– Alo?
– Alo, cậu hả, tớ nghe đây.
– Lâu không gặp cậu rồi, mới đây mà cũng đã 5 tháng kể từ khi cậu qua Mỹ rồi nhỉ. Việt Nam bên đây, đang rục rịch chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán rồi nè: có hoa mai, bánh tét, có nồi thịt kho trứng đầy ụ và cả không biết bao nhiêu là kẹo mứt, đủ cả.. Mà không biết bên kia có tổ chức cho kiều bào Việt Nam đón Tết không ha?
-… Có chứ. Tết đến, bên tớ cũng thịt kho, dưa hành, cũng câu đối, bông mai, nhưng sao tớ lại không thấy hạnh phúc nhiều như hồi xưa nữa. Chắc tại.. đây là Mỹ, chắc tại…tớ không ở Việt Nam..
Đoạn hội thoại cũng đã lâu rồi này, là với một cậu bạn thân của tôi, du học Mỹ tính đến nay cũng gần 3 năm rồi. Đoạn hội thoại ấy, còn kéo dài mãi. Chúng tôi tâm sự rất nhiều điều, nhưng sao, trong trí óc tôi, chỉ còn xoay vòng, đọng lại bởi những lời: “tớ không thấy hạnh phúc”, “vì đây là Mỹ”, “vì đây không phải Việt Nam”…
Lạ ghê nhỉ, khi Việt Nam mình, chỉ uốn lượn khiêm tốn một hình chữ S tròn trĩnh, lại chan chứa cả một niềm hạnh phúc bao la. Trong khi các cường quốc xa kia, nơi chất ngất chọc trời những tòa nhà đồ sộ , nơi giàu sụ về tiềm lực kinh tế, lại thiếu thốn những nụ cười chân thành, hào sảng?
Có ngộ không, nếu khi ta sống giữa lòng một trong những thành phố phát triển, hiện đại nhất thế giới, nơi vô cùng đủ đầy về mặt vật chất nhưng lòng lại thấy lắm cô đơn, lạc lõng? Có ngộ không, khi ta lại dễ dàng bất giác mỉm cười khi bắt gặp hình ảnh cánh diều bay lững lờ trong gió hay nghe đâu đó xung quanh tiếng gọi nhau í ới ngoài đồng ruộng xanh mát quê hương?
Thật, sao mà kì ghê, khi mà đi khắp nơi trên cả địa cầu to lớn, ừ thì có vui, có sung sướng khi được chiêm ngưỡng bao nhiêu cảnh đẹp hùng vĩ lẫn nên thơ, nhưng lại cứ nhớ ngoay ngoắt, cứ da diết nghĩ đến con sông, dãy núi Việt Nam, rồi lại thầm mong, thầm ước được quay về?
-Vì sao vậy? – Đoạn hội thoại hôm ấy lại vang lên– Tớ nghe nói Mỹ là thiên đường mà. Tớ nghĩ, có được cơ hội đến Mỹ, cậu phải thấy rất hạnh phúc mới phải ấy.
-Hy à, đối với tớ, cho dù có bao nhiêu tiền của, có bao nhiêu trang sức kim cương đi nữa, cũng không đổi được cảm giác hạnh phúc khi ở Việt Nam đâu. Tớ sẽ cố gắng học, cố gắng thành công trở về để được đắm mình lại trong niềm hạnh phúc ấy- niềm “Hạnh phúc chuẩn Việt”.
Ừ thì.. cũng phải thôi
Vì chẳng lạ gì, khi người Việt Nam hạnh phúc nhiều đến vậy. Niềm “Hạnh phúc chuẩn Việt” ấy, là niềm vui chân thành của tình làng nghĩa xóm “Tối lửa tắt đèn có nhau”: đôi khi chỉ cho nhau miếng hành, tép tỏi hay ít muối, chút đường nhưng lại thấy mình giàu có thật, giàu vì sự san sẻ, giàu vì tình yêu thương. Giàu những thứ ấy, sinh hạnh phúc cũng là điều hiển nhiên.
Vì không ngộ đâu, khi dân mình hay cười đến thế. Niềm “Hạnh phúc chuẩn Việt” toát lên qua lòng tự hào vô hạn khi ta nghĩ đến truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm hào hùng, đến truyền thống trồng lúa nước lâu đời đã sinh ra cây lúa, hạt gạo,.. nuôi sống biết bao thế hệ già trẻ xưa nay. Niềm tự hào to vậy, lớn vậy, ngập tràn vậy, dân Việt hỏi sao mà không ngẩng cao đầu mà hạnh phúc?
Và vì cũng chẳng có gì là kì lạ, khi niềm vui, sự thoải mái cứ “bám lấy” những người con đất Việt chân tình. Niềm “hạnh phúc chuẩn Việt” chẳng ở đâu xa, mà ở chính ngay trong những cốc café hay ly trà chanh lề đường- nơi gửi gắm đôi khi dăm ba câu chào hỏi của tụi trẻ thanh niên, hay có khi là cả một câu chuyện dài đằng đẵng của đôi bạn già sau ngần ấy năm xa cách. Niềm “hạnh phúc chuẩn Việt”, thực ở rất gần, ở ngay trong những món đồ chơi dân gian (như tò he, bắn bi, như ô ăn quan, nhà chồi) tuy thô sơ giản dị trăm lần so với những món điện tử thời hiện đại, nhưng lại khiến bao thế hệ lớn nhỏ xích lại gần nhau, cùng cười cùng khóc hơn cả nghìn, cả vạn lần. Đời sống tinh thần phong phú đến thế, ánh nhìn tươi rói hiện hữu trên gương mặt dân tộc Tiên Rồng này cũng là điều dễ hiểu mà thôi.
Không những vậy, niềm “hạnh phúc chuẩn Việt” của đồng bào ta, suy cho cùng, cũng chỉ đơn giản gói gọn trong từng món ăn, trong từng bữa cơm hằng ngày. Tuy nhiên, đó không chỉ là xôi cốm vòng, bún ốc, bún thang Hà Nội nơi xứ lạnh miền Bắc hay bún bò Huế, bún cá lẫn bánh bèo ở dãy đất nhỏ hẹp vùng Trung, cũng không chỉ là cá lóc đồng nướng trui và tô hủ tiếu Nam Vang nức lòng con dân Nam Bộ. “Hạnh phúc chuẩn Việt” chính hiện hữu ở không khí quây quần, sung túc bên mâm cơm gia đình, là con cái kể cho ông bà cha mẹ nghe về việc học, việc chơi, là vợ chồng “muối mặn gừng cay” hàn huyên tâm sự để cùng nhau san sẻ, cùng nhau gánh vác chuyện mai này,…
Vậy đó, niềm “Hạnh phúc chuẩn Việt” nghe sao mà lớn lao, nhưng thực ra lại xuất phát từ những điều rất đỗi bình thường, giản dị. Nụ cười hiền hòa, ánh mắt tinh nghịch, thoải mái của người dân xứ Việt, thấy sao mà đơn giản, nhưng liệu có được mấy quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, hưởng được trọn vẹn cảm giác của nụ cười ấy hay chưa?
Nguyễn Hy