Thơm lừng bột gạo
Bánh căn có tên gọi từ xưa là bánh căng. Nhưng theo thời gian, do cách phát âm của tiếng địa phương, bánh căng được đọc trại thành bánh căn. Nhiều người nhìn sơ món bánh này lần đầu tiên dễ dàng nhầm tưởng đó là món bánh khọt của miền Nam. Tuy hình dáng có hơi giống nhau nhưng từ nguyên liệu chuẩn bị, cách chế biến lẫn cách thưởng thức vẫn đậm đà văn hóa miền Trung, không lẫn vào đâu được.
Bột làm bánh được chế biến từ hạt gạo tròn đã ngâm mềm và xay nhuyễn. Bí quyết để bánh khi ra lò giòn và dai thì khi hòa bột, ta cho thêm vào ít cơm nguội. Khác với bánh khọt miền Nam, bánh căng được đổ vào 1 khuôn đất đặt trên 1 nồi đất nung đỏ lửa. Đặc biệt không sử dụng dầu mỡ,tránh gây cảm giác ngán khi dùng nhiều, chiếc bánh vẫn chín đều, giòn giòn phần mặt dưới, căng phồng, xốp mịn phần mặt trên. Bánh có nhân tôm thịt hoặc mực hay thậm chí chỉ có trứng hoặc bánh không nhân. Khi bánh chín, người bán bánh chỉ cần dùng 1 chiếng xẻng kim lọai là nạy bánh ra khỏi khuôn, ghép 2 chiếc vào với nhau thành 1 cặp, giữa là ít hành lá thơm thơm và mời liền thực khách dùng nóng. Vậy nên, bánh căn được dùng theo cặp, mỗi người chừng từ 8 tới 10 cặp có khi vẫn còn thèm.
Đậm đà đa dạng nước chấm
Điểm làm nên sự khác biệt và tăng thêm hương vị cho những cặp bánh căn trắn mịn này là nước chấm.Bánh căn có thể được xem là một trong những món bánh đặc trưng của cư dân vùng biển. Những nguyên liệu chính tạo nên món bánh điều bắt nguồn và tận thu từ biển như nước mắm, mắm nêm, cá kho…,những nguyên liệu sẵn có và không thể thiếu được trong bữa ăn của người dân nơi đây. Vậy nên nước chấm của bánh cũng rất đa dạng với 3 loại chính: nước mắm pha, mắm nên, nước cá kho. Cá nục cá chích, cá cơm… được kho nhiều nước và vừa ăn làm nước chấm. Mắm pha chanh ớt tỏi đậm màu đỏ tươi của ớt nhưng không cay cũng là sự lựa chọn hấp dẫn. Người miền Trung với thói quen dùng tô phổ biến hơn chén, nước chấm được chan đầy trong tô, bánh căn khi ăn được thả nguyên cặp, ngập trong nước chấm. Khi đưa vào miệng thì nước dùng đã hòa lẫn với bột bánh chín thơm, tất cả đều tròn vị ngây ngất lòng người. Nếu như người miền Nam dùng bánh khọt kèm rau xà lách, các loại rau thơm đầy mùi vị thì vị chua của xoài, khế là một điểm nhấn ấn tượng cho món ăn, lưu lại mãi trong lòng thực khách. Ngoài ra, người dùng món có thể gọi thêm các món ăn kèm như trứng luộc, da heo trần chín cắt sợi, xíu mại…. tạo nên sự hòa trộn đầy ngẫu hứng phù hợp với sở thích của từng người.
Nếu bạn muốn dùng thử món bánh này mà không phải chờ đợi 1 dịp nào đó đến miền trung, đặc biết là Phan Thiết Phan Rang thì hay ghé qua 38 Nguyễn Văn Trỗi, Quận Phú Nhuận hay 570 Lê Quang Định Quận Gò Vấp, TP HCM, các bạn nhé!
Thảo Vân