Trên đường Hạ Long đoạn chạy ngang qua Bãi Trước thành phố Vũng Tàu, ngay chân Núi Nhỏ hay còn gọi là núi Tao Phùng có một con đường nhựa nhỏ mang tên Hải Đăng uốn lượn dẫn lên ngọn hải đăng trên đỉnh núi. Tòa nhà số 14 trên con đường vắng vẻ này được xây theo kiểu pháo đài cổ, nằm dựa lưng vào núi với các mô hình đại bác, lính canh và phù hiệu các vương quốc. Đó là Bảo tàng vũ khí cổ – The Worldwide Arms Museum, nơi có những bộ sưu tập vũ khí cổ, quân trang, quân phục của thế giới được coi là lớn nhất Đông Nam Á hiện nay.
Nơi một phần lịch sử thế giới được tái hiện
Sau khi mua vé vào cổng với mức giá 50.000 đồng/người, các bạn sẽ được chào đón bằng bức điêu khắc trên tường về trận đánh nổi tiếng ở Hennersdorf của vương quốc Phổ vào năm 1745 trong tiếng nhạc nghi lễ Scotland trầm hùng.
Tiếp đó, dẫn dắt khách tham quan vào khu vực trưng bày là những bức tranh mô tả các trận chiến lừng danh của các đại đế như Napoleon Bonaparte (Pháp), Charles I (Scotland)…
Lính Viking
Theo chân Tống Việt Nhân, nữ thuyết minh trẻ của bảo tàng, chúng tôi lần lượt tham quan bốn gian phòng với tổng diện tích gần 1.500m2, trưng bày khoảng 1.200 cây súng, 1.000 cây gươm và 500 mannequin (tượng bằng chất liệu composite) trong những bộ quân phục cổ.Dưới mỗi mannequin đều có phần chú thích ngắn gọn song ngữ về lịch sử ra đời của binh chủng, bộ quân phục đó. Bộ sưu tập vũ khí cổ rất đa dạng như súng săn, súng ngắn, súng trường, gươm, giáo, kiếm… có cả súng để trong ví của các quý bà như một món đồ thời trang.
Một số súng trường cổ
Có những đồ rất quý hiếm mà trên thế giới chỉ có một vài cái như súng ngắn được chế tạo riêng cho Nữ hoàng Ann của Anh vào thế kỷ XVII, cây súng bán tự động đầu tiên trên thế giới…Ngoài ra còn nhiều cây súng của giới quý tộc các nước được chế tác như tác phẩm nghệ thuật với thân súng mạ vàng, báng súng làm bằng ngà voi, khảm xà cừ, hình vẽ được chạm trổ rất tinh xảo.
Không gian trưng bày
Cùng với vũ khí là quân trang, quân phục, quân hàm, quân hiệu… tất cả làm sống lại lịch sử văn hóa, xã hội và những sự kiện lịch sử quân sự của nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Nga…
Không gian trưng bày
Lính Thổ Nhĩ Kỳ xưa
Giám định của Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia Việt Nam đã xác nhận 100% vũ khí ở đây là đồ cổ thật sự. Trang phục thì chỉ có các loại áo choàng, trang phục của kỵ binh Mông Cổ và của quân Thập tự chinh là đồ phục chế, còn lại toàn bộ là đồ cổ, trong đó có cả bộ áo giáp đã được mặc trên người của một quân nhân khi tham gia trận Waterloo vào năm 1815.
Khẩu súng lục được làm riêng cho Nữ hoàng Anh vào thế kỷ XVII
Đặc biệt, chủ nhân của bảo tàng đã khéo léo phục dựng khoảng 500 chiến binh chủ yếu là ở châu Âu từ thời Trung cổ đến thời Napoleon và trước chiến tranh thế giới lần thứ I.Đó là tượng chiến binh Ả Rập, rồi cung thủ Ba Tư và người Viking vùng Bắc Âu, đội cận vệ Hoàng đế La Mã, những bộ giáp sắt của các võ sĩ giác đấu, đội cận vệ Hy Lạp, lính Hoàng gia Thụy Điển, lính Pháp, Scotland, Đức, Hà Lan, đội quân Thánh giá (Thập tự chinh)…
Nhà sưu tập Robert Taylor
Tất cả đều được tái hiện công phu và chi tiết, vừa mang vẻ uy dũng của các chiến binh xưa, vừa thể hiện một cách tinh tế về đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.
Từ giấc mơ của một nhà sưu tập
Ông Robert Taylor Lovic, chủ nhân của bảo tàng cho biết:
– Hiện nay tôi mới chỉ thực hiện được khoảng 50% ý tưởng và trưng bày được một nửa bộ sưu tập của mình. Bảo tàng vẫn đang được tiếp tục xây dựng để hoàn thành các khu vực trưng bày về chiến tranh thế giới lần I, chiến tranh thế giới lần II và lịch sử Việt Nam. Dự kiến cuối năm 2013 thì toàn bộ bảo tàng sẽ hoàn tất và đưa vào phục vụ khách tham quan.
Kỵ binh của Nữ hoàng Anh
Ông Robert Taylor sinh ra và lớn lên ở Nottingham, nước Anh. Từ khi chín tuổi, ông đặc biệt thích chơi súng, đến năm 19 tuổi, ông mua được món vũ khí cổ đầu tiên bằng tiền của mình và từ đó, ông sưu tầm xây dựng các bộ sưu tập cho đến tận ngày nay.Khi bộ sưu tập phát triển, ông đã từng hợp tác với các bảo tàng ở Anh, Pháp, Hà Lan và Úc để trưng bày giới thiệu. Năm 1999, ông đến đầu tư, làm ăn tại Việt Nam.
Đặc biệt yêu mến thiên nhiên và con người Vũng Tàu, ông quyết định lưu lại đây mãi mãi và xây dựng một bảo tàng độc đáo để lưu giữ niềm đam mê mà ông đã nuôi dưỡng gần 50 năm qua.Bằng sự kiên nhẫn, bền bỉ làm việc với Cục Di sản văn hóa và Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu cùng với các ban ngành có liên quan trong nhiều năm, ông lần lượt đưa được các bộ sưu tập về Việt Nam và bảo tàng vũ khí được khánh thành chính thức vào ngày 7/1/2012. Ông Robert Taylor cho biết thêm:
– Tôi mong muốn sau khi tôi chết, bảo tàng này sẽ thuộc về người dân ở đây và tồn tại mãi mãi để những thế hệ kế tiếp có thể hiểu được lịch sử loài người vốn giàu có và rực rỡ như thế nào! Đánh giá về bảo tàng này, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia nhận xét: “Con đường của bảo tàng vũ khí là một trường hợp đặc biệt, hiếm có. Đó là con đường của trí tuệ, sự bền bỉ và hoài bão vô bờ. Ông Robert Taylor Lovic là một nhà sưu tập có tên tuổi, tầm cỡ quốc tế. Là một nhà kinh doanh song ông đã dành nhiều thời gian để học, để xây đắp kiến thức của mình về văn hóa, văn minh của nhân loại, tri thức ấy lớn lên cùng với các sưu tập quý giá của ông. Ông đích thực là một nhà nghiên cứu có hạng”.
Du khách nước ngoài đang tham quan bảo tàng
Sau sáu năm xin phép, thuyết phục các cơ quan chức năng, khi bảo tàng chuẩn bị đi vào hoạt động, ngày ngày Robert Taylor lại tỉ mỉ chuẩn bị tư liệu để làm tài liệu thuyết minh. Tốn thời gian không kém là những lượt đi về giữa Vũng Tàu – TP. Hồ Chí Minh để đặt từng bức mannequin cho đúng kích thước những bộ quân phục.Mỗi tháng, Robert Taylor chỉ đặt khoảng 10 mannequin và tự tay ông ngồi tỉ mẩn kết từng bộ râu, mái tóc của mannequin sao cho đúng với đặc trưng dân tộc và bối cảnh lịch sử. Nhờ vậy mà 500 gương mặt các bức tượng không hề giống nhau, ngay cả màu da của mỗi tượng cũng có sự khác biệt rất tinh tế.
Lính Bắc Phi
Cùng với những bộ sưu tập quý hiếm và công phu, bảo tàng tư nhân này cũng được đánh giá cao về vấn đề an ninh (được đảm bảo bởi một công ty chuyên về an ninh ở nước ngoài, tọa lạc trên đường độc đạo lên núi cùng với các khu vực quân sự của quân đội Việt Nam đóng xung quanh…) và không gian trưng bày chuyên nghiệp, hấp dẫn.Tầng một của bảo tàng dành cho thời kỳ cổ đại đến Trung cổ với các chiến binh Viking, Spartan, Trung Quốc, các hiệp sĩ và tướng quân Nhật Bản, quân đội La Mã, quân Hoplite, các chiến binh Thập tự chinh (người Anh, người Tây Ban Nha, người Đức), những võ sĩ giác đấu, một số thanh gươm và súng của người Mường (Việt Nam) ở thế kỷ XIX…
Tầng hai dành cho quân đội Anh với những người đưa thư, người thổi kèn hiệu, lính đánh bộ, kỵ binh Anh, thủy quân, kỵ binh của Nữ hoàng. Ở đây cũng trưng bày các cây súng côn, súng lục, súng trường, súng hỏa mai… của Anh, Pháp, Đức, Hà Lan… thế kỷ XVII, XVIII và XIX.Ở khu sàn lệch tầng hai và toàn bộ tầng ba, quân đội châu Âu được dành nhiều không gian hơn với sự xuất hiện của những người lính Pháp, Nga, Thụy Điển, Phần Lan… Trang phục của lính hoàng gia Nga cũng rất phong phú, thu hút, đặc biệt là những chiếc mũ kim loại chạm trổ cầu kỳ.
Tại khu vực này, những khẩu hỏa mai của quý tộc châu Âu làm nhiều khách tham quan phải tấm tắc trước vẻ đẹp oai vệ của thiết kế và phần báng súng được làm rất đẹp.
Điểm đến mới hấp dẫn của thành phố Vũng Tàu
Chị Tống Việt Nhân cho biết trong những tháng đầu mới mở cửa, khách tham quan bảo tàng chủ yếu là người nước ngoài. Đa số khách đến đây đều tỏ vẻ thích thú và cho biết họ được các kênh thông tin du lịch giới thiệu về bảo tàng từ khi nó chưa được xây xong.Gần đây, khách Việt Nam từ các tỉnh thành khác khi đến Vũng Tàu cũng đã bắt đầu ghé đến bảo tàng vũ khí. Cùng tham quan với chúng tôi trong buổi chiều hôm đó còn có vài gia đình du khách nước ngoài, Việt kiều, khách trong nước và cả một đoàn khách khoảng 20 người đến từ Hà Nội.
Trong khi khách nước ngoài, khách Việt kiều thích thú với giá trị hiện vật và độ chuyên nghiệp của bảo tàng thì đa số khách Việt cũng rất hào hứng với việc chụp ảnh lưu niệm.
Lính Thập tự chinh
Hầu hết đều trầm trồ trước vẻ uy nghi của các mannequin và sự tinh xảo, chi tiết trong các bộ trang phục cùng vũ khí. Ông Bernard Bray đến từ San Jose nước Mỹ thích thú ra mặt: “Đây quả là một sự ngạc nhiên đầy thú vị trong chuyến du lịch đến Việt Nam của tôi. Không ngờ ở thành phố biển yên tĩnh này lại có một bảo tàng quy mô với nhiều hiện vật quý giá như vậy! Tôi chỉ có thể nói là thật tuyệt vời!”. Mức giá vé 50.000 dành cho người lớn (cho cả khách Việt Nam và khách nước ngoài), 25.000 dành cho trẻ em được nhiều khách nước ngoài cho là: “Giá tốt!” và phần đông khách Việt cho là: “Chấp nhận được!”.
Tham quan bảo tàng, du khách được biết thêm rất nhiều câu chuyện thú vị từ lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đến kỹ thuật, chiến tranh; từ chuyện của Thành Cát Tư Hãn đến người lính hậu cần. Những bộ áo giáp, những khẩu súng, thanh gươm ở đây không chỉ nói về các cuộc chiến mà còn là tác phẩm mỹ thuật, là chứng nhân trong quá trình phát triển trình độ khoa học kỹ thuật của loài người.
Theo DNSG