Đi đâu cho bằng Tết Sài Gòn
0 0
Read Time:5 Minute, 21 Second

(FTUNEWS) – Với những ai đã trót yêu Sài Gòn, Tết chính là thời điểm hoàn hảo nhất để khám phá, hiểu thêm về mảnh đất này. Bởi mỗi khi thời gian chuyển giao, Sài Gòn lại trở nên lạ hơn, hấp dẫn hơn khi những cá tính dần được bộc lộ.

“Chiều sâu tâm hồn” của thành phố hiện đại

Bỏ lại phía sau chuỗi ngày hối hả, náo nhiệt của một chốn đô thị phồn hoa, Sài Gòn bỗng thả lỏng, trầm mặc hơn vào mỗi dịp Tết. Những ai từng ca thán rằng đường phố Sài Gòn luôn luôn chật hẹp, đông đúc, chắc lúc này cũng sẽ bất ngờ trước nét thanh bình hiếm gặp của thành phố. Bởi cùng con đường, góc phố ấy, ngày trước chỉ toàn xe xe cộ cộ sao nay lại vắng lặng lạ thường.

Tết về, mọi ngả đường đều dẫn đến niềm vui và sự bình yên. Người ta tự do tự tại đón nhận từng làn gió mát rượi len lỏi trong nắng xuân mơ màng, hay phóng tầm mắt xa hơn ngắm những hàng cây cổ thụ hai bên đường bỗng “thơ” đến lạ dưới tia nắng đầu năm. Nhờ vậy mà thấy được dung mạo xinh đẹp và hiền hòa của thành phố. Mới thấy, có mệt nhọc với Sài Gòn những ngày đông đúc thì mới biết quý cái vắng lặng như vàng này.

Cái Tết “đa văn hóa”

Nếu ví Sài Gòn như một con người thì các con hẻm chính là những mạch máu, nuôi sống phần “hồn” của thành phố. Đã từ lâu, “văn hóa hẻm” là một nét đặc trưng của thành phố này. Mỗi con hẻm bao hàm một không gian riêng, một nét văn hóa riêng. Đó là hẻm 8A Thái Văn Lung mang dáng dấp của một con phố Nhật Bản, với nhiều hàng quán trang trí theo phong cách của đất nước hoa anh đào. Hay con hẻm “nghệ thuật” 15B Lê Thánh Tông với những bức tranh Graffiti vô cùng bắt mắt.

Ngoài ra, nhiều con đường ở Sài Gòn không chỉ mang tên nhân vật hay địa danh lịch sử mà còn thể hiện được nét văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền. Con đường Phạm Văn Hai, Võ Văn Tần hay khu vực sân bay Tân Sơn Nhất dễ chiều lòng những đứa con miền Bắc tha hương bằng các món ăn mang đậm hồn quê, hương vị quê hương như miến trộn, bún chả… Hay khu chợ Bà Hoa tập trung nhiều người Quảng xa xứ đến để hoài vọng quê nhà, để lòng bình yên hơn khi nghe được cái giọng “chi, mô, rứa, hè” ở nơi đất khách quê người.

Vượt qua khoảng cách địa lý, ta thậm chí có thể bắt gặp nét riêng của những quốc gia khác dù chỉ ở thành phố này. Khu Chợ Lớn – phố Tàu Sài Gòn, luôn là điểm đến hàng đầu mỗi khi Xuân về. Giữa lòng thành phố hiện đại, nơi đây nhuộm màu đỏ cổ truyền, rực rỡ của câu đối, bao lì xì và lân sư rồng. Thậm chí, chỉ cần nghe tiếng buôn bán, trả giá rôm rả thôi cũng đủ thấy hào hứng trong lòng. Trong khi đó, phố Tây Bùi Viện lại cho ta một trải nghiệm hiện đại hơn, “Tây” hơn. Một chai bia, một nhóm bạn, cứ thế mà trò chuyện tới tận sáng, ngồi nghe những bản nhạc chào năm mới của các quán bar mở thâu đêm, ngắm từng dòng người qua lại hay cùng nâng ly cùng đếm ngược khoảnh khắc giao thừa.

Bài viết: Duy Khương

Thiết kế: Minh Thư

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %