”, phẫn nộ trước những gian lận “chấn động cả ngành Giáo dục”, nhưng chưa bao giờ phải bối rối trước viễn cảnh vừa đi thi, vừa chống “giặc” Covid-19. Chưa bàn đến chuyện ai xui hơn ai, nhưng chắc chắn 2002 chính là thế hệ với cái xui mùa thi “lạ” nhất.

Vậy, “lạ” thì đã rõ, nhưng “kỳ” ở chỗ nào?

“Kỳ”, vì giữa những cái xui rất lạ đó, bỗng thấy cuộc sống này có quá đỗi những điều diệu kỳ. Điều diệu kỳ mang tên “quyết tâm”, khi mà trên đường đua bỗng dài thêm vài tháng, những sĩ tử của chúng ta vẫn có đủ sức bền để chạy tiếp vài chặng cuối cùng, tiến đến vạch đích mà mình hằng mong ước. Điều kỳ diệu có tên “thương yêu”, khi mà qua không chỉ một mà đến tận hai lần đón tin dữ “dịch bùng”, đằng sau 2k2ers luôn có hậu phương vững chắc là ba mẹ, thầy cô, và bạn bè để các bạn có thể vững tâm “biến đau thương thành hành động”, không vì những xui xẻo tréo ngoe mà đâm nản chí. Gọi các em là những điều kỳ diệu vì khi mà thời đại đặt cho đất nước ta quá nhiều câu hỏi lớn, các em lại là những điểm sáng hiếm hoi nổi lên trong bức tranh đáng nhẽ phải mang màu buồn. Chỉ là đáng nhẽ thôi, khi mà em vẫn giữ được lòng can đảm. Em vượt qua những thấp thỏm về ngày mai để ghi nhớ một công thức, một luận điểm giữa xã hội quay cuồng trong hoang mang. Tuổi 17, 18, em chỉ là những đứa trẻ mới lớn – người ta có thể cười khi ai gọi các em là “chiến sĩ”, nhưng cũng chính là các em đi đến cùng với cuộc chiến trường kì này với lòng dũng cảm.

Và anh chị muốn trao em một tấm huy chương.

Đến thời điểm hiện tại, kỳ thi hẳn đã là quá mỏi mệt đối với các em. Anh chị hiểu chứ – khi mà đường đua vốn phải kết thúc vào ngày 27/6 bỗng dài thêm hai tháng, những áp lực về tâm lý, sức khỏe, phong độ bỗng nặng nề hơn biết mấy. Nếu em yếu lòng, thì ừ, cứ quay đầu lại: quay đầu không phải để chùn bước mà để thấy em không chỉ một mình. Quay đầu để thấy rằng, sau lưng em là tình yêu, là kỳ vọng, là niềm tin của ba mẹ, của thầy cô, của bạn bè, và của toàn xã hội nữa. Các em sẽ đi vào lịch sử, không chỉ như là một trong những thế hệ xui xẻo nhất, mà còn là một trong những thế hệ biểu tượng nhất – một thế hệ đã vượt qua kỳ thi quan trọng bậc nhất đời người, khi mà đất nước cũng đang bước qua một thử thách lịch sử. 

Ai mà biết được, tương lai còn điều gì đáng sợ chờ ta phía trước – liệu ta có đậu được vào trường Đại học mình mong muốn, liệu nước nhà có vượt qua đại dịch lần nữa hay không?   Nhưng nếu đã chẳng ai biết trước trước được ngày mai, cớ sao mình không chọn nhìn vào con đường phía trước qua lăng kính tươi sáng hơn? Vì ngày mai rất dài, nên mình cứ bước chậm lại, cứ chọn tin vào những điều tốt đẹp sắp xảy đến, em nghen.

Một đời này, ta sẽ chẳng có mấy lứa xui lạ như 2002. 
Mà, ta cũng sẽ chẳng có mấy lứa kỳ diệu như 2002.

Bài viết: Hùng Nhông
Minh họa: Phương Hảo

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Categories: Phóng sự