(FTUNEWS) – Mãi cho đến những ngày tháng cuối cùng của cấp ba, tôi chưa bao giờ biết mình phù hợp với điều gì, thực sự muốn theo đuổi ngành nghề nào. Lời gợi ý duy nhất là từ bạn bè và bố mẹ khi ai cũng nằng nặc bảo: “Con hợp với Ngoại thương đó!”. Có bao nhiêu đứa trẻ độ tuổi 15 thực sự hiểu rõ Ngoại thương là học về ngành gì và có bao nhiêu người thật lòng yêu Kinh tế mà quyết định vào Ngoại thương? Tôi không yêu kinh tế, đó là điều tôi biết. Nhưng sau vài năm học ở mảnh đất không quá nửa hecta này, tôi hiểu rõ: Dù không yêu kinh tế nhưng tôi thuộc về Ngoại thương.
“Học thầy không tày học bạn”
Nếu chỉ tự hào Ngoại thương là một ngôi trường với chất lượng giảng dạy tốt với đội ngũ giảng viên tài giỏi, nhiệt tình thì quả thật quá khiêm tốn. Sinh viên Ngoại thương có nhiều bài học từ mảnh đất này hơn vài tiếng mài lưng trên ghế nhà trường. Tôi thấy Ngoại thương giống như một mái nhà nhỏ che những ước mơ lớn. Mái trường nhỏ xíu mà có hơn 20 Câu lạc bộ – Đội – Nhóm và nhiều hơn những tổ chức phi lợi nhuận do chính tay sinh viên điều hành, tổ chức và tham gia. Đó cũng là lớp học thứ hai để sinh viên Ngoại thương cùng nhau học từ những người thầy là bạn đồng trang lứa với mình. Nếu giảng viên là người gợi mở và định hướng kiến thức thì bạn bè là những người giúp mỗi sinh viên Ngoại thương cùng nhau trưởng thành suốt bốn năm Đại học.
Có một câu trả lời “ngốc nghếch” của bất cứ sