Tôi gặp lại Hưng trong một tiệm sửa xe, trông nó vẫn đen nhẻm, rắn rỏi. Cái thằng, từ dạo ấy đến giờ vẫn trầm lắng, ít nói chuyện. Gặp lại nó khiến tôi nhớ…
– Dậy Ty ơi!
Tôi bật dậy khỏi giường sau tiếng gọi của mẹ. Ngày nào cũng thế, mẹ cứ đi chợ về lại đánh thức tôi. Nồi cơm đang sôi trên bếp, tiếng củi lửa nổ tí tách, mùi thức ăn nồng lên thơm phức… Một ngày mới của tôi bắt đầu như thế.
Hồi nhỏ, cứ suốt ngày rong ruổi trên những bãi đất trống. Những chiếc diều được gấp từ giấy, dùng cơm nguội để đính những thanh tre lại với nhau thay cho băng dính. Lén lấy cuộn chỉ khâu của mẹ để làm dây diều, những cánh diều cứ thế mà bay cao. Những trận bóng mà trên sân chỉ có ba người, bốn người cũng đá. Đám trẻ con cứ chạy hồng hộc, lao vào quả bóng, té trầy cả đầu gối. Hầu như đứa nào cũng có vài vết sẹo ở đầu gối. Trái bóng nhựa chỉ cần va vào gai, nhánh cây là xì hơi, xẹp lép. Bọn trẻ lại áp mặt vào trái bóng mà phù má, phồng miệng thổi cho trái bóng căng lên lại. Hồi đó, niềm vui lớn chỉ là được ba mẹ mua cho trái banh da. Cứ thế, chiều chiều là cởi trần, chạy dài trên những khoảng đất trống đến sẩm tối mới về.
Những cái súng ná được làm bằng nhiều sợi dây thun đan lại với nhau cho thật căng, đàn hồi. Cái chạng là thanh củi, thường là thanh củi cà phê hình chữ Y được tỉa tót cẩn thận. Tắc kè là nạn nhân phổ biến của lũ trẻ. Trời nắng, lũ tắc kè thường leo lên những trụ tiêu tắm nắng. Mắt chúng lim dim cho đến khi hòn đá, hòn sỏi vô tội vạ găm vào đầu chúng, rớt cái “bịch”. Có những con bị bọn trẻ bắt sống, chúng lấy những mẩu thuốc là hút dở của bố chúng cho tắc kè hít, phải là những đứa trẻ may mắn chứng kiến thì mới biết vẻ “ngất ngư” của con tắc kè “phê cần”.
Cũng có lúc bọn trẻ lội dọc theo những con suối nhỏ, người lớn thường tận dụng những con suối này để tưới cà phê, tươi tiêu. Mùa tưới, tiếng máy nổ ì ầm cả ngày, lũ trẻ lại có dịp cầm những ống nước phun tung tóe khắp các vườn, rẫy. Chúng trượt dài trên những bờ đất vì trơn trợt, đứa nào đứa nấy vừa lấm lem bùn đất, vừa ướt như chuột lột. Trên những con suối nhỏ ấy, thỉnh thoảng có những con cả lóc bé bé, cỡ bằng hai đốt tay. Lũ trẻ phát hiện ra, thế là chúng làm cần câu, hoặc chúng mạnh dạn lội hẳn xuống suối, dùng những chiếc rổ mà cố gắng ụp hên xui lấy con cá. Bữa cơm thỉnh thoảng có thêm con cá bé xíu được chiên giòn. Mẹ bảo: “Trưa tụi bây đừng có lội nước, ma da kéo chân đó”. Chúng nó vẫn lội suối, chỉ có điều cả bọn bám nhau rất chắc…
Những năm tháng ấy, tôi và thằng Hưng chơi thân với nhau. Trong xóm chỉ lác đác vài hộ gia đình. Thằng Hưng không có ba, mẹ nó bảo ba nó lên thành phố rồi không thấy về.
Một ngày, lũ chúng tôi còn đang mãi rượt đuổi nhau trên bãi đất thì có tiếng gọi í ới của một cô hàng xóm: “Huy ơi, về mau… mẹ mày sao rồi kìa”. Chúng tôi vẫn chạy, chỉ là từ rượt đuổi nhau thành hai đứa cùng chạy về một hướng. Mẹ thằng Huy thỉnh thoảng vẫn hay ngất, do bệnh tim. Nên mỗi lần nghe “mẹ mày sao rồi kìa” là nó hớt hải chạy về. Lần này chắc lại thế. Cô bác hàng xóm đã có mặt ở nhà nó, mẹ tôi cũng ở đây. Nó chạy vào, chẳng hiểu sao mọi người lại lảng mặt đi như sợ nó thấy họ rớt nước mắt vậy. Nó vuốt từ cổ xuống đến ngực mẹ, lầy dầu gió bôi để làm ấm người mẹ lại. Trước nghe mẹ tôi nói làm vậy thì thở lại được. Nhưng mẹ Hưng không còn thở lại được nữa. Khóe mắt mẹ nó còn hàng nước mắt chưa kịp khô. Chúng tôi dù chạy rất nhanh cũng không chạy kịp nỗi đau mẹ nó gánh lấy. Tôi thấy cô bác hàng xóm khóc, mẹ tôi cũng khóc, nhưng Hưng thì không. Nó cứ vuốt dọc theo cổ mẹ nó như một cái máy được thiết lập chỉ với cái nhiệm vụ đó…
Chúng tôi không còn cùng nhau đá banh nữa, bãi đất trống lâu ngày không bị cày xới bởi dâu chân lại mọc lên những đọt cỏ xanh lổm chổm, có lẽ những con cá lóc cũng lớn lên nhiều vì không bị chúng tôi “vớt” nữa. Thằng Huy theo một người bác đón vào thành phố. Trước khi đi nó kể: “Có mấy lần tao buồn tiểu nửa đêm dậy thấy mẹ tao khóc, bả nhìn tấm ảnh có ba mà khóc. Tao mới biết là ba tao cũng mất rồi, xe tông. Bả chịu đựng một mình sợ tao buồn”.
Con người ta không có quyền lựa chọn sinh ra ở đâu, bố mẹ là ai, nhưng chúng ta có quyền lựa chọn cách sống, có thể không là một đứa trẻ may mắn, nhưng hạnh phúc phải được tạo ra từ chính cảm nhận của bản thân mình. Hưng nói với tôi: “Tao không may mắn nhưng tao hạnh phúc, mẹ tao cho đến lúc nhắm mắt cũng không muốn con chứng kiến cảnh bà buông xuôi nên mới ngăn không cho mọi người gọi tao về sớm hơn, mẹ yêu tao thế đấy”.
Hạnh phúc đơn giản chỉ là cảm thấy may mắn hơn nhiều người rất nhiều, vì biết thế mà biết yêu hơn những gì hiện có, biết yêu hơn những người thân bên cạnh.
Tôi đã lớn lên thế nào?
Tôi đã lớn lên hạnh phúc!
Phan Thanh Tùng