Hoang mang với nạn cướp giật – Bao giờ cho đến hồi kết?

Published by sieuquantri on

0 0
Read Time:7 Minute, 0 Second

Thực trạng bức bách

Có thể nói, sinh viên – học sinh là đối tượng dễ dàng bị đưa vào tầm ngắm của tội phạm cướp giật. Nguyên nhân chủ yếu vì các bạn không có nhiều kinh nghiệm tự vệ và phòng chống cướp, lại thêm phần lớn sinh viên trên địa bàn thành phố đều đến từ những tỉnh thành khác, các bạn vẫn chưa quen thuộc phố xá và chưa lường hết những thủ đoạn tinh vi mà bọn cướp sử dụng. Theo phản ánh của không ít sinh viên tại Đại học Ngoại thương Cơ sở 2 TP.HCM, những địa điểm nóng thường xuyên diễn ra cướp giật có thể kể ngay đến là các khúc đường D5, D2 và Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Là một nạn nhân của vấn nạn này, bạn H. (K50CLCD1) chia sẻ: “Sau khi bị cướp mình thấy rất hụt hẫng, vì trước giờ mình không nghĩ trước trường học đông người, thậm chí là vào gần giờ học mà bọn chúng lại có thể ngang nhiên đi qua giật đồ như vậy. Đó là chưa kể những người đó vẫn thường xuất hiện ở khu vực quanh trường để rình mò hay lại thực hiện phi vụ khác gì đó, mình nhìn thấy mà không làm gì được, cảm thấy rất bức xúc”. Cách đây không lâu H. đã bị giật cặp xách trên đoạn đường D5, bọn cướp ra tay khi bạn đang cởi cặp treo lên xe và chuẩn bị rẽ vào trường. Đáng nói hơn, theo tường thuật của H. thì thời điểm xảy ra sự việc là gần 9 giờ sáng, khi đường vẫn chưa vãn xe.

alt

Trong trường hợp khác, một cậu bạn lớp K51CLC1 lại rơi vào tình huống bị động hơn, khi đối tượng cướp giật ra tay chớp nhoáng và tinh vi trước một đoạn hẻm vắng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Bọn chúng ném mạnh một túi đen chứa 3 máy khoan bằng kim loại vào ngực cậu, khiến người bạn này bất ngờ ngã nhào và choáng váng, chưa kịp phản ứng gì thì đối tượng tiến lại giật nhanh balo có đựng laptop. Sự việc xảy ra không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà hơn thế, sức khỏe và tâm lý của người bạn này cũng chịu những cú ‘shock’ nhất định.

Chia sẻ với FTUNEWS về trường hợp của mình, bạn Nguyên Anh (K49CLC3) cho biết: Vào khoảng 3 giờ chiều trên đoạn đường giao giữa D5 và D2, khi Nguyên Anh chạy xe từ trường đến và dừng xe trước nhà bạn thì một đối tượng bất ngờ chạy xe quẹt ngang, giật ngay chiếc điện thoại Nguyên Anh đang cầm trên tay. Người bạn này lập tức tri hô, tuy có 2 thanh niên chạy xe cùng chiều đã phóng theo đá ngã đối tượng nhưng hắn vẫn nhanh chóng thoát thân, mang theo chiếc điện thoại cướp được rẽ vào đoạn đường khác.

Và ngoài những trường hợp trên – khi tài sản mất mát thường là điện thoại, balo, laptop – thì các đối tượng trộm cướp còn nhắm vào những sinh viên mang trên người các loại trang sức quý giá. Theo chia sẻ của bạn Huyền (lớp K51B), chị họ của bạn cũng là 1 nạn nhân của nạn cướp giật trên đoạn đường D5, và tài sản bị cướp là dây chuyền mà chị đeo trên người. Bất ngờ hơn là sự việc diễn ra ngay cạnh một khu chung cư có khá đông người qua lại.

Qua những trường hợp kể trên, chúng ta có thể thấy mức độ táo tợn và công khai mà tội phạm cướp giật thực hiện trong thời gian gần đây đã lên đến mức báo động. “Trộm cướp chỉ xảy ra nơi vắng người” hay “cướp giật chỉ có vào ban đêm” đã trở thành những quan niệm sai lầm khiến sinh viên mất cảnh giác trước tình trạng cướp giật cao độ tại các khu vực đông dân quanh trường. Đáng nói hơn, các đối tượng này ra tay một cách tinh vi và sẵn sàng công khai rình nấp, theo dõi quanh những địa điểm sinh viên hay lui tới. Môi trường học tập và đi lại của sinh viên cũng vì thế mà trở nên bất ổn, thiếu an toàn, gây hoang mang và lo lắng cho không ít các bạn sinh viên sống xa nhà.

