Sài Gòn “hoa lệ” – Hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo
Với dự định sẽ ghi lại những hình ảnh thật sâu sắc trước khi những khu nhà ổ chuột bị xóa sổ khỏi thành phố, 19day đã có một ngày dài lăn lết tại các "vùng sâu vùng xa". Nhưng trải nghiệm của ngày hôm đó đã thay đổi toàn bộ "kịch bản" bài viết của chúng tôi. Ngay cả những bài viết trên báo chính thống cũng trở nên vô nghĩa. Và 19day từ nay sẽ gọi những khu nhà ổ chuột tại Sài Gòn là "khu nhà nghèo rực rỡ"
Dù nghèo, nhưng vẫn phải rực rỡ
Dạo này, người ta thay vì nói Sài Gòn hoa lệ như mọi khi, họ dùng một câu dài hơn và tự cho là thực tế hơn, sâu sắc hơn: Sài Gòn hoa lệ, hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo. Dù hầu hết chúng ta không nghèo đủ để rơi lệ vì hoa của người giàu, nhưng vẫn mặc nhiên cho rằng ai đó nghèo hơn sẽ khóc trong thành phố. Thực ra thì, ai khóc?
Một người bố đang dỗ dành cô con gái nhỏ
Cuộc sống khá nhân từ với hết thảy mọi người. Bằng chứng là không ai thực sự nghĩ rằng mình xấu (nếu có nói, họ cũng chỉ đang khiêm tốn thôi). Điều đó cũng giống như cái khổ, nó chỉ xuất hiện trong những câu than vãn hằng ngày, chứ con người thì vốn ít khi nhận thức trọn vẹn về cái khổ của bản thân. Có lẽ vì thế mà trong những nơi số đông cho là khổ cực, người ta vẫn sống rất bình thản và… rực rỡ.
Nhà không tươm tất vẫn rất tình
Một ô cửa sổ rèm đỏ rực rỡ
Giữa các luồng thông tin nhiều chiều của các trang báo chính thống, các khu ổ chuột hiện lên như một "tội ác" của xã hội, nơi mà con người không được đối xử công bằng, không được chăm sóc về sức khỏe và quan tâm về trình độ học vấn.
Một góc của "giếng trời" trong chung cư 727 nổi tiếng
Quận 1 nhìn từ "khu ổ chuột quận 8"
Nhưng thực tế, tôi đã bị hụt hẫng cực độ khi đến với những con người ở đây. Họ an lành và rất hay cười nói.
Ông và cháu trong trò đánh trận giả
Tôi có nói chuyện nhiều với cô Tám Nguyên, một người đã hơn 40 năm sống tại khu ổ chuột quận 8. Hai tai nạn kinh hoàng cách đây mấy năm đã cướp đi 3 thành viên gia đình cô. 3 mạng người trong cùng một năm. Nỗi đau chưa nguôi, căn nhà do chính tay cô gầy dựng và chăm sóc ở bờ kè quận 8 lại cháy trụi sau một đêm gió lớn. Tôi đã cảm thấy mình thật vô duyên khi xuất hiện ở đây, tôi quá khác biệt và cơ hồ chưa bao giờ hiểu được những mất mát. Nhưng cô vẫn nói cười, như thể cuộc sống hiện tại vẫn rất tốt và mọi thứ cũng chỉ là ngày đã qua. Cô vui vẻ khoe về mấy bà bạn cứ trưa đến là qua nhà cô nhờ pha cà phê. Về những đứa cháu học cao, mỗi lần nhà cô hết gạo lại bỏ dở giờ làm mua mang qua.
Họ sống cho hiện tại, cho mỗi ngày trôi qua
Tôi hỏi về những dự định sắp tới, khi thành phố bắt giải tỏa khu vực này. Cô Tám hờ hững như chuyện của ai, nói rằng vì nhà ở hiện tại cũng là nhà thuê, nên cả khi giải tỏa, cô cũng sẽ không có khoảng bồi thường nào. Nhưng vì đã ở đây lâu, chính quyền ai cũng biết nên cô đang nhờ họ hỗ trợ cho chỗ ở mới. Bao giờ mọi người đi thì mình cũng đi. Và đó là một ngày chưa tới.
Ai cũng có niềm vui của riêng mình
Nỗi cô đơn cũng rất thơ
Tôi gặp thêm vài gia đình nữa, hầu hết đều là dân nhập cư. Sống ở khu này vì giá rẻ. Nếu là gia đình lớn, thường thì hơn 10 người chia nhau một căn nhà có tường, có mái. Còn nếu chỉ có một thân một mình, vào thành phố kiếm việc mưu sinh, họ thường thuê một phòng nhỏ trong những căn nhà lớn hơn. Đôi khi xập xệ nhưng vẫn có chỗ nằm, trú mưa và có người chào hỏi khi đi sớm về khuya. Thấy anh bạn tôi chụp ảnh, họ hơi ngại, nhưng rồi cũng cười. Khi chúng tôi có ý muốn ghi lại hình ảnh bên trong của căn nhà, họ hào hứng dắt đi khắp nơi và chỉ cho những thứ hay ho trong các góc khuất.
Khu nhà trọ của những người xa xứ
"Căn cứ bí mật" của những xe hột vịt lộn trứ danh
Nếu không đến tận nơi, chắc tôi sẽ chẳng bao giờ biết rằng, ở những nơi thiếu điều kiện như thế, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường. Bình thường đến mức chẳng có gì để kể. Hoặc nếu có, cũng chỉ là những ngày nước lên vào tháng 9 tháng 10. Những sinh vật lạ không mời mà tới. Nhưng ở đây mấy chục năm, họ đã quá hiểu để đối phó với chúng. Một bác trong khu, khi tôi hỏi chuyện này đã cười lớn: "Đến Nhật Bản còn phải tự tìm cách chống lại động đất mà con! Nhà mình thì phải giữ, nước đâu có là gì." Thật hay, rõ ràng đâu có nhiều khác biệt giữa chúng ta và họ hay giữa quận 8 và Nhật Bản?
Nhà mình, thì dù có ở đâu, cũng phải giữ gìn
Thiếu thốn cỡ nào cũng đâu thể thiếu những ngày đặc biệt cho con gái yêu
Ở một số nơi khác, như một chung cư rệu rã đang được báo động di-dời-khẩn-cấp-suốt-10-năm-qua, cuộc sống trong lúc chờ lệnh di dời vẫn diễn ra không có nhiều biến động. Những gia đình có điều kiện thì di dời trước, ai chưa được hỗ trợ thì đi sau. Người ta vẫn đi làm hằng ngày, về nhà vào chiều tối và lo cho gia đình như xưa giờ vẫn thế. Những hoạt động "mua vui" trong chung cư vẫn hoạt động đều đều. Những đứa trẻ vẫn lớn lên trong tuổi thơ trọn vẹn, chỉ cần có ba và mẹ, còn lại, nó xem chung cư như điều gì đó rất đáng để khám phá.
Tôi nhận ra thế này, những người dân của các khu ổ chuột – theo cách gọi của truyền thông nói chung – chẳng có gì để người ta "thương hại" cả. Có thể vật chất eo hẹp khiến họ có mức sống thấp hơn mặt bằng chung, nhưng hạnh phúc thì lại là một sự lựa chọn. Người ta vẫn đi làm, tiết kiệm và hoàn toàn vui vẻ với mức sống của mình. Nếu có khó khăn, đó là cảm giác chung. Cả những người ở nhà cao tầng vẫn luôn thiếu hụt như thế.
Ai cũng tìm cho mình một công việc để mưu sinh và để trở nên bận rộn
Còn nhớ, trong nhiều tác phẩm văn học bình dân, tác giả thường nói rằng, những ai sống trong cái khổ mà không thấy mình khổ thì không thể coi là khổ. Tôi hoàn toàn tin vào điều đó. Có thể là do học vấn hạn hẹp, cũng có thể là do cuộc sống quá bận rộn, hầu hết người ta không nghĩ mình khổ. Chỉ nghèo nhưng không khổ.
Nghèo đâu có nghĩa là khổ
Vậy ngay cả khi chính những người kia vẫn rất vui vẻ với cuộc sống của mình, thì chúng ta thương hại điều gì? Có ai khóc giữa Sài Gòn đâu?!
Hà Lam
Photo by Chuột Con Đi Lạc