(FTUNEWS) – Những tưởng rằng công nghệ đã giúp ta có hết mọi thứ, thấu tường mọi chuyện và giữ vững mọi mối quan hệ quanh mình, nhưng sự thật thì chúng ta vẫn luôn cô đơn. Phải chăng, người trẻ đang dần cảm thấy yên ổn với một cái máy hơn là với con người?
Sinh ra từ năm 1982 đến năm 2000, thế hệ Y (còn gọi là Millennials) hiện chiếm hơn 35% dân số Việt Nam với khoảng 28 triệu dân. Đặc trưng cốt lõi của thế hệ chúng ta, đó chính là từ khi sinh ra đã sống trong “bầu khí quyển” của thời đại công nghệ phát triển như vũ bão.
Khác biệt lớn nhất của thế hệ Y so với những lớp người đi trước là lối tư duy mở. Chúng ta hướng ngoại cũng như tự do hơn trong suy nghĩ. Chúng ta linh hoạt cũng như mạnh dạn hơn trong hành động. Để rồi, không còn như những người trẻ của thế hệ trước, điềm tĩnh quan sát dòng chảy của thế giới, chúng ta lại nhanh nhạy hòa vào và bắt nhịp rất nhanh dòng chảy đó. Đây là quy luật tất yếu của thời đại, song sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không phải chính sự thuận tiện ấy lại hóa thành điều khó khăn nhất. Trong một thế giới quá rộng và biến chuyển quá nhanh, chúng ta thuận tiện kết nối, đồng thời cũng dễ dàng mất kết nối với mọi người và với cuộc sống quanh mình.
Hẳn ai cũng biết câu chuyện về chú cá voi với tần số 52Hz. Chúng ta gọi đó là “chú cá voi đơn độc nhất hành tinh”, vì không một đồng loại nào có thể nghe thấy tiếng gọi của chú, nhưng đã bao giờ bạn nghĩ, rằng thế hệ chúng ta cũng kiêu hãnh và đơn độc không kém trong “đại dương” cuộc đời?
Không thể phủ nhận rằng chúng ta đang là những tuýp người của thời đại. Một thế hệ tự tin, dám nghĩ và dám theo đuổi ước mơ của mình. Một thế hệ khao khát thể hiện cái tôi thẳng thắn và mãnh liệt. Một thế hệ không chỉ sống cho hôm nay mà còn khao khát chiếm lĩnh cả tương lai. Kiêu hãnh cất lên tiếng nói của thế hệ mình là vậy, nhưng cớ sao mỗi người vẫn cứ cô đơn, lạc nhịp trong bản hòa ca “52Hz” của Millennials?
Có lẽ trong thời đại mạng xã hội bao trùm cuộc sống con người, thật quá dễ để chúng ta chạy trốn bản thân, lạc cái tôi cá nhân vào quá trình làm hài lòng cuộc sống “ảo”. Thật quá dễ để chúng ta bọc một lớp đường ngọt ngào quanh nỗi cô đơn của mình bằng số likes hay lượt views, tự huyễn hoặc rằng vậy là quá đủ dù vẫn âm thầm đợi chờ những sự quan tâm sâu sắc hơn từ người khác. Thật quá dễ để chúng ta tìm đến nhau qua những dòng tin nhắn. Nhưng lại quá khó để chúng ta nhận ra và níu giữ mọi thứ kịp thời.
Dường như từ lâu, chúng ta đã quen sống trong bầu khí quyển mới mang tên “công nghệ”. Để rồi một ngày “hụt” bước nhìn lại, ta mới thấy mình cô đơn ngay trong chính thế giới nhiều người vẫn đang ngưỡng vọng, kiếm tìm. Có chăng, khi đã bước vào, đôi khi ta dễ dàng chìm đắm trong dòng chảy của thế giới đó. Thế nên không ít người đã từng thất vọng, lạc lối khi đem những cách ứng xử của thế giới “ảo” làm chuẩn mực cho đời sống bên ngoài. Hay đôi khi, chính tính thuận tiện của sự kết nối không giới hạn khiến mỗi người chúng ta đôi khi quên mất giá trị thực sự của việc giao tiếp với nhau.
Nếu ai đó có hỏi: “liệu thế hệ chúng ta có thật sự cô đơn?”, tôi nghĩ mình sẽ không phủ nhận, bởi có ai đi qua thời trẻ nồng nhiệt mà chưa từng nếm trải cảm giác này? Cô đơn đôi khi như một thứ gia vị tất yếu của sự trưởng thành từ trong những “cơn bão” tuổi trẻ. Nhưng sau tất cả, sẽ chẳng có ai phải cô độc chìm đắm mãi trong đó. Bởi vì chúng ta có nhau, có thế hệ mình.
Là một người trẻ, tôi hiểu những định kiến xung quanh thế hệ Millennials. Nhưng nỗi cô đơn của những đứa trẻ chưa kịp lớn đã bị choáng ngợp trước sự mênh mông, đa chiều cũng như phức tạp của cuộc sống hiện đại cũng đáng được thấu hiểu và đồng cảm. Dầu sao chúng ta chỉ đang thay đổi để thích nghi với môi trường. Và thường trực trong nỗi cô đơn không phải là cách mà ta nên sống. Quan trọng hơn cả, trên hành trình trưởng thành, cách hiệu quả nhất là hãy sống thật. Sống thật để sẵn sàng mở lòng mình sẻ chia nỗi niềm, tâm sự. Sống thật để trân quý hơn những mối quan hệ thực sự và sống thật để khi bước ra khỏi thế giới “ảo”, ta vẫn là mình.
Tôi tin thế hệ chúng ta không phải là kẻ cổ lỗ sĩ phản đối công nghệ và xem nó như thứ “tội đồ”, cũng không phải là người sính công nghệ đến mức xem nó như hơi thở. Chúng ta là những chiến binh của thời đại mới, lấy công nghệ làm thứ “vũ khí” đắc lực để vận hành thế giới quanh mình.