(FTUNEWS) – Thử tượng tượng một ngày nhận ra đã đến cuối tháng, tiền phòng chưa trả, lương bố mẹ vẫn chưa nhận, bạn ngán ngẩm nhìn bát mì tôm rồi lại thở dài nghe tiếng réo của bà chủ nhà… Thế đó, không có tiền, ngay cả một suy nghĩ giản đơn: “Hôm nay ăn gì?” cũng khó mà thực hiện. Guồng sống hàng ngày vẫn xoay quanh chữ tiền, nào nhìn xem: bộ quần áo trên người bạn, ổ bánh mì cho bữa sáng… tất cả đều từ tiền mà ra, nói tiền không quan trọng quả là sai, ấy vậy nếu ai đó bảo mục đích sống là có thật nhiều tiền, tôi cũng chẳng dễ gì thừa nhận đúng.
Tiền = hạnh phúc?
“Không có tiền thì cạp đất mà ăn à”, câu nói từng gây sốt một thời của Ngọc Trinh ngẫm ra lại khá đúng với hoàn cảnh xã hội ngày nay. Ngay từ lúc thức dậy, nếu không dành một ít tiền mua bữa sáng, bạn chẳng thể đủ năng lượng khởi động ngày mới, tiền giúp bạn tạo ra những niềm vui riêng cho chính mình, chăm sóc bản thân và gia đình tốt hơn, tận hưởng hàng trăm loại giá trị khác nhau trong xã hội.Thử quan sát một người giàu có và một kẻ ít tiền trong trung tâm thương mại, bạn sẽ biết giá trị của đồng tiền có khả năng làm cơ mặt con người ta thay đổi đến mức nào. Đã có những ngày tôi ngớ người ra khi nghe cô dì bảo sao con nhỏ này đẹp vậy mà lấy chồng nghèo rớt, rồi người ta í ới nhau như kiểu: có tiền thì mới có hạnh phúc. Những năm 2000, ở Việt Nam mấy người biết Michell Phan là ai, thế mà từ khi cô gái trẻ trở nên đình đám với danh hiệu triệu phú Youtube gốc Việt, tôi nhận ra rằng, mỗi dự định hay bất cứ chặng đường sự nghiệp nào của cô cũng có báo chí sẵn sàng săn đón. Thế đấy, tiền bạc không chỉ mua được hàng hóa, dịch vụ mà còn mua được cả lời ngon tiếng ngọt, đôi khi là sự tín nhiệm và lòng ái mộ của nhiều người. Chẳng trách sao, phần lớn trong chúng ta dùng cả đời người để theo đuổi đồng tiền.
Tôi thử hỏi chính bản thân, giả như tiền chẳng quan trọng, thì những đứa trẻ chưa quá 20 như tôi đang học làm gì? Vì sở thích, vì kiến thức, hay vì muốn đóng góp gì đó tầm vĩ mô cho nhân loại? Tôi và hàng trăm, hàng ngàn sinh viên kinh tế khác vẫn đang ngày ngày cặm cụi với những cuốn sách self-help như đi tìm lời giải cho bài toán làm giàu trong tương lai. Nhiều người trẻ xung quanh tôi tôn thờ Jack Ma, rồi lại nhìn Bill Gates như một thành trì khó chạm tới…. Những người nhận được sự ngưỡng mộ của hàng tỉ dân trên thế giới đều là những con người giàu có và quyền lực. Điều làm tôi thắc mắc là, liệu người ta ngưỡng mộ những doanh nhân thành đạt bởi tài năng hay bởi khối tài sản kếch xù của họ là phần nhiều?
Tìm lại vị trí của đồng tiền
Ngày hôm nay, trong lúc những người bình thường như chúng ta đang vẫn đang chật vật với đồng tiền cơm áo, thì các vị tỉ phú bậc nhất thế giới cũng đang trong cuộc đua không ngơi nghỉ với nó. Và rồi cứ thế, chúng ta không ngừng ngưỡng mộ, để rồi ước mong, khát khao dù chỉ giống họ được chút ít. Khát vọng tiền bạc không sai, thậm chí còn đáng được khuyến khích, tuy nhiên cái gì nhiều quá chưa chắc đã tốt, lòng người vô hạn và mọi thứ trên đời vốn là hữu hạn. Có thật nhiều tiền, nhưng vốn dĩ nhiều vị tỉ phú vẫn chưa thấy thỏa mãn, như Michelle Phan có lần tự hỏi “Mình đã kiếm được nhiều tiền với kênh riêng, nhưng tại sao lúc nào cũng muốn đạt được nhiều hơn nữa?”.
Cả thế giới đang kết nối với nhau qua một mạng toàn cầu, trong khi đó con người lại tự mất tín hiệu với chính mình, không thể hiểu bản thân muốn gì để rồi sẵn lòng đánh đổi giấc ngủ ngon, từ bỏ thì giờ thư giãn, tám chuyện bạn bè, đôi khi là xa cả người thân, chỉ để chôn vùi trong hành trình theo đuổi đồng tiền. Kafka từ thế kỷ trước đã mượn nhân vật chú bọ Samsa để giống lên hồi chuông cảnh tỉnh cho hiện tượng nô lệ của công việc và tiền bạc, khiến ai đã từng nghiền ngẫm “Hóa thân” đều phải suy nghĩ lại về giá trị thực của đồng tiền trong cuộc đời.
Năm 2011, trong tâm thư trước khi mất, Steve Job viết: “Mất tài sản thì có thể tìm được nhưng một cái khi đã mất thì không thể tìm lại: sự sống”. Tôi biết nhiều người cũng như Steve Job, từng chạy miệt mài, làm việc không ngơi nghỉ, mãi cho đến khi ngã xuống giường bệnh mới chua xót ngẫm lại đời mình. Bảy ngày trong tuần là bảy lần tôi gặp cậu bạn sinh viên cùng bàn đang loay hoay mệt nhọc hàng giờ với công việc làm thêm và đống deadline trên lớp. Rồi tôi tự hỏi, cậu liệu có hạnh phúc với điều mình đang làm, hay sau này kiếm được thật nhiều tiền, liệu cậu có thấy thực sự thỏa mãn? Vậy đấy, chúng ta dần bỏ quên sức khỏe, niềm vui để hướng đến những giá trị phù phiếm, xa hoa, hoặc quên hoặc đang cố bỏ lơ chúng, bởi một chữ “tiền”.
Hải Châu