Họ đã chứng minh được quan điểm cho rằng, con đường thành công không nhất thiết phải đi qua cổng trường đại học. Dẫu vậy, nếu dùng câu chuyện của họ để dạy dỗ con cái, có lẽ chúng ta chỉ có thể coi những doanh nhân này là “tấm gương” về kinh doanh mà thôi.
Dưới đây là 10 gương mặt giám đốc điều hành (CEO) tiêu biểu:
1. Alfred Taubman
Chức danh: Nhà sáng lập Taubman Centers
Giá trị vốn hóa thị trường: 3,3 tỷ USD
Alfred Taubman là người sáng lập và cựu CEO của Taubman Centers. Ông bắt đầu sự nghiệp trong ngành bán lẻ tại cửa hàng Sims khi mới 11 tuổi và làm ở đó cho tới hết những năm trung học. Sau khi tốt nghiệp, ông thi đậu vào trường Đại học Michigan ở Ann Arbor.
Ông học ở đây chưa tới một năm thì bị gọi nhập ngũ trong chiến tranh thế giới thứ hai. Sau khi kết thúc nhiệm vụ trong quân đội, ông trở lại Đại học Michigan để theo khóa học nghệ thuật và kiến trúc. Tuy nhiên, không lâu sau đó, ông đã cầu hôn một cô bạn học, rồi chuyển sang lớp học vào buổi tối.
Thay vì hoàn thành khóa học và nhận bằng tốt nghiệp, Taubman nhận thấy cơ hội kinh doanh trong ngành bất động sản. Trong cuốn sách của ông mang tên “Threshold Resistance”, Taubman cho biết, ông nhận thấy tầng lớp trung lưu đã tăng trưởng nhanh chóng sau chiến tranh.
Do vậy, Taubman đã quyết định đổ tiền vào lĩnh vực này với việc sáng lập công ty bất động sản Taubman Centers. Trong suốt 50 năm, Taubman không ngừng mở rộng kinh doanh và đưa công ty lên sàn vào năm 1992. Hiện CEO của công ty là Robert Taubman, con trai cả của ông. Và tất nhiên, Robert Taubman đã tốt nghiệp đại học.
2. Richard Schultz
Chức danh: Nhà sáng lập kiêm cựu CEO của Best Buy
Giá trị vốn hóa thị trường: 10,1 tỷ USD
Richard Schultz là nhà sáng lập kiêm cựu CEO của Best Buy. Cũng như Taubman, Schultz bắt đầu làm việc từ năm 11 tuổi với nghề bán báo dạo. Ông đã trải qua vô số nghề trong suốt thời gian học trung học. Ông dự định thi vào trường Đại học St. Thomas, nhưng giấc mơ của ông đã tan thành mây khói vì phải tham gia phục vụ quân ngũ.
Sau khi giải ngũ, Schultz cùng với bố ông hành nghề bán các linh kiện điện tử. Vài năm sau đó, ông thành lập công ty riêng, The Sound of Music, chuyên bán các linh kiện âm thanh, băng đĩa hát và nhạc cụ.
Vào những năm 1980, Schultz nhận thấy rằng một doanh nghiệp nhỏ sẽ không thể sống sót trong một ngành kinh doanh phát triển rộng lớn. Bởi vậy, ông đã đổi tên công ty thành Best Buy và mở rộng dòng sản phẩm. Schultz cho rằng, khách hàng sẽ kéo tới cửa hàng của ông nếu họ có thể nhìn thấy những hàng hóa họ muốn mua ngay trên các kệ hàng, thay vì để chúng ở trong kho. Điều này đã mang tới một trải nghiệm mới cho người tiêu dùng.
Mặc dù hiện tại Schultz đã từ bỏ các công việc của một vị CEO, nhưng ông vẫn đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị của Best Buy. Dù ông không thể học ở trường Đại học St. Thomas nhưng Schultz đã nhận được bằng tiến sỹ luật danh dự của trường này.
3. Ralph Lauren
Chức danh: CEO của Polo Ralph Lauren
Giá trị vốn hóa thị trường: 11,9 tỷ USD
Ralph Lauren là CEO của hãng Polo Ralph Lauren, một trong những công ty thời trang thành công nhất trên thế giới hiện nay. Ông đã thành lập doanh nghiệp này vào năm 1967 với dòng sản phẩm cà vạt cho nam giới và sau đó phát triển công ty thành một đế chế thời trang toàn cầu.
Phong cách cổ điển độc đáo tương phản với kiểu thời trang thông thường vào thập niên 1960, đã mang lại sự thành công cho những thiết kế trang phục của Lauren.
Theo trang web của Lauren, ông chưa bao giờ học một trường đào tạo nào về thời trang. “Tôi chỉ là một chàng trai trẻ có một vài kiểu mẫu. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng Polo sẽ lớn mạnh như ngày nay. Tôi chỉ đi theo bản năng của chính mình”, ông viết.
Và chỉ với tấm bằng trung học trên tay, Lauren đã đi theo tiếng gọi của bản năng. Quyết định từ bỏ việc học đại học và tập trung điều hành công ty đã mang lại hàng loạt đột phá mới trong thế giới thời trang. Ông tiếp tục xây dựng đế chế của mình, mở rộng phạm vi kinh doanh sang cả thời trang cho phụ nữ và trẻ em, hương liệu và trang thiết bị nội thất.
4. Richard Branson
Chức danh: CEO tập đoàn Virgin
Giá trị của công ty: 18 tỷ USD
Giá trị vốn hóa thị trường của hãng truyền thông Virgin: 8,1 tỷ USD
Branson chưa từng tốt nghiệp trung học, chứ đừng nói gì tới đại học. Vị CEO của tập đoàn Virgin này đã bỏ học từ lúc 16 tuổi để bắt đầu kinh doanh cuốn tạp chí Sinh viên. 4 năm sau đó, Branson sáng lập tập đoàn Virgin, công ty bán lẻ đặt hàng qua thư.
Ông mở cửa hàng băng đĩa đầu tiên của mình tại London và 2 năm xây đó mở phòng thu âm đầu tiên của Virgin. Năm 1977, Branson đã ký hợp đồng với nhóm nhạc lớn thời đó, ban Sex Pistols, sau đó là với các nhóm nhạc, nghệ sỹ nổi tiếng như Rolling Stones và Culture Club.
Năm 1984, Branson phát triển Virgin Atlantic và hoạt động kinh doanh của hãng ngày càng mạnh hơn. Hiện tập đoàn Virgin cung cấp các dịch vụ di động, băng thông rộng, truyền hình, đài phát thanh, tài chính, y tế, du lịch, giải trí và đi lại.
5. Micky Arison
Chức danh: CEO của Carnival
Giá trị vốn hóa thị trường: 19,6 tỷ USD
Thay vì dành thời gian bốn năm để học đại học, vị CEO này lại nỗ lực làm việc để xây dựng nên một Carnival lớn mạnh. Micky Arison, CEO của Carnival, bắt đầu làm việc tại bộ phận bán hàng và được thăng chức lên làm phụ trách việc đặt chỗ vào năm 1974. Sau đó ông được bổ nhiệm vào chúc Phó chủ tịch phụ trách vận tải hành khách và chỉ ba năm sau đó trở thành Chủ tịch công ty này.
Arison đã giúp Carnival trong việc thu mua Holland America Line, Windstar Cruises và Westours, đưa Carnival trở thành một trong những công ty du lịch tàu biển hàng đầu. Năm 1987, Arison được bổ nhiệm vào chức chủ tịch ban điều hành và trong năm 2003, ông nắm chiếc ghế CEO – vị trí cao nhất của công ty.
Câu chuyện thành công của Arison đã chứng tỏ, mọi thứ đều có thể thực hiện được, bao gồm cả việc từ một nhân viên bình thường trở thành một CEO mà không cần tới bằng đại học.
6. Michael Dell
Chức danh: Người sáng lập kiêm CEO của Dell
Giá trị vốn hóa thị trường: 30 tỷ USD
Hầu hết các chàng trai trẻ ở tuổi 19 sẽ dành 1.000 USD để đi nghỉ trong dịp lễ tết, hoặc dùng số tiền đó để mua một chiếc xe hơi mới, nhưng Michael Dell lại dành 1.000 USD để thành lập Dell. Ông đã mở rộng công ty với phương châm rằng “công nghệ có thể giúp phát triển tiềm năng con người”.
Năm 1992, ông trở thành CEO trẻ nhất lọt vào danh sách Fortune 500 của tạp chí Fortune. Nhân viên của Dell cũng tăng trưởng từ 1 người lúc đầu lên 100.000 người sau 8 năm.
Hiện nay công ty cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin cho các tập đoàn toàn cầu, các chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ y tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở giáo dục và người sử dụng máy tính tại nhà.
Tuy nhiên, Dell không phải là công ty duy nhất do vị CEO này sáng lập. Năm 1998, ông đã sáng lập công ty MSD Capital và 1 năm sau đó là Michael & Susan Dell Foundation, một tổ chức từ thiện cho các vấn đề toàn cầu.
7. Mark Zuckerberg
Chức danh: Người sáng lập kiêm CEO của Facebook
Giá trị công ty: 100 tỷ USD (ước tính gần đây)
Không thể không nhắc tới CEO mạng xã hội lớn nhất toàn cầu. Mark Zuckerberg là nhà sáng lập và CEO của Facebook. Anh đã tỏ ra say mê máy tính ngay từ khi còn nhỏ. Khi còn bé, anh đã tự tạo ra các công cụ liên lạc và trò chơi trong phòng ngủ. Khi lên trung học, Zuckerberg đã viết một chương trình chơi nhạc MP3 và sớm nhận được đề nghị mua lại từ AOL và Microsoft, nhưng anh đã từ chối.
Sau khi được nhận vào trường Đại học Harvard, Zuckerberg đã xây dựng một chương trình mang tên Facemash, đăng tải ảnh của các sinh viên trong trường và cho phép bạn bè của họ được bình chọn xem ai là người hấp dẫn nhất.
Tin đồn về tài năng của chàng trai này nhanh chóng lan rộng và hai sinh viên khác là Cameron và Tyler Winklevoss đã mời anh hợp tác thực hiện ý tưởng xây dựng mạng xã hội mang tên Kết nối Harvard. Không lâu sau, Zuckerberg từ bỏ dự án và bắt đầu thực hiện một mạng xã hội khác.
Ban đầu anh đặt tên nó là TheFacebook.com. Zuckerberg đã bỏ ngang trường đại học trước khi tốt nghiệp, để tập trung vào mạng xã hội này. Facebook hiện có giá trị khoảng 100 tỷ USD nếu anh đưa nó lên sàn.
8. Paul Allen
Chức danh: Đồng sáng lập Microsoft
Giá trị vốn hóa thị trường: 226,2 tỷ USD
Paul Allen là người đồng sáng lập tập đoàn phần mềm Microsoft cùng với Bill Gates, là một vị CEO khác chưa có tấm bằng đại học. Trong cuốn hồi ký mang tên “Người đàn ông lý tưởng”, Allen cho biết khi nhìn thấy chiếc máy tính Altair 8800 trên bìa cuốn tạp chí điện tử Popular, ông đã thấy mình được truyền cảm hứng để viết một bộ ngôn ngữ mã hóa.
Allen quen biết Gates và hai ông đều có kỹ năng mã hóa ngôn ngữ lập trình cho máy tính Altair. Sau khi thuyết phục được người bạn cùng cộng tác, hai ông đã cùng nhau mở ra một kỷ nguyên công nghệ mới.
Hiện nay Allen có danh mục đầu tư trị giá hàng tỷ USD, bao gồm các công ty đa truyền thông và công nghệ, cũng như một dự án tái phát triển bất động sản ở Seattle. Ông cũng làm chủ đội bóng đá Seattle Seahawks, đội bóng rổ Portland Trail Blazers và là thành viên của nhóm sở hữu đội bóng đá Seattle Sounders Football Club. Allen đã dành hơn 1 tỷ USD cho các hoạt động từ thiện và tuyên bố có kế hoạch để lại phần lớn số tài sản của mình cho các tổ chức từ thiện.
9. Bill Gates
Chức danh: Đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Microsoft
Giá trị vốn hóa thị trường: 226,2 tỷ USD
Bill Gates là nhà sáng lập Microsoft cùng với Paul Allen. Ông đã nhập học tại trường Harvard vào năm 1973. Ông là người đã viết ngôn ngữ lập trình BASIC cho chiếc máy vi tính đầu tiên, khi mới ngồi ghế trường đại học năm đầu tiên. Tuy nhiên, ông đã bỏ học vào năm thứ hai để tập trung vào công ty Micro-soft mà ông sáng lập cùng người bạn thời ấu thơ Paul Allen.
Nhưng có vẻ như việc sáng lập Microsoft còn chưa đủ, Bill Gates còn ra mắt Corbis, một trong những trang cung cấp thông tin hình ảnh lớn nhất thế giới. Ông cũng giành được một ghế trong ban quản trị của tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú huyền thoại Warren Buffett, một trong những công ty tham dự nhiều lĩnh vực kinh doanh. Hiện Gates là Chủ tịch của hãng Microsoft kiêm chuyên gia cố vấn các dự án phát triển quan trọng.
10. Steve Jobs
Chức danh: Người sáng lập kiêm CEO của Apple
Giá trị vốn hóa thị trường: 362,4 tỷ USD
Ngay từ khi còn nhỏ, CEO của Quả táo khuyết đã tỏ ra thích thú với máy tính. Năm 12 tuổi, Jobs đã gọi điện cho Bill Hewlett, đồng sáng lập hãng máy tính HP, sau khi tìm thấy số điện thoại của ông này trên cuốn danh bạ. Khi Hewlett nhấc máy, Jobs nói: “Chào chú, cháu là Steve Jobs. Cháu 12 tuổi và đang học trung học. Cháu muốn làm một bộ đếm tần số. Cháu không biết liệu chú có phụ tùng thay thế nào mà cháu cần không?”.
Hewlett đã cung cấp cho Jobs các linh kiện cần thiết và thuê ông làm việc trong dây chuyền lắp ráp của công ty vào mùa hè năm đó. Trong thời gian này, Jobs đã chơi thân với Stephen Wozniak, một người mà không lâu sau cũng bỏ học ở trường Đại học California tại Berkley.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Jobs đăng ký học tại trường Đại học Reed, nhưng sau đó ông đã bỏ ngang. Ông liên lạc lại với Wozniak và đôi bạn này từ bỏ công việc của họ để sản xuất chiếc máy tính đầu tiên trong garage để xe của nhà Jobs.
Có rất nhiều cách giải thích khác nhau về việc đôi bạn này đã sáng lập ra cái tên Apple. Câu chuyện nổi tiếng nhất bắt ngồn từ việc Jobs thường làm việc trong một vườn táo vào mùa hè và rằng ông thích ăn loại trái cây này. Còn miếng táo bị cắn dở là kiểu chơi chữ của từ “byte” trong máy tính (chữ cắn trong tiếng Anh cũng đọc là “bai” – bite).
Trong một cuốn tiểu sử, Jobs nói rằng, bản thân ông đã có giá trị hơn 1 triệu USD khi ông 23 tuổi, tới năm 24 tuổi là 10 triệu và 100 triệu vào năm 25 tuổi. Khai sinh từ trong một garage để xe, đến nay Apple đã trở thành một tập đoàn toàn cầu trị giá hàng tỷ USD. Và sự ra đời của Apple cũng gắn liền với hai sinh viên bỏ học giữa đường.
Theo VnEconomy