Và những giải pháp phòng thân

Càng bước gần về thời điểm cuối năm và cận Tết, sự gia tăng cả về quy mô và số lượng tội phạm cướp giật là điều không thể tránh khỏi. Trước khi các lực lượng chức năng của thành phố có thể thực hiện những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn vấn nạn này, sinh viên chúng ta cũng hãy tự mình đề cao cảnh giác và lưu ý một số biện pháp sau đây để bảo vệ chính bản thân và cùng đối phó với nạn cướp hoành hành nhé !

Trước hết, tốt nhất các bạn không nên sử dụng điện thoại, máy nghe nhạc, iPad khi đang tham gia giao thông. Điện thoại đắt tiền và các vật dụng tương tự nên được để sâu trong balo hay túi xách, như thế sẽ đảm bảo an toàn và giúp bạn không bị phân tâm khi đang tham gia giao thông trong trường hợp chuông điện thoại reo. Nếu muốn nghe điện thoại, bạn hãy quan sát kỹ xung quanh, tìm nơi đậu xe an toàn, lưu ý xoay lưng về phía vách tường, hướng mặt ra ngoài để nghe máy hoặc nhấn phím gọi lại.

Bên cạnh đó, đừng quên hạn chế đeo trang sức đắt tiền và cầm bóp, ví có nhiều tiền khi đi đường. Nếu có thể, hãy cất những món trang sức có giá trị ở nhà hoặc tháo chúng ra và bỏ vào túi xách khi đi đường, bởi dây chuyền và các loại trang sức đeo trên người là mục tiêu hàng đầu của các đối tượng cướp giật. Khi ra đường cũng hãy hạn chế lấy bóp tiền ra, bạn nên cất chúng trong cốp xe hay balo và chỉ để trong túi ít tiền dành đổ xăng, mua đồ lặt vặt,…

alt

Cất túi xách trong cốp xe là một cách phòng chống cướp giật hiệu quả

Đối với balo, bạn hãy nhớ đeo cả 2 vai. Đối với cặp xách và các loại túi có dây đeo, bạn nên cẩn thận đeo chúng lên vai trước rồi khoác thêm một lần áo khoác bên ngoài. Bởi theo thống kê, tài sản mà các đối tượng cướp giật thường quan tâm đến nhất là điện thoại di động, túi xách và các loại nữ trang. Khi theo dõi, chỉ cần thấy dây đeo túi xách lộ ra thì các đối tượng này sẽ nhanh chóng đưa bạn vào tầm ngắm.

Các bạn sinh viên cũng phải lưu ý cảnh giác đối với một số đội tượng lạ mặt giả vờ hỏi đường để làm quen và tiếp cận, chúng sẽ lợi dụng sơ hở sau đó của bạn để ra tay. Để đảm bảo an toàn, nếu có người hỏi đường khi đang chạy xe, bạn nên chạy tiếp tới nơi đông người rồi hẵng dừng xe để chỉ đường. Các bạn nên hạn chế đi lại một mình vào ban đêm và hãy đề cao cảnh giác tối đa khi xuất hiện một mình ở những điểm “nóng” như trạm xe buýt, trạm xăng, hẻm vắng,…

alt


Tạm kết

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, và hầu hết các bạn trong tình huống bị cướp đều rơi vào thế bị động, khó xoay xở kịp thời để bắt được kẻ gian và lấy lại tài sản, do đó hãy luôn cảnh giác cao độ và ghi nhớ những biện pháp hữu dụng để phòng trường hợp bị cướp trên đường.

FTUNEWS hy vọng, từ nay sẽ không còn phải nghe thấy một tin tức không vui nào về sinh viên Ngoại thương của mình bị giật đồ nữa, tự bảo vệ mình bằng sự cẩn thận ngay trong những điều nhỏ nhặt nhất nhé FTUers!

Mai Thư – Ngọc Yên

* Bài đã được đăng trong ấn phẩm FTUNEWS số tháng 12/2012. Download bản online tại ĐÂY.

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *