“Grammy Việt Nam” – Đến bao giờ?

Published by sieuquantri on

0 0
Read Time:9 Minute, 4 Second

Nhạc sĩ đứt vốn 

 

 

Một thập niên qua, cứ đến tháng tư – mà chả riêng gì tháng tư, cả làng âm nhạc chẳng ai hẹn ai vẫn ùn ùn kéo nhau về với Trịnh. Các phòng trà – vốn là những nơi thiên về hoài niệm, sống bằng cách ăn bám kí ức âu cũng dễ hiểu khi thi nhau tổ chức những đêm nhạc Trịnh nhưng giới làm show, cũng chẳng tạo ra được điều gì thú vị hơn. Một tập đoàn truyền thông mang cơn bão Trịnh Công Sơn trút xuống ba thành phố lớn trong khi trước đó, họ đã có công “sáng tạo” trong việc pha trộn tý Trịnh, tý Anh Tú, tý Ngọc Tân, tý Y Moan… vào một đêm nhạc bolero. Bolero còn được gọi nôm na là nhạc sến, khi đến tay họ, dòng nhạc ấy hóa thân thành “tinh hoa của dân tộc” – theo lời của đại diện tập đoàn này.

Cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn

Năm qua là năm không có nhiều chương trình. Các chương trình nổi bật, để lại dấu ấn càng hiếm hơn. Trừ Việt Nam Idol còn mang lại chút cảm giác tươi mới cho công chúng, hầu hết các chương trình còn lại đều là những thước phim đã xước.

Live show “Ngọn lửa cao nguyên” của Y Moan là một live show thiên về kỷ niệm, mang tính nhắc nhớ. Đó như lần Y Moan nói lời chia tay với khán giả của mình, trước khi về với đại ngàn. “Điều còn mãi” là một trong những chương trình đáng nhớ trong năm qua nhưng xét cho cùng, nó vẫn là một chuỗi tập hợp những ca khúc cũ về Hà Nội nhưng được dàn dựng cho hoành tráng hơn. “Yêu” của Thanh Lam và Tùng Dương cũng diễn ra với tinh thần gần như thế.

Chục năm trước, chúng ta có Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Thanh Tùng, Phú Quang, Bảo Chấn… thì chục năm sau vẫn gần như thế. Xoay đi xoay lại, vẫn ngần ấy con người, họ đã già đi trông thấy nhưng vẫn là những nhân vật then chốt trong cái chiếu nhạc Việt hiện nay. Trong số họ, phần lớn đã lùi về, dăm người ở lại cũng chỉ có thể đào bới lại những tàn dư năm cũ.

Trong một hiện thực ảm đạm như thế, có lẽ không ít người kỳ vọng vào thế hệ sáng tác tiếp theo mà cái lò đáng để nhắc đến chính là Bài Hát Việt – một sân chơi tiêu biểu nhất cho giới sáng tác hiện nay. Nhưng xem ra, kỳ vọng ấy cũng quá đỗi mong manh bởi tài năng của những nhạc sĩ – tạm cho là trẻ nhưng kỳ thực cũng chẳng còn trẻ cho lắm, bước ra từ cái lò này cũng chỉ mới dừng lại ở dạng tiềm năng, là những miếng quặng ngầm khó đoán. Người ta có thể thích nghe dăm ba sáng tác của Lê Minh Sơn, Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Thanh Tâm, Võ Thiện Thanh…

Và những nhạc sĩ này có thể tạo ra một vài nhánh rẽ hay vẽ được thêm dăm ba đường nét cho bức tranh âm nhạc tổng thể như cái cách mà Lê Minh Sơn đã làm là anh có những nét chấm phá thú vị cho dòng nhạc dân gian đương đại, nhưng nếu bảo lực lượng này có thể làm phục hưng nhạc Việt như thế hệ đi trước đã làm được thì không ổn. Ấy là chưa kể Bài Hát Việt trong vài năm trở lại đây đang mỗi ngày một rệu rã dần đi.

Minh chứng từ live show tháng, Bài Hát Việt suy yếu chuyển sang quý. Ai đó bảo đại khái cái sự giãn ra là để có thêm thời gian để “đãi”, “đãi” kỹ hơn nhằm tìm ra được những bài hát “chất” hơn thực ra chỉ là một lối nói cho sang. Chất hơn thế nào khi các “bài hát của năm” trong hai năm vừa qua (“Chênh vênh” của Lê Cát Trọng Lý, “Việt Nam” của Mai Khôi) chỉ dừng lại ở mức giai điệu thuận tai, dễ nghe được kẹp với chuỗi ca từ đèm đẹp.

Lê Cát Trọng Lý gây ấn tượng với “Chênh vênh”

Sự nổi lên thành hiện tượng của Lê Cát Trọng Lý có phần đóng góp đáng kể chỉ bởi ở sự giản dị, mộc mạc của cô. Khi đứng giữa một thị trường âm nhạc lắm trò màu mè và đầy rẫy chuyện lố thì sự chân chất, hồn nhiên của cô tạo ra xung đột trong thói quen nghe nhìn của công chúng để thành ra một thứ của hiếm. Mai Khôi cũng không hơn.

Và những khoản nợ khổng lồ 

Giới sáng tác đã thế thì càng khó hy vọng hơn ở nơi trình diễn hay nói trắng ra, họ đứt vốn để làm mới, để cập nhật mình với thời đại. Như Hồng Nhung vẫn thế, cô vẫn nhớ Trịnh theo cái kiểu mà cô đã nhớ suốt chục năm qua. Cứ vào đầu tháng tư, sớm muộn gì người ta cũng thấy cô vừa hát vừa múa vừa ngậm ngùi kể dăm ba kỷ niệm nào đó về Trịnh trên sân khấu. Lại có những lần, như nhớ một mình cũng nhạt, cô kéo Quang Dũng vào để cả hai cũng nhớ cho “xôm”. Trong khi đó, một dự án mới mà cô mấp mé làm cùng Quốc Trung, đến nay vẫn chưa ra được.

Thanh Lam – người được mệnh danh là nữ hoàng nhạc nhẹ, người vốn được xem là người chịu thể nghiệm, dám phá cách, vượt rào để kiếm tìm cái mới sau một chuỗi bùng nổ với Lê Minh Sơn nhưng chẳng đi đến đâu đành phải rơi vào thế hoang mang. Cô hoang mang không chỉ bởi phải đứng trước một hiện thực đen tối của thị trường nhạc Việt giờ đây chẳng còn là mảnh đất màu mỡ đủ để bao dung cho những giá trị sáng tạo mà còn bởi nếu muốn làm ra cái mới, cô cũng chẳng biết nơi nào để tìm đến.  Người ta gọi Thanh Lam là “người đàn bà hát”  nên có lẽ muốn tạo ra sự đột biến trong sự nghiệp, Thanh Lam có lẽ cần có một người đàn ông giàu nội lực đi cùng. Hẳn nhiên, người đàn ông ấy phải “đỉnh” để tiết chế được cái hừng hực trong cô. Phải cái, có lẽ hiện Thanh Lam chẳng còn ai, cô đành mượn Đàm Vĩnh Hưng thay vai người đàn ông cho mình. Phàm, những gì “vay mượn” thường bấp bênh, cong vẹo, nó mong manh bởi những giá trị không thuộc về cô.

Còn với Mỹ Linh, sau khi lấy Anh Quân, cô đằm tính hẳn. Cần phải thừa nhận, Anh Quân là người đàn ông có “từ trường” mạnh. Bởi nếu không làm sao anh có thể “thuần hóa” được một Mỹ Linh đang lừng lững trong giai đoạn đỉnh cao để trở thành một người đàn bà của gia đình đúng nghĩa. Giờ người ta hiếm khi thấy Mỹ Linh nói về nghề, thường hơn là cô kể về việc làm cỏ, tưới cây và là người mẹ tâm lý của các con.  Cũng cần phải nhắc đến một số giọng hát đã chảy ra khỏi Việt Nam, những Trần Thu Hà, Thu Phương, Ngọc Anh…Ngoài Trần Thu Hà, dù khó đoán hơn khi còn ở trong nước nhưng cô vẫn đủ sức để nuôi niềm tin nơi công chúng về những dự án đột phá. Thu Phương tự tay bóp nát sự kiêu hãnh của mình ở lần người ta nghe cô hát “Kiếp đỏ đen” (Duy Mạnh), còn Ngọc Anh đang tự vo tròn mình để phù hợp với thị hiếu của khán giả hải ngoại. Nhiều người bảo cô đang rất “hot” từ cái “hit” Giết người trong mộng – thực ra “hit” này “xưa hơn Diễm” – thế nên không ít người thầm tiếc cho một giọng hát bỏng khát từng đắm mình trong không gian âm nhạc bàng bạc của Phú Quang.

Thế hệ hậu diva có thể nhắc đến họa mi Khánh Linh nhưng sau khi hôn nhân của cô trở thành dấu phẩy hay dấu chấm nào đó, người ta thấy Khánh Linh cầm máy ảnh đi lang thang còn khi nào cô trở về với âm nhạc thì lại là một dấu hỏi. Được phát hiện cách đây ít năm bởi nhạc sĩ Dương Thụ, giọng hát của xứ sở sương mù Nguyên Thảo rõ là đủ năng lực gây mê bên cạnh một khẩu hình quyến rũ nhưng rồi mọi việc cũng chỉ mới tạm dừng ở đó. Sau album “Suối và cỏ” khá dễ chịu, cô chưa đưa ra được một cách dứt khoát một đường hướng âm nhạc rõ ràng, sắc nét hơn mà lấp lửng trong cái sang trọng chung chung.

Nói như vậy, không có nghĩa nhạc Việt đã hết hy vọng bởi vẫn còn đó một vài tia hy vọng mà cụ thể ở đây là Tùng Dương và Uyên Linh. Tùng Dương là người luôn nỗ lực sáng tạo trên một cái gu âm nhạc riêng biệt mà đêm nhạc gây dấu ấn “Dương – Lý” (Tùng Dương – Lê Cát Trọng Lý) vừa qua là minh chứng mới nhất. Còn Uyên Linh là một nhân tố mới mẻ, một cá tính âm nhạc hiện đại, văn minh và có chiều sâu. Dưới sự dẫn dắt của Quốc Trung, không ít người tin tưởng Uyên Linh sẽ làm nên chuyện, nhất là khi cô còn quá trẻ. Trước mặt cô còn cả một bầu trời.

Uyên Linh – ‘làn gió mới’ đầy nội lực của nhạc Việt

Song, dăm ba tia hy vọng đó không thể bù đắp được cho “khoản nợ” khổng lồ mà giới làm nghề đã và đang vay của công chúng. Nhớ Trịnh, tiếc Y Moan hẳn là một nhu cầu chính đáng bởi những giá trị âm nhạc của họ sẽ còn sống rất lâu trong lòng nhiều người nhưng sẽ rất buồn cười  khi một làng âm nhạc chỉ còn biết mong nhớ, tiếc thương mà hiểu theo một nghĩa nào đó là chúng ta đang kiệt cùng cái mới.  Một hai chương trình được công chúng chờ đợi vừa qua là các live show của hai nhạc sĩ Phú Quang và Thanh Tùng nhưng rốt cuộc, cả hai nhạc sĩ già này đều vắng mặt trong live show của mình vì lý do sức khỏe. Với một thực tế quá thiếu sự lãng mạn như thế thì nếu muốn đến với “Grammy”, người ta chỉ còn một cách, nhắm mắt và thở sâu…

Theo Cao Hải Hà (Đẹp)

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *