Đổi mới công nghệ: Chuyện không của riêng ai!
0 0
Read Time:5 Minute, 8 Second

(FTUNEWS) – Cuối năm 2015 trở lại đây, cả thế giới bàng hoàng chứng kiến sự đổ rạp của những cây cổ thụ trong làng công nghệ. Toàn cầu hóa giống như một cuộc chiến, nếu bạn là người đứng xem, rồi cũng có ngày bị “bọn thú điện tử” chi phối, còn nếu bạn là người tham gia? Đổi mới, hoặc là chết!

Những “con nghiện” ngoài cuộc

Nhớ những ngày còn bé, tôi thường viết thư cho ông bà nội ở tận miền Trung, hai tháng một lần. Bức thư đó sẽ được chuyền qua tay rất nhiều người, “ngồi” qua rất nhiều xe, và mất khoảng 3 ngày 3 đêm, ông bà sẽ đọc được những lời yêu thương vỏn vẹn dăm ba câu của đứa cháu gái cách xa nghìn cây số. Ngày nay, những đứa trẻ bằng tuổi tôi bấy giờ, hẳn chẳng còn cơ hội trải nghiệm cái cảm giác lo lắng bức thư mình nắn nót từng chữ khi nào mới đến được tay ông bà, bởi tốc độ viễn thông so với ngày ấy đã cải thiện lên đáng kể, hoặc chúng chỉ cần nhấc điện thoại lên gọi, hoặc thời gian “cắm mặt” vào smartphone đã “gặm” hết quỹ thời gian dành cho ông bà của chúng!

Công nghệ giống như thuốc phiện, tạo ra để chiều chuộng sự tò mò của loài người, và một khi đã dùng nó, loài người lại ngược lại trở thành nô lệ của công nghệ. Tôi dám chắc rằng ai ai trong chúng ta, một khi đã từng ngày tiếp cận với nền văn minh nhân loại, đều là những “con nghiện” công nghệ đích thực, mặc dầu mức độ nặng nhẹ có khác nhau đôi chút. Công nghệ giống như một bàn tay vô hình, chỉnh sửa và sắp đặt lại toàn bộ thói quen sinh hoạt làm việc hàng ngày của mọi người. Hồi còn tôi còn cấp một, bố thường bắt đầu ngày mới bằng việc đọc báo giấy, bố tôi của mười năm sau vẫn thích đọc báo vào buổi sáng, nhưng là qua màn hình smartphone đời mới nhất, với độ phân giải cao nhất và tốc độ thông tin nhanh nhất. Còn tôi, nếu ngày bé tôi vẫn hay viết nhật ký và giật mình xấu hổ mỗi khi mẹ thấy chúng thì bây giờ, việc bày tỏ cảm xúc hay thái độ cá nhân trên facebook đối với mình là chuyện hết sức bình thường. Tôi, bố tôi và cả lũ trẻ thời nay, có lẽ đều là “con nghiện” của công nghệ, hay nói cách khác đều là những người ngoài cuộc nhưng luôn chịu ảnh hưởng của cuộc cách mạng toàn cầu hóa về khoa học kĩ thuật.

Mới, mới hơn và mới hơn nữa

Nếu trong Chiếc Lexus và cây Ô-liu, một cuốn sách nổi tiếng về kinh tế, Thomas L. Friedman nhận định toàn cầu hóa như một xung đột giữa những thứ hiện đại và những điều cổ xưa, thì vào cuối năm 2015 trở lại đây, khi chứng kiến sự đổ rạp của những cây cổ thụ trong nền công nghệ, tôi chợt nhận ra, ngay lúc này đang là cuộc chiến sống còn của những sản phầm mới, mới hơn và mới hơn nữa! Toàn cầu hóa khiến mọi người xích lại gần nhau, chia sẻ quan điểm từ đó hoàn thiện sản phẩm của mình. Nếu ngày xưa một sản phẩm công nghệ được tung ra thị trường với mục đích chiều lòng khách hàng ở một quốc gia nhất định, thì bây giờ, bất cứ một phát minh gắn mác khoa học kĩ thuật nào đều được đưa ra với mục đích: giải quyết nhu cầu của nhân loại; rồi các nhà đầu tư, mạo hiểm hơn, với chút lòng tham lam hơn làm mọi cách để sản phẩm của mình có mặt ở mọi thị trường trên khắp hành tinh.

Từng chút từng chút một, đổi mới công nghệ như hàng rừng phòng hộ trước đợt siêu bão mang tên nhu cầu nhân loại trong thời kì toàn cầu hóa: cây cổ thụ tuy dẫn đầu nhưng ngày một yếu ớt chịu đổ rạp xuống, nhường chỗ cho những cây mới trưởng thành có tiềm năng. Sau 18 năm tồn tại, ngày 5/8 vừa qua, Yahoo chính thức khai tử Yahoo Messenger – người bạn thân của những 8x và 9x đời đầu để tung ra ứng dụng nhắn tin trực tuyến mới hiện đại hơn. Cú sốc của Yahoo Messenger có lẽ cũng gây nỗi đau tương tự cho người yêu công nghệ như câu chuyện Nokia – đế chế điện thoại di động hùng mạnh một thời “bán mình” cho tập đoàn Microsoft. Thế giới công nghệ ngày nay yêu cầu người trong cuộc phải đổi mới liên tục, trên còn đường tạo ra những cuộc cách mạng mới về khoa học kĩ thuật chỉ có dấu chân của kẻ biết nắm lấy thời cơ. Nitendo – tượng đài nền công nghiệp trò chơi điện tử một thời đang lún xuống vực sâu với những báo cáo tài chính không mấy khả quan năm 2015 bỗng chốc “đổi đời” với Pokémon Go, trò chơi trên smartphone được nhiều người ưa chuộng. Sự thay đổi ngôi vương không điểm dừng trong xã hội công nghệ ngày nay là bức tranh toàn cảnh của cuộc chiến: đổi mới, hoặc là chết.

Tạm kết: Thật quá khó nếu không muốn nói là không thể để dự đoán chúng ta – những người ngoài cuộc và họ – những kẻ trong cuộc sẽ ở đâu trong bức tranh công nghệ một năm nữa, hay thậm chí là một tháng tới. Đổi mới công nghệ là câu chuyện không của riêng ai trong xã hội ngày nay, nhưng nếu bạn đang là kẻ đứng xem ngoài cuộc chơi, làm ơn hãy thật bình tĩnh và sáng suốt, đừng biến mình thành nô lệ của công nghệ.

Như Quỳnh

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %