Haruki Murakami là tác giả của nhiều tiểu thuyết thuộc hàng bán chạy nhất thế giới, đồng thời nhận được sự đánh giá cao của giới phê bình hàn lâm. Tác phẩm “1Q84” ra mắt tại Nhật năm 2009, ngay lập tức lọt vào “căn nhà 1 triệu bản in” – giấc mơ của mọi cây viết trên thế giới. Murakami tiết lộ, ông viết cuốn tiểu thuyết trong vòng hai năm, bắt đầu từ cuối năm 2006, khi đang đi nghỉ tại Hawaii. Cuốn tiểu thuyết mới được định hướng đi sâu vào thế giới tâm lý và tình cảm của người phụ nữ, vì vậy, tình dục và bạo lực chiếm dung lượng nhiều hơn so với bất cứ cuốn sách nào của ông trước đây.
Cuốn tiểu thuyết gồm 3 tập, dày tổng cộng gần 1500 trang này hứa hẹn sẽ làm bùng nổ cơn sốt Muramaki không kém “Rừng Na Uy” hay “Biên niên ký Chim vặn dây cót” – những “bom tấn” trước của ông.
Cuốn tiểu thuyết nói về nhân vật chính Aomame, đang sống ở năm 1984. Bản Sinfonietta của Leoš Janáček phát ra từ đài FM trong chiếc taxi trên đường cao tốc thủ đô khiến nàng bắt đầu nhận thấy có gì đó bất thường trong thế giới thực tại. Nàng phát hiện ra sự tồn tại của một thế giới không phải thế giới này bên cạnh thế giới này. Với rất nhiều câu hỏi chưa lời giải cho những bất thường đang diễn ra xung quanh , nàng đặt tên cho năm mình đang sống là 1Q84, “Q” là chữ cái đầu của từ “Question”.
Tengo cũng sống ở năm 1984. Anh dạy toán tại một trường dự bị. Ôm mộng văn chương, có thừa tài năng nhưng mặc cảm quá khứ về người mẹ như một tảng đá khổng lồ đang chặn đứng dòng năng lượng trong anh khiến anh vẫn mãi chỉ là một kẻ bồi bút vô danh. Tuy nhiên một kế hoạch đầy mạo hiểm của Komatsu, biên tập viên lão luyện của tạp chí văn nghệ, đã đẩy anh vào một rắc rối ghê gớm. Chính rắc rối ấy sẽ đưa Tengo gặp lại người bạn gái thời tiểu học vẫn luôn ám ảnh anh.
Với đầy đủ hiện thực lẫn huyền ảo, Murakami đưa ta lạc vào một thế giới chuyện kể quá đỗi hấp dẫn trong “1Q84”. Cuốn tiểu thuyết gồm các chương xen kẽ về Aomame và Tengo. Khi đọc xong về Aomame, bạn chắc chắn sẽ muốn tiếp tục với Tengo và ngược lại. Một tác phẩm xứng đáng với ba năm chờ đợi của những độc giả yêu mến Murakami.
Murakami từng nói: Tôi không nghĩ mình là nhà văn hậu hiện đại, mặc dù nếu bạn gọi tôi bằng cái tên đó thì tôi không phản đối. Nói thật, người ta gọi tôi là gì tôi cũng chẳng quan tâm. Theo ý tôi, tôi chỉ là người kể chuyện. Một người kể chuyện khá cừ, chắc vậy. Tôi cho rằng trên thế giới có hai loại tiểu thuyết gia: tiểu thuyết gia đầy cảm hứng và tiểu thuyết gia thường. Bạn cũng đoán được rồi đó, tôi muốn mình là loại thứ nhất. “1Q84”, tác phẩm trộn lẫn hiện thực và kỳ ảo với một tỷ lệ chính xác đến kinh ngạc, thêm một lần nữa chứng minh tài năng kể chuyện của ông.
Theo hanoimoi