CHUYỆN NGƯỜI TRẺ HIẾN TẠNG: “SỐNG LÀ CHO, ĐÂU CHỈ NHẬN RIÊNG MÌNH”

CHUYỆN NGƯỜI TRẺ HIẾN TẠNG: “SỐNG LÀ CHO, ĐÂU CHỈ NHẬN RIÊNG MÌNH”

Published by Ngô Khôi on

4 1
Read Time:5 Minute, 27 Second

(FTUNEWS) – Hiến tạng – một khái niệm còn chịu nhiều rào cản, song người trẻ – những người đã thắp lên niềm tin về sự tử tế – chưa bao giờ vắng mặt trên cuộc đời này.

Clone Account: Ẩn danh, hiện hình

Vẹn một chữ tình còn nguyên

Nguyên: Một mảnh nhưng chẳng hề trọn vẹn

 

Để làn hơi lại ngập trong lồng phổi 

Cho con tim lại đập nhanh liên hồi

Gửi nắng mai lại tràn trong đôi mắt

Giấc mơ chưa kết thúc 

Những linh hồn tái sinh.

Quan niệm “Chết toàn thây” dường như đã ăn sâu trong tiềm thức của biết bao thế hệ con người Việt Nam. Đối với thế hệ của ông bà, cha mẹ chúng ta, hiến tạng dường như là một khái niệm xa lạ, là điềm gở và khó để chấp nhận. Thật không dễ dàng khi phải chứng kiến một người rời khỏi thế gian, hơn nữa biết rằng họ phải ra đi một cách không toàn vẹn đã vô hình tạo nên một rào cản rất lớn trong suy nghĩ của rất nhiều bậc ông cha đi trước. 

Theo thống kê của Bộ Y Tế và Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, đến nay đã có hơn 45.000 tấm thẻ đăng ký hiến tạng được trao tay. Nhưng đồng thời, số người chờ ghép tạng luôn rất cao, nhiều người không chờ được nguồn tạng hiến đã phải chấm dứt sự sống khi còn rất trẻ; nhiều người khác lại phải chật vật với bệnh tật từ năm này sang tháng nọ. 

Dù chỉ là con số rất nhỏ so với phần chung của đất nước, nhưng đó là tín hiệu đáng mừng cho thấy thế hệ mới đang dần cởi mở hơn, rũ bỏ những quan niệm đã cũ và bám chặt trong ý thức để vươn đến những giá trị cao đẹp, thiết thực hơn cho cuộc sống này.

Thường những người đã trải qua rất nhiều thăng trầm, biến cố trong cuộc đời hay đang phải đứng giữa lằn ranh sinh tử mới đi đến quyết định hiến tạng. Nhưng họ – những người trẻ – những người đang tập lớn lại sẵn sàng hiến dâng một phần sinh mệnh của mình giữa lúc đang đắm chìm trong những tháng năm rực rỡ nhất của cuộc đời. 

Đối mặt với đó là sự chỉ trích, dè bỉu của những người cổ hủ rằng việc những tấm lòng trẻ ấy hiến tạng chỉ là chạy theo phong trào lố lăng, không suy nghĩ, ích kỉ như lũ trẻ vẫn làm ngày nay trên mạng xã hội. Không! Để cầm trên tay tấm thẻ đăng ký hiến tạng là cả hành trình đấu tranh với chính bản thân và gia đình, là quyết định lớn lao mà không phải dễ dàng thỏa hiệp.

Thương! Họ còn trẻ lắm, họ còn khao khát sống lắm, họ còn một quãng đường dài phía trước để đi. Nhưng tận sâu trong đáy lòng, họ hiểu được nếu đột ngột rời xa mà chưa làm được gì cho cuộc đời, hẳn sẽ đau lắm! Nỗi sợ hãi vô hình chợt thoáng qua trong ý nghĩ, hành trình tìm kiếm sự chấp thuận, tất thảy khó khăn đều không thể cản ngăn được sự dũng cảm của thế hệ ngày mai. Với tinh thần tận hiến của người trẻ, họ đã không chùn bước.

Theo chia sẻ trên trang cá nhân đi kèm cùng hình ảnh tấm thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng của đương kim Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 (Miss Grand International) – Nguyễn Thúc Thùy Tiên, chủ nhân của chiếc vương miện danh giá bộc bạch rằng: “Vì đâu đó trong vô thức, tôi nhận ra sự kết thúc của mình có ý nghĩa”. 

Trên một diễn đàn dành cho sinh viên trên mạng xã hội, bạn N., 20 tuổi bày tỏ rằng: Sợ mình sẽ biến mất, khiến tớ muốn được trao lại sự sống cho nhiều người khác khi tớ đã ra đi. Tớ muốn những phần cơ thể của mình tiếp tục duy trì sự sống, và hơn thế là tạo ra một sự sống mới cho những người khao khát sống. Vì thế tớ đăng ký hiến tạng”

Đặt tay lên tờ giấy đăng ký hiến tạng, chọn từng bộ phận mình muốn trao đi, điều đó thật sự không dễ dàng chút nào. Những tấm lòng quảng đại, bao dung ấy cũng phải trải qua rất nhiều nghĩ suy, trăn trở để ký thác cho một phần của bản thân có thể được sống tiếp, dù là trong một cơ thể xa lạ nào đó.

Kình lạc – một cái tên đầy bi tráng dành cho những chú cá voi rời bỏ sinh mạng giữa chốn đại dương, xác của chúng sẽ dần chìm sâu xuống đáy biển, tạo ra một hệ sinh thái kéo dài hàng trăm năm nhằm duy trì sự tồn tại cho các loại sinh vật khác. Nó trở thành một ốc đảo nhỏ nơi đáy biển, đây là sự hiến dâng cuối cùng mà nó lưu lại cho đại dương mênh mông.

Soi qua lăng kính của nhân loại, mỗi sinh mệnh đều đáng giá, và cái chết là điều mà mỗi chúng ta đều phải nghênh đón, sự ra đi của chúng ta sẽ không trở nên vô nghĩa nếu ta chọn mình làm tiền đề cho sự khởi sinh, tiếp diễn cho những sự sống khác. Một đốm tro sắp tàn cũng có thể bùng lên một ngọn lửa, một người hiến tạng có thể cứu sống 8-10 người khác. 

“Con nhớ rằng một người ra đi sẽ sống tiếp trong tâm trí người ở lại, một người chỉ thật sự chết đi khi bị lãng quên trong kí ức của mọi người. Nếu có điều chẳng lành, xin cho sự rời đi của con không chỉ gói trong nước mắt mà gói vào đó những điều hạnh phúc, những niềm vui, những ước mơ được viết tiếp.

Một ngày nào đó, bố mẹ chắc chắn sẽ lại nhìn thấy con, cảm nhận được con dù có ở trong một hình hài nào khác. Xin bố mẹ cho phép con làm điều này trong những năm tháng mình còn khỏe mạnh, xinh đẹp và yêu đời nhất, để mai sau con có thể cảm thấy cuộc đời mình vẹn tròn và không còn gì để nuối tiếc”.

 

Bài viết: Hoàng Phúc

 Thiết kế: Lệ Huỳnh

Happy
Happy
100 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Categories: Phóng sự

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *