Hoàng Anh
Tôi bất giác thở dài. Lồng ngực có chút nhói…
Trong lúc tìm tư liệu để viết bài, tôi đã hỏi rất nhiều người, đọc rất nhiều báo và cũng nhận được kha khá câu trả lời. Chỉ tiếc rằng những câu chuyện ấy mạnh mẽ quá, xúc cảm quá để một con người ít trải nghiệm như tôi có thể cảm nhận mà đắm chìm được. Thành thử tâm trạng cũng buồn buồn nên mới dắt con xe cũ tàn ra dạo dạo Sài Gòn lộng nắng. Rồi, chân lý cuối cùng cũng chói được qua tim.
Có một loại hạnh phúc.
Loại hạnh phúc đừng nghe, hãy nhìn. Nhìn sau hãy ngẫm. Ngẫm mới thấy được, hạnh phúc này hiện diện khắp nơi, trong từng giọt không khí, lấp loáng sau làn khói bụi khắc khổ của cuộc sống. Có khi nhìn bên cạnh, lại thấy. Hoặc lục lại kí ức, thấy liền.
Thứ hạnh phúc có tên, có danh. “Hạnh phúc chuẩn Việt”.
Vài dòng trên chạy qua đầu là tôi búng tay cái tách, tự gật gù mà khen mình hay. Thế là, tôi liếc sang cạnh thật. Chỉ có một hàng nào là sữa, cà phê, nước cam rồi cóc xoài ổi đến bánh ướt, bánh hỏi…kéo dài làm mất cả cảnh quan chiếm trọn lấy ánh mắt tôi. Chưa kịp lắc đầu ngao ngán, bỗng nhớ ra mình cũng đang lê lết ở một quán cà phê cóc. Thôi thì, tạm bớt văn minh một chút vậy.
Mấy cô bán hàng rong nãy giờ cứ chỉ trỏ. Tôi không biết là chỉ cái gì, trỏ cái chi nhưng tôi nghi là mấy cô mấy bác đang lăm le bọn đô thị, chỉ cần ngửi thấy một dấu hiệu nhỏ là ba chân bốn cẳng dọn dẹp chuồn ngay. Mấy cái gánh trông nặng ra trò. Cứ một ít cái này, tí tụm cái kia là đủ tăng thêm vài kí mệt nhọc. Trông kìa, cái đòn gánh cong vòng, có cái thì như thể sắp gãy tới nơi. Nhìn tôi đã nhỏ bé, nhưng mấy cô bên đấy còn nhỏ bé hơn tôi. Khi họ phải mang những gánh đồ đi khắp nơi, không biết chúng sẽ oằn xuống bao nhiêu lực lên đôi bả vai gầy còm; chẳng biết có còn phân biệt được đâu là người, đâu là hàng không; càng đau lòng khi người ta sẽ bị xiêu vẹo đến thế nào bởi độ lắc lư của hai thúng đồ trước sau. Sao, lại chọn cái nghề tốn công tốn sức trong khi thu nhập chỉ dăm ba đồng bạc lẻ này chứ? Đưa tay lên chống cằm suy nghĩ, tôi bắt đầu quan sát họ – mấy cô hàng rong bên đường.
Bình yên lạ thường.
Những khuôn mặt ấy trông thiệt khắc khổ. Ai cũng bị lấp đầy bởi rừng vết nhăn trên mặt. Da mặt không đẹp hơn là bao, tất nhiên. Mặt họ đều đen sạm đi, trên gò má đã lốm đốm tàn nhang đồi mồi. Tóc hói đi ít nhiều, bạc thêm vài chỗ dù gương mặt cùng vóc dáng trông còn khá trẻ. Tay ai cũng phe phẩy cái nón lá, cố quạt khô mấy giọt mồ hôi đang chực chảy xuống cổ. Ồ, cả da tay cũng như dính vào trong, khô rang, gân xanh gân đỏ cứ nổi hết cả lên. Vậy mà, khu bên đó chói sáng lắm. Đôi mắt cong lên, vết chân chim hằn rõ càng làm cho những tia lấp lánh tản ra nhè nhẹ. Hàm răng vàng xẩm xuất hiện liên tục bởi nụ cười luôn mở thiệt rộng mà thiệt vô tư. Môi miệng cử động liến thoắng, gương mặt vô cùng thú vị với đủ các kiểu biểu cảm trên trời dưới đất. Dòng hơi ấm rộn ràng toả ra vàng cả một góc. Tôi không biết họ được coi là thấp kém đến đâu, đồng tiền kiếm được ít tới mức nào; càng không biết mình học đại học là ghê gớm như thế nào, đang mặc đồ sạch sẽ ra sao. Chỉ biết là, cái mùi hạnh phúc giản dị đậm chất Việt kia đang làm tôi ghen tỵ đến dễ chịu.
Một làn gió nhẹ thoảng, đậu lướt lên mái tóc, thổi bay đi mấy giọt mồ hôi đang chảy đằng xa.
Nhìn họ, tôi nhớ nhà.
Bất giác cười hắt ra tiếng. Sao tự nhiên lại đi nhớ nhà. Tôi vốn dĩ là một đứa bất trị, ngỗ nghịch mà còn bướng bỉnh trong gia đình. Đã vậy còn được trời phú cho cái khả năng “dễ thích nghi với hoàn cảnh”. Thành ra, xa gia đình cái cũng chả có vấn đề gì. Mà ba mẹ tôi, lại vô cùng yêu thương đứa con út này, kết quả là tôi chẳng phải sợ điều chi.
Hồi đầu năm nhất, ba mẹ lo cho tôi nhiều. Một đứa nhóc vừa học lớp môt đây mà trong nháy mắt đã sống xa nhà. Trong mắt người lớn, chuyện này to lắm, đáng lo lắm. Hiển nhiên, ba mẹ vào luôn luôn, săn sóc lăn tăn từ chuyện đi xe máy tới chuyện ăn uống thế nào. Tính cách ba mẹ, nhất là mẹ ấy, khá là nhạy cảm, nên mỗi lần vào là tôi thể hiện bản thân cho thiệt ngoan ngoãn, đón tiếp niềm nở, vui vẻ. Thật lòng mà nói, ba mẹ vào thì mừng chứ, tự hào chứ nhưng tôi chỉ mong ba mẹ kiểm tra xong thì về quê sớm, chứ thể nào cũng càm ràm cái này, la mắng cái kia, nhắc nhở cái nọ. Thành thử chẳng thích ba mẹ vô thăm nữa, tôi chỉ oải thêm.
Chắc có phần yên tâm hơn nên sang năm hai là ba mẹ ít vào hẳn. Thỉnh thoảng ba có nhắn tin hoặc gọi vi-đi-ô để hỏi thăm, hay nói thẳng là để dặn dò, nhắc nhở tôi không được thế này thế khác. Có điều, số lần ông ba dễ thương nhớ tôi hình như giảm đi ít nhiều. Tới mức, tôi tự liên lạc với ổng trước luôn. Tới mức, số lần tôi chủ động gọi điện đã lấn át con số bị động rồi. Cũng buồn. Tôi đoán rằng xa nhau một thời gian, ông ba hẳn quên mất đứa con gái đáng yêu này, cũng chẳng thiết nói chuyện dài dòng với nó nữa. Ừ, lại buồn lại chán nên lại nhắn tin mà kêu “Ba ơi”. Thế rồi ba phải chịu đựng sự nhảm xàm kéo dài của con để cuối tin lại để dòng chữ “Chúc sức khoẻ” rất ba đó kết thúc cuộc nói chuyện. Mấy chữ tưởng vô cảm thế nhưng lúc nào cũng đọng lại cảm giác ngọt ngọt mà ấm ấm.
Nhớ luôn tận thời cấp 2, lúc mà sự bướng bỉnh cùng thói lì lợm của tôi chạm lên tới nóc. Có lần mẹ thất hứa một chuyện nhỏ xíu mà đối với tôi khi đó, nó to còn hơn trời. Thế là nhịn ăn. Chẳng có phản ứng gì. Tôi bực bội, nằm ra sàn nhà mà lăn lóc gào thét giận dỗi. Mẹ lúc đó tức liền tức, lôi ngay cái roi dài như con trăn ra doạ cho tôi im. Nhưng đã nói rồi đấy, tôi lì mà bướng vô cùng. Không những không im, tôi còn làm ầm lên, gào to hơn rồi đạp vô cửa tủ ra vẻ phẫn nộ. Ngay lập tức, có đường lằn trên chân tôi. Đây là lần đầu tôi bị đánh. Đánh rõ đau. Im bặt, tôi mở mắt nhìn mẹ. Tôi giương đôi mắt thật to lên nhìn chằm chằm vô mẹ, môi mím chặt. Mẹ không kìm được quất thêm hai roi nữa. Bỗng, khóc oà lên. Cả hai mẹ con đều khóc. Tôi khóc thét vì mấy đường roi làm chân tôi đỏ hẳn lên, đau rát. Còn mẹ, không biết nước mắt mẹ chảy vì gì nữa, có ai đánh mẹ đâu?
Chốc lát, cổ họng khô rát. Tôi khát.
Thèm quá cái cảm giác nghe mấy câu la mắng của ba mẹ. Thèm cả những lời dặn dò đầy ưu tư nữa. Thèm thêm mùi vị bữa cơm gia đình lâu rồi không được ăn, mùi vị lúc nào tôi cũng chê không hợp khẩu vị. Thèm luôn giọng nói, nụ cười thuần chất quê mà mỗi lần cả nhà sum vầy là được nghe thấy. Tôi tham lam muốn uống hết, nốc cạn lấy những âm thanh hình ảnh ấy vào người. Chợt nghĩ, khi nào tôi mới đủ can đảm để lao về mà đu lên cổ ba, ôm cứng chân mẹ rồi thổ lộ “Con yêu ba mẹ nhiều lắm”? Ai mà biết, còn bao nhiêu cơ hội để tôi nắm lấy cảm giác hạnh phúc đó?
—————————————-
Có một loại hạnh phúc.
“Hạnh phúc chuẩn Việt”.
Đinh Hoàng Anh