0 0
Read Time:7 Minute, 16 Second

Những ngày đầu tuần của tháng 7 vừa qua, chẳng ai còn lạ gì với hình ảnh bên ngoài cổng trường Ngoại thương, đông đảo cha mẹ của các thí sinh chen chúc đứng ngồi chờ con thi đại học. Dưới cơn mưa nhẹ của những ngày thi đợt 1 hay cái nắng gắt của những ngày thi đợt 2, họ vẫn kiên trì đợi trong lo âu và thấp thỏm không kém gì tâm tình của những sĩ tử trong phòng thi.

Ngoại thương – giấc mơ của con…

Là một trong những đại học chất lượng nhất Thành Phố Hồ Chí Minh với điểm chuẩn đầu vào cao ngất ngưởng, giảng đường Ngoại thương từ lâu đã trở thành là đích đến hoài bão của rất nhiều sĩ tử.

Tâm sự với FTUNEWS, mẹ của em Lâm Thị Ngọc Anh, học sinh trường chuyên Lương Thế Vinh (Đồng Nai) cho biết: “Con cô thích vào Ngoại thương và hướng vào ngành kinh tế của trường từ lâu rồi. Nó chỉ thi một khối D là vào Đại học Ngoại thương thôi, nếu rớt thì sang năm vẫn nhất quyết thi lại trường này. Lớp nó có 20 bạn thì hết 5 bạn cùng thi vào Ngoại thương rồi”.

alt

Một vị phụ huynh khác là cô Hải, mẹ của em Phong Nhi đến từ Quốc học Huế, cũng đồng tâm sự khi con cô chọn thi cả hai khối A1 và D đều là Đại học Ngoại thương. Cô chia sẻ: “Con cô đã có một giải quốc gia môn Anh văn nên được tuyển thẳng vào Sư phạm Anh và khối ngoại ngữ của các trường khác, nhưng em nó chỉ muốn học Ngoại thương nên vẫn chọn thi cả 2 khối là trường này.”

… Hành trình gian lao của cha mẹ.

Có lẽ đến với trường thi Ngoại thương thì đến hơn một nửa là các thí sinh xuất phát từ các tỉnh lân cận hoặc xa Thành phố. Vượt những quãng đường dài từ Huế, Cà Mau, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Gia Lai… hàng nghìn bậc phụ huynh vì mơ ước đại học của con mà lựa chọn bỏ dở công việc, vun vén hành trang cùng con vào Sài Gòn, chăm lo đến từng bữa ăn giấc ngủ.

Chìm dưới cái nắng gắt cuối buổi sáng ngày thi môn Văn khối D – 10/7/2013 – là dáng hình gầy gò có phần khắc khổ của một người đàn ông trạc tuổi 40-50 với đôi mắt lòa một bên. Bác là phụ huynh của em Lê Hải, học sinh đến từ trường chuyên Quốc học Huế. Hai cha con khăn gói vào Sài Gòn trước đó vài ngày, mỗi sáng ngày thi đều đi xe ôm tới trường từ sớm. Bác cho biết từ khi lên đây, đội sinh viên Tiếp sức mùa thi đã hỗ trợ hai cha con rất nhiều. Căn phòng trọ mà bác đang ở cùng con trai tuy nhỏ, nhưng vẫn đủ tá túc suốt mấy ngày thi.

alt

Em Lê Hải và cha.

Chờ con trước cổng trường, người cha này không ngại trải lòng mình: “Gia đình cả hai vợ chồng đều làm nông, bác cũng đi phụ hồ một thời gian. Em nó học ở trường thì rất tốt, thi thử đều đạt điểm cao, tính tình hiền lành lại rất lo học, không ham chơi hay bồ bịch chi hết. Nó thi khối A vào một trường ở Huế, nhưng xác định đó chỉ là thi phụ thôi, còn trường chính vẫn là Ngoại thương Sài Gòn. Bác cũng lo nhiều, cũng thấy áp lực như nó, chỉ sợ nó mang danh trường Quốc học mà lại rớt đại học thì đau khổ lắm. Nuôi con học 12 năm rồi cũng không muốn nó lại trở về làm nông như mình”

Khi cuộc trò chuyện kéo dài, bác cũng không ngừng hỏi han về chỗ ở, học phí, các chương trình học của Ngoại thương, cũng như các khoảng thời gian nhập học và nghỉ học. Chỉ một lời giải thích giản đơn mà không khỏi khiến người nghe xót lòng – “Phải biết thời gian nhập học để còn liệu lo kịp tiền cho con đi học”

Đặc biệt hơn bất kì người phụ huynh nào từng tiếp chuyện cùng FTUNEWS có lẽ là bác Chính, một “phụ huynh” người Sài Gòn tình nguyện tham gia vào chương trình Tiếp sức mùa thi của Giáo xứ Xây Dựng (Phường 6, Quận Tân Bình). Hai con của bác đều đã lớn và ra đi làm, nhưng bác vẫn dành sức mình giúp đỡ các em học sinh lên Thành phố thi đại học. Mỗi ngày thi, bác đều đóng vai người đưa đón, không ngại chở thí sinh một quãng đường dài nửa giờ đồng hồ từ quận Tân Bình đến Đại học Ngoại thương để đi thi, rồi lại chở về. Tâm tình lo lắng cho thí sinh cũng không khác gì những bậc phụ huynh khác, bác túc trực trước cổng trường dưới cái nắng chang chang để chờ “con” ra chứ không dám về. Bác Chính cười chia sẻ: “Nó không phải con ruột, nhưng mình chăm riết rồi cũng xem nó như con vậy đó. Mấy ngày trước thấy nó nói làm bài khối A được lắm, bác cũng vui theo”

Không sinh ra cũng không dưỡng dục, nhưng công tình “cưu mang” sĩ tử của những người làm tình nguyện này vẫn xứng đáng để được gọi bằng một tiếng “mẹ”, “cha” đầy trân trọng.

Đậu đại học, gánh nặng chưa vơi.

Con cái chạm đến giấc mơ đại học là khép lại một nỗi lo, nhưng đồng thời cũng mở ra một gánh nặng mới với nhiều bậc phụ huynh. Thời gian, tài chính, sức khỏe, cả những hiểu biết về môi trường và quá trình học của con cũng cần phải được đầu tư. Có thể nói, những gian lao đến ngưỡng cửa đại học vẫn chưa hề dừng lại.

Ngồi cùng nhóm với các phụ huynh nữ khác đang trò chuyện rôm rả, nhưng mẹ của em Huỳnh Phúc Nguyên đến từ Sa Đéc, Đồng Tháp chỉ im lặng đọc báo và theo dõi giờ thi. Người phụ nữ với mái tóc hoa râm này đang phải toan tính khá nhiều về tương lai cuộc sống đại học của con. Trong những giờ thi cuối cùng trước khi hai mẹ con trờ về quê nhà, cô chia sẻ: “Hai ngày nay cô vừa lo con thi vừa phải tất bật hỏi thăm tìm hiểu phòng trọ, chỗ ăn chỗ ở đặng vừa túi tiền để sau này còn cho nó đi học đây nữa, chứ giá cả ở Thành phố đắt đỏ quá. Nghỉ ở khách sạn gần đây mà tốn những 250 nghìn một đêm, mắc quá”.

alt

Em Huỳnh Phúc Nguyên và mẹ.

Cùng tâm sự, cô Hương – phụ huynh của thí sinh Nguyễn Hoàng Minh Phương đến từ Vũng Tàu – cũng chồng chất những nỗi lo, nhưng là đối với việc học tập của con. Là một giáo viên với nhiều học trò cũ hiện giờ đều đã là sinh viên Ngoại thương, năm nay dẫn con gái vào thi Đại học, cô cũng dành không ít thời gian tham khảo và nắm bắt chương trình dạy học, các chế độ khóa lớp đặc biệt của trường. Những thông tin về hoạt động Đoàn Hội, ngoại khóa, các chỗ học thêm chất lượng ở bên ngoài và cả cơ hội nghề nghiệp khi ra trường của đa phần sinh viên Ngoại thương cũng đều được cô tìm hiểu. Lắng nghe những lo toan sốt sắng của người phụ nữ này, ai cũng sẽ hiểu cho tâm tình của những người mẹ sắp sửa để con đi học xa – “có lo bao nhiêu cũng được, vì không muốn con mình thiệt thòi một chút gì so với con người ta”.

alt

Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, kỳ thi tuyển sinh Đại học 2013 đã diễn ra và đi vào hồi kết, tạm đặt một dấu chấm lửng còn nhiều chờ đợi và lo toan cho hàng nghìn sĩ tử và các bậc phụ huynh trong cả nước trước ngày công bố kết quả. Dù thành công hay không, có một điều mà bất cứ ai cũng phải ghi nhận, đó là dọc theo hành trình tri thức của con luôn rơi đầy những giọt mồ hôi nhọc nhằn của cha mẹ. Cùng nỗi lo miệt mài của sĩ tử, bên ngoài cánh cổng trường thi luôn là những tin yêu, kỳ vọng và chờ mong khắc khoải của đấng sinh thành…

Mai Thảo

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *