Hành trình đi tìm hạnh phúc
0 0
Read Time:8 Minute, 54 Second

Trong dòng đời ngược xuôi có những lúc ta chợt quên mất mình là ai, đánh mất đi hạnh phúc bởi những giây phút vội vàng. Một hạt cát bơ vơ tồn tại giữa đời.

—- tôi tìm hạnh phúc—-

Hạnh phúc là gì? Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng đặt câu hỏi như vậy. Rồi mỗi người đều có câu trả lời của riêng mình. Hạnh phúc ở đâu? Ở ngay cạnh bạn đó. Chỉ là, bạn có thấy hay không thôi.

Ngày này cách đây một năm tôi vẫn đang miệt mài với bài vở, chuẩn bị cho kì thi Đại học  gần kề. Giảng đường đại học là cả bầu trời của tôi. Lúc ấy tôi thực sự đã nghĩ “ Đậu vào trường Đại học Ngoại thương  là hạnh phúc duy nhất . Nếu không bước chân vào cánh cổng ấy cuộc đời mình coi như chấm dứt.” Một suy nghĩ thật trẻ con và cố chấp phải không? Đậu Đại học, lên Sài Gòn, bắt đầu đời sinh viên tự do.

Ngày nhận thông tin trúng tuyển tôi mừng đến rớt nước mắt. Gói ghém tư trang, mang theo một bụng lí tưởng, tôi rời quê hương lên thành phố trong tiếng reo hò chúc mừng của họ hàng làng xóm. Đó là giây phút hạnh phúc, thiêng liêng mà tôi sẽ chẳng thể nào quên. Phút lên xe có tiếng gọi tôi quay đầu nhìn lại. Là mẹ. Bà đạp từ nhà tới bến xe đưa cho tôi cục sạc điện thoại tôi để quên. Trao đồ cho tôi rồi lại vội vã đạp xe ra chợ tiếp tục phiên chợ chiều. Khoảnh khắc ấy- tôi không biết phải gọi tên thế nào, có gì đó chảy ra từ hốc mắt ,nghẹn lại ở trong cổ. Có lẽ là hạnh phúc trong nghẹn ngào. Tôi vẫn được yêu thương như những đứa trẻ khác. Lớn bao nhiêu cũng vẫn là con của cha mẹ thôi.

Hai giờ sáng hôm sau tôi đặt những bước chân đầu tiên lên thành phố. Ai đó từng nói Sài Gòn là thành phố không ngủ. Quả đúng như vậy. Dưới ngọn đèn cao áp có hàng quán vẫn mở, có những đôi trai gái dạo bước trên đường và có cả tiếng chợ búa ồn ào. Hai con mắt mệt mỏi sau chuyến đi dài vẫn không thể khép lại. Đường phố, nhà cao tầng,… mọi thứ đều thật mới mẻ.

Đó là về đêm. Ban ngày Sài Gòn trở nên đầy thử thách với tôi. Đạp xe  8 km từ chỗ trọ tới trường, bon chen giữa biển người và xe tấp nập dưới cái nắng trên 30 độ C pha khói bụi và tiếng còi inh ỏi. Lần đầu tiên tôi sợ Sài Gòn. Môi trường sống thay đổi. Học ở Đại học cũng rất khác với trước đây. Tôi buộc phải thích nghi.  Đó cũng là lúc bi kịch xảy ra.  Tôi trầm cảm, lười vận động. Sau cú sốc trượt liên tiếp ban cán sự lớp và các câu lạc bộ tôi càng bi quan, thu mình vào cái vỏ bọc an toàn “ không làm gì cả”. Một ngày 24 tiếng lẩn quẩn trong vòng tròn: Ăn- học-ngủ. Những lí tưởng, hoài bão trước đây bị tôi ném vào góc xó. Lời hứa với bố mẹ và bản thân tôi đã quên sạch. Tệ hơn tôi nhìn đời bằng con mắt tiêu cực. Nhìn đâu cũng thấy tối tăm, đau khổ. Mỗi ngày tan học ra về, nhìn dòng người nhích từng tí một trên đường tôi lại tự hỏi : “ Sài Gòn nóng bức, ồn ào, ô nhiễm như vậy họ không mệt mỏi sao? Cuộc sống ngột ngạt, chen chúc nơi thành phố sao họ còn cố bám trụ lại?” Còn rất nhiều câu hỏi ngớ ngẩn khác mà chủ đề thì chỉ có một – bất hạnh, cuộc sống quá bất hạnh. Nếu lúc đó có ai hỏi tôi về hạnh phúc, tôi sẽ không ngần ngại mà đáp lại rằng: “ Đồ điên, ở cái nơi chen chúc này thì lấy đâu ra hạnh phúc. Nếu có cũng chỉ giành cho những người nhiều tiền thôi.” Nhưng dù khủng hoảng tới đâu mỗi lần gọi về cho gia đình tôi đều nói dối mình sống rất tốt, rất vui. Gác máy rồi chỉ muốn hét lên: “ Không tốt, không vui chút nào. Mẹ ơi con rất mệt, con muốn về nhà.”

Sau hai tháng sống vật vờ, bất lực như vậy tôi chuyển trọ tới gần trường, sống cùng hai chị cùng trường hơn tôi hai tuổi. Ngày chị ấy hỏi tôi: “ Em chuyển tới ở với người lạ không sợ bị bắt nạt hả?” Tôi đã đáp thế nào nhỉ? Hình như là: “ khó khăn sẽ làm em mạnh mẽ hơn thôi”. Thực ra lí do thực sự vì người tôi tin tưởng, dựa dẫm đã rời bỏ tôi thì tôi còn gì để mà sợ nữa đây.

Sống cùng hai chị ấy là may mắn lớn nhất của tôi. Ở bên những con người có mục tiêu, giàu đam mê, nghị lực, tôi được tiếp thêm sức mạnh, cởi bỏ dần lớp bao bên ngoài tưởng đã bóp ngạt mình. Tôi nhìn lại, những gì họ đang phấn đấu chẳng phải là mục tiêu tôi từng đặt ra hay sao. Đã bao lâu rồi, tôi lại dám ước mơ lần nữa. Họ kéo tôi ra khỏi cuộc sống nhàm chán trước đây. Dẫn tôi tham gia các buổi hội thảo, các câu lạc bộ thú vị, tham gia hoạt động kinh doanh, tình nguyện mà tôi- trong vai trò là người đi ké. Hay đơn giản hơn là cùng ăn cơm, xem phim với tôi, buồn cùng tôi, cười cùng tôi. Hạnh phúc lại một lần nữa trở về bên tôi. Dù cho cuộc sống có những lúc vui vẻ, giận hờn, cãi vã chúng ta càng hiểu nhau hơn, học cách chấp nhận nhau. Từ tận đáy lòng tôi rất biết ơn họ. Hạnh phúc của phòng trọ nhỏ chúng tôi như George Sand từng nói “ chỉ có một thứ hạnh phúc trên đời, yêu và được yêu.”

Cuộc sống là những bí ẩn lạ lùng. Những con người ta gặp,nói chuyện hàng ngày có ai ngờ lại thay đổi đời ta. Tôi cũng không ngờ rằng cú hích lớn nhất cho hành trình tìm lại hạnh phúc của mình lại đến từ một người hoàn toàn xa lạ mà tôi chỉ bất chợt lướt qua và cảm thông.

Một buổi tối tháng 12, tôi đi ngang qua cây cầu gần nhà để tới siêu thị chợt gặp một ông cụ bán nhang. Tôi muốn mua giúp đỡ cụ thì phát hiện trong túi chỉ có năm trăm nghìn, ông lại không có tiền thối. Tôi hứa với ông nhất định sẽ quay lại trước mười giờ nhưng lúc quay lại ông đã đi rồi. Lê bước chân về nhà tôi có cảm giác nặng nề như vừa đánh mất thứ gì đó. Có thể vì thương ông cũng có thể vì day dứt khi chưa hoàn thành lời hứa. Cả đêm ấy trong đầu tôi cứ quanh quẩn hình ảnh ông cụ ngồi co ro trên cầu. Chẳng hiểu sao tôi lại liên tưởng tới những bà tiên thường hóa thành người nghèo khổ để thử lòng con người. Ngày hôm sau có hoạt động trên trường. Trở về nhà dù rất mệt nhưng nỗi trăn trở trong lòng kéo tôi và chị cùng phòng tới thăm ông. Lần này tôi đã chuẩn bị tiền lẻ đầy đủ, mua ủng hộ ông rồi còn lân la ở lại nói chuyện với ông. Mắt ông đã lòa, không thấy rõ. Tôi hỏi ông:

-“Ông không thấy tiền lỡ tụi con lừa ông đưa ít hơn thì sao?”

Ông chỉ cười: – “Không thấy nhưng ông sờ được mà.”

Ông luôn lạc quan. Mỗi lần nói chuyện với chúng tôi đều cười rất vui vẻ. Tôi chưa bao giờ thấy ông than vãn nửa lời.Tất niên chúng tôi đón cùng ông. Lần đầu tiên tới chỗ ở của ông tôi sững sờ. Ông sống một mình trong căn phòng trọ tồi tàn rộng chưa tới hai mét. Mọi thứ đều rất tệ lại còn đắt. Vậy mà ông chỉ cười nói ông quen rồi. Con người ấy đã trải qua mọi khó nhọc đến nỗi không gì làm ông sợ hãi nữa. Sinh ra trong bom đạn, lớn lên lại đội bom đạn bảo vệ đất nước. Mắt ông bị thương cũng do bom Mĩ. Ông có bốn người con nhưng không muốn dựa dẫm ai, tự mình mưu sinh nuôi sống bản thân và một người vợ bệnh tật đã qua đời. Lúc bà đau bệnh ông dồn hết yêu thương, tiền bạc tích góp được chữa bệnh cho bà. Bà mất rồi ông nói đùa rằng ông đã thành giai cấp vô sản. Chúng tôi thương ông lắm, ngưỡng mộ tinh thần lạc quan của ông.

Những hôm rảnh chúng tôi lại tới chơi với ông, bán hàng giúp ông. Valentine các cặp đôi vui vẻ hẹn hò, FA ở nhà cầu mưa còn ba đứa chúng tôi lại tới bên ông cụ. Ông trở thành một phần cuộc sống của nhóm. Ông đáng thương, khốn khổ trong mắt người qua đường nhưng họ đâu biết ông giàu có nhường nào. Ông giàu ý chí, giàu tinh thần. Hạnh phúc với ông đơn giản là chấp nhận, bằng lòng với cuộc sống. Còn tôi. Hạnh phúc của tôi là gì? Ông khiến tôi nhận ra mình may mắn biết bao khi có một gia đình làm chỗ dựa, có bạn bè để sẻ chia và… có cả một tuổi trẻ để mơ ước, để cố gắng. Đó chẳng phải là hạnh phúc đó sao.

Ngày hôm nay tôi hạnh phúc vì được làm những điều mình thích, cho đi những gì mình có.” Hạnh phúc … là cho và sống vì người khác”- Henry Drummond. Đó là hạnh phúc chuẩn Việt, là cách mà Việt Nam chúng ta trở thành quốc gia hạnh phúc thứ năm trên thế giới. Bạn muốn có hạnh phúc. Đừng tìm kiếm ở đâu xa xôi. Nó ở ngay trong cuộc sống, công việc, trong những người bạn gặp hàng ngày. Hãy biết trân trọng và hài lòng bạn sẽ thấy mình hạnh phúc. Hãy cùng tôi và 90 triệu người dân Việt Nam viết nên những câu trả lời riêng cho đất nước hạnh phúc hình chữ S này.

Vũ Thị Hằng

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Categories: IYE