Có một ngày, hạnh phúc không đơn thuần chỉ được tìm thấy ở những điều quen thuộc. Tại nơi đây, Việt Nam ôm gọn những hạnh phúc được tìm thấy ở cả những người chưa từng quen, những nơi lần đầu mới đặt chân tới… Làm sao lại có thể ư? Để Linh kể bạn nghe những ngày Linh rong ruổi…
…
Sài Gòn có những cơn mưa lạ lùng đến đáng yêu. Cứ chợt tới chợt đi, khiến con người chợt gặp, chợt quen rồi chợt tan. Chiều hôm đó cũng tựa là một buổi chiều bất chợt như thế. Linh cùng anh chị mải miết rượt đuổi theo thứ ánh sáng chiều buông nhẹ nhàng lả lơi trên những tòa nhà cao trọc trời Sài Gòn, như một lần cho tâm hồn mình được sống nhẹ nhàng sau những giây phút vội vã giữa dòng sự sống. Rồi thì một hạt mưa rơi xuống, rồi thì cả một màn mưa bao phủ. Những tâm hồn thẩn thơ chỉ kịp tấp xe và nép vào một căn nhà nhỏ trên con đường trải dài không một nơi trú ẩn. Căn nhà khép nép sống tựa mình giữa một dàn những căn nhà cao tầng khác, khép nép và lặng lẽ như chính những tâm hồn đang nương vào nó cho qua cơn mưa vồn vã, rả riết ngoài kia. 5 phút, rồi 10 phút, những tiếng thở dài bắt đầu vang lên đều đặn hơn và nặng nề hơn… Cho tới khi bóng chú – người cha già buổi chiều mưa – cũng khe khẽ nép vào căn nhà nhỏ. Chú có khi đã ngoài 50 nhưng từ đôi mắt đến khuôn mặt đó, giữa màn mưa và thứ ánh sáng lập lòe khi bị mây đen che phủ, vẫn tỏa sáng, một nét sáng nhẹ nhàng đến ấm áp và lưu luyến. Chú nhìn quanh rồi mỉm cười khi nhìn thấy chiếc đàn guitar Linh đeo trên lưng.
- Mấy đứa chuẩn bị đi diễn ở đâu à?
Cả đám giật mình, giọng chú nhẹ nhàng, ôn tồn phá vỡ bầu không khí nặng nề vốn có từ mấy phút trước:
- À dạ không ạ…
Chú nhìn tiếp lũ trẻ mặt mày ngơ ngác, vô định vì những thứ đang xảy ra cũng như vô định cả về cuộc đời của chúng:
- Mấy đứa giỏi lắm nha. Còn trẻ như vậy đã biết đánh đàn, sáng tác. Chú thật sự rất quý mến những bạn trẻ, dành tuổi trẻ của mình theo đuổi nghệ thuật. Vì thật ra nghệ thuật không phải là cái tự nhiên mà có, nó là một phần của thiên bẩm và là rất nhiều phần của sự rèn luyện. Nên mấy đứa ráng lên, luyện tập, trau dồi, cống hiến. Đừng có để lãng phí cơ hội và tài năng của mình.
Có thể do phong thái hôm đó của lũ trẻ mà chú nghĩ rằng chúng không chỉ biết đánh đàn mà còn biết cả sáng tác và ca hát. Thế rồi thì ngẫu hứng, như những tâm hồn cùng đồng điệu hòa làm một, chị của Linh cũng lên tiếng vui vẻ:
- À đúng rồi á chú, bọn con có một đứa đánh đàn, một đứa sáng tác, một đứa hát, một đứa nhảy nữa nè chú.
Với chúng thì đơn giản chỉ là giỡn nhưng với chú – người nghệ sĩ sống thầm lặng ấy thì đó là cả một niềm hy vọng phía trước. Tựa như đã tìm được một sự đồng điệu trong tâm hồn, chú bỗng trải lòng về cuộc đời theo đuổi nghệ thuật của mình. Từ nhỏ đã bắt đầu sáng tác nhưng sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bố mẹ chịu nhiều vất vả, chú không đành mà theo cái ngành – những ngày ấy quan niệm là không đủ để kiếm sống và lo cho bản thân, chú chấp nhận gác thằng nhóc ngồi cả đêm sáng tác, viết nhạc viết lời qua một bên để trở thành người đàn ông, xã hội lúc bây giờ phải kính nể, một luật sự giỏi giang. Câu chuyện không mới, đã từng nghe nhiều về những mảnh đời phải sống sai với chính bản thân mình, nhưng khi nghe chú kể, sự nuối tiếc từ những ngày thơ, sự chấp nhận mọi thứ bất ổn trên đời đã khiến cả bọn Linh không còn tâm thế đùa giỡn nữa, thay vào đó là một cái nhìn ấm áp về chú – như cái nhìn một người cha già ngồi cạnh các con kể về một cuộc đời đầy hy sinh nhưng chưa bao giờ cha già quên đi giấc mơ nghệ sĩ của mình. Chú nói về những bản tình ca chú sáng tác, kể cả những khoảnh khắc chú tới những buổi nói chuyện với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nghe về câu chuyện những bài hát bất hủ chạm tới trái tim nhiều thế hệ của cố nhạc sĩ rồi tự nhắc bản thân cũng phải có những sáng tác để đời như vậy. Rồi chú lặng thinh nhìn mưa… Mưa ráo riết, mưa to hơn bao giờ hết.:
- Nhưng mà thật ra chú không bao giờ hối tiếc về những điều chú đã làm. Tuy không được làm nhạc sĩ như mình muốn nhưng giờ chú sống khá tốt mấy đứa à. Lâu lâu chú cũng sáng tác cho vợ vài bài nữa.
Chú kể chuyện ở nhà chú và vợ gọi nhau là Lữ Bố và Điêu Thuyền. Linh chợt bật cười cái khoảnh khắc mắt chú sáng rực nghĩ về Điêu Thuyền của lòng chú. Thấu cả một biển lãng mạng trong một con người đã chập chờn cái tuổi xế chiều ấy.
Chú tiếp tục kể về những câu chuyện xoay quanh những sáng tác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Rồi thì chú không bao giờ quên đằng sau mỗi câu chuyện chú đều nán lại mấy câu nhắc nhở về sức mạnh của âm nhạc, sự kết nối mà âm nhạc mang lại và cuối cùng luôn là câu nhắc khẽ hãy luôn nâng niu và phát triển tình yêu cho niềm đam mê của mình. Dưới một góc nhỏ trong thành phố rộng lớn tưởng gặp một lần sẽ chẳng bao giờ gặp được nữa nếu người ta không giữ không níu, có những tâm hồn thuộc những dòng thế hệ khác nhau đang cùng hòa vào một thế giới nơi những niềm hạnh phúc thật sự được nuôi sống từ những điều nhỏ nhặt, từ những điều người ta vẫn thường quan niệm là bất công và cay đắng nhất: “Sống khác biệt với những gì mình mong muốn.”
Mưa dừng. Chú lên gas, mặt chú vẫn là nét sáng ngời của những thời mưa còn ráo riết. Chú nhìn lũ trẻ:
- Ráng lên nha mấy đứa.
Lũ trẻ nhìn chú: “Liệu khi bằng tuổi chú có được cái niềm vui ấy?”
…
Một góc chiều của Linh nhưng thật ra là câu chuyện của nhiều những con người khác ở mảnh đất hình chữ S thân thương này. Việt Nam đã trải qua quá nhiều đau thương trong quá khứ thế nhưng chưa bao giờ đất nước này lại hết “hạnh phúc”. Tự hỏi bản thân, có phải đã quá nhiều đau thương, mất mát phải trải qua nên con người ta tập yêu cả những điều vốn không có ai yêu, và tìm hạnh phúc ngay cả những điều mà vẫn được quan niệm là mang nhiều sự uất ức?
Từ buổi chiều mưa, Linh mới nhìn lại những ngày nắng. Việt Nam đang ngày càng phát triển, sau thế hệ những người cha già chẳng phải đó là thế hệ trẻ chúng ta sao. Nhưng hãy tự ngồi lại, nhìn lại và giật mình. Ngay cả khi Việt Nam vẫn là một quốc gia “hạnh phúc” nhưng với những gì đang diễn ra, liệu hạnh phúc này có giữ được lâu, khi thế hệ trẻ chúng ta đang sống ngày một buồn bã, mệt mỏi, thiếu ước mơ, hoài bão, sống vật vờ những ngày tháng đáng ra phải sống cho đáng? Nhớ những ngày mưa, lại buồn những ngày nắng… Một “Hạnh phúc chuẩn Việt” là cái hạnh phúc to lớn bao thế hệ gầy dựng, là cái hạnh phúc vượt mọi rào cản cuộc đời vẫn vui vẻ, vẫn có thể tìm thấy hy vọng trong những điều khó khăn nhất đó cũng chính là sự khác biệt to lớn giữa “Hạnh phúc chuẩn Việt” với những hạnh phúc khác ở những quốc gia khác. Một sự khác biệt đầy tự hào và đáng được trân trọng hơn bao giờ hết…
Trịnh Khánh Linh