Chuyện con chim và chiếc lồng son

Chuyện con chim và chiếc lồng son

Published by charminghearts.ftunews on

1 0
Read Time:4 Minute, 6 Second

(FTUNEWS) – Một c chim nhỏ được người chủ của mình yêu thương rất nhiều. Nó được nuôi trong một chiếc lồng son quý giá, ngày ngày chỉ việc cất tiếng hót líu lo, rồi rỉa lông rỉa cánh, những chuyện khác đều đã có chủ lo thay. Bỗng một ngày, chim cảm thấy chán ghét chiếc lồng son đang kìm hãm nó. Nó muốn thoát ra và thoả sức tung hoành, bầu trời ngoài kia to lớn và trong xanh thế kia…

Từ chuyện con chim nhỏ muốn thoát khỏi chiếc lồng son

Tôi vẫn nhớ trong bộ phim Madagascar có cảnh chú sư tử Alex đã phải khó khăn thế nào khi phải quay lại rừng xanh – nơi mà đáng lẽ chú thuộc về. Việc từ giã cuộc sống sở thú yên bình để đến với thế giới rộng lớn đã trở thành một thử thách không hề nhỏ đối với Alex. Có vẻ hơi khập khiễng khi so sánh một con chim và một con sư tử nhưng liệu khi đã thoát khỏi chiếc lồng son, chim có cảm thấy quá sợ hãi mà muốn quay về chiếc lồng an toàn nơi sở thú như Alex hay không? Thức ăn, nơi ở, sự cạnh tranh với những con chim cùng loài và cả nỗi lo với những con vật nằm trên chuỗi thức ăn, hẳn sẽ là một bức bình phong lớn ngăn cản bước đường chinh phục bầu trời tự do của chú chim.

Đến những đứa trẻ “ham” sống tự lập

Đôi lúc, tôi cảm thấy bản thân mình giống chú chim nhỏ kia – cũng được gia đình hết mực yêu thương, bảo bọc, nhưng lại hết mực muốn phá lá chắn bình yên đó để thoát ra ngoài. Bố mẹ đã cho tôi một cuộc sống quá đỗi thoải mái và an toàn: mỗi bữa đều có người lo cho ăn uống; đau ốm luôn có thuốc men đủ đầy; việc gì cũng có bố mẹ giải quyết giúp; có làm sai thì về nhà vẫn được vỗ về;… Những điều tôi phải đương đầu, có vẻ đã trôi qua quá êm đềm thì phải?

Có lần tôi đọc được một câu nói rất hay: “Cuộc sống không bao giờ là dễ dàng cả. Lúc bạn cho nó là dễ dàng, thì chắc chắn đã có người thay bạn gánh chịu cái phần không dễ dàng đó rồi.” Nhưng tôi (và có lẽ cả các bạn) luôn có một mong ước sâu thẳm rằng mình sẽ tự tay vẽ nên cuộc sống của bản thân, còn phải trưởng thành để làm chỗ dựa cho cha mẹ khi họ dần già yếu nữa chứ! Cánh cửa Đại học mở ra, cho tôi nhiều hơn cơ hội để thực hiện mong ước ấy. 18 tuổi, tôi bắt đầu tập tự liệu từ những việc đơn giản nhất như ăn uống, giặt giũ, đến tự quyết định những vấn đề to lớn hơn như việc học, việc làm, các hoạt động ngoại khoá,… Những việc này không phải to tát gì nhưng thực sự nó khó khăn hơn tôi nghĩ. Lắm lúc, một đống công việc chẳng thành chất cao như núi rồi cả những cảm xúc không mấy vui vẻ bủa vây lấy tôi. Nhưng tuyệt nhiên, tôi không hề than phiền với ai tiếng nào, bởi hai chữ “tự lập” đã trở thành cái bóng kiêu hãnh quá lớn.

Liệu gia đình có phải “chiếc lồng son”?

Khi tôi chia sẻ sự so sánh kì quặc giữa mình và con chim trong chiếc lồng, một người bạn đã nói: “Thế cậu đừng xem gia đình là chiếc lồng son nữa, hãy xem họ như con chim đầu đàn ấy. Ý tớ là, thay vì xem họ như chỗ dựa, cậu hãy xem họ như nguồn động lực để cậu tiến lên.” Hình như, tôi đã sai khi nghĩ rằng sống tự lập là tách hẳn khỏi bố mẹ. Tôi chỉ nghĩ gia đình là chiếc lồng son, chưa bao giờ nghĩ bố mẹ còn có thể chia sẻ, trở thành nguồn năng lực tích cực giúp tôi tiếp tục cố gắng. Con chim đầu đàn sẽ định hướng và củng cố tinh thần của những chú chim khác, nhưng việc bay được bao xa là do sự cố gắng của mỗi thành viên trong đàn. Tự lập hay không, nằm ở sự quyết tâm và kiên định của mỗi người. Điều quan trọng là học cách kiểm soát, phân định rõ ràng giữa việc nhận-sự-giúp-đỡ và dựa dẫm. Nhận vài lời khuyên từ ba cùng một cái ôm ấp áp của mẹ, sau đó kiên cường bước ra chiến đấu thì vẫn được gọi là mạnh mẽ, đúng không?

Xuân Mỹ

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %