Café thư
Thời đại nào, ký ức nấy (Đỗ Trung Quân)
Khi đặt những tấm bưu thiếp đường phố Sài Gòn 50 năm trước, hỏi chàng thanh niên 22 tuổi con mình: “Hãy nói nhanh, con ghi nhận điều gì?”. Câu trả lời là chiếc xe Velo Solex và cô gái (hẳn nếu còn sống đã thành bà cụ) với chiếc áo dài khác xa áo dài hôm nay, “Xe gì lạ thế, áo dài ngộ nhỉ!”.
Và đường phố, nhà cửa, vỉa hè và những vòm me, chẳng giống Sài Gòn bây giờ tí nào! Đấy là nhận định tiếp theo của chàng trẻ tuổi thế hệ ta thường gọi là 8X. Tất nhiên! Đã hơn nửa thế kỷ rồi còn gì, một người đang nhìn lại cảnh quan Sài Gòn bằng ký ức, nghĩa là nhìn lại sau lưng, một người đang quan sát Sài Gòn bằng cái nhìn đương đại, thời đang lớn lên của mình.
Tôi có thói quen, cái thú riêng của mình nhìn ngắm những cái gì đã cũ, đã cổ. Phố cổ, nhà cổ, quán xá của một thời đã qua luôn mang theo cảm giác bồi hồi. Tôi vẫn thích những vỉa hè đá lát của Sài Gòn. Những viên đá xanh vuông vắn đặt cạnh nhau, chừa một rãnh rất nhỏ đủ cho ngọn cỏ hay một nhành hoa dại bất ngờ mọc lên. Hay những vỉa hè ximăng mà thời gian đã phủ lên ấy những mảng rêu xanh ẩm ướt vào mùa mưa, nâu khô vào mùa nắng. Có gì đâu, đấy chính là những hè phố thuở bé mẹ đã dắt tay đi, hay là vỉa hè của những buổi trốn học lê la phố này phố khác, tìm ném những chùm me chua tít tận trên cao… Những vỉa hè Sài Gòn ấy, ký ức của một đời người. Còn nữa, đấy là những biệt thự kiểu Pháp yên tĩnh ẩn mình trên con đường vắng, sau cánh cổng im lìm dưới tàng lá đầy hoa tím của một cây khế cổ thụ tỏa bóng trước sân. Xem lại một hình ảnh cũ nghĩa là ta đang để ký ức dẫn ta đi, ký ức đôi khi trêu chọc ta rằng: “Cái anh yêu, cái anh thích nay không còn nữa đâu…”. Thế rồi ta thở dài, ta hậm hực, có khi ta… nổi cáu, nhưng thời gian có bao giờ ngơi nghỉ, ruộng lúa còn trở thành nương dâu, huống chi đời người đi qua, đời phố cũng đi qua…
Xem lại một hình ảnh cũ nghĩa là ta đang để ký ức dẫn ta đi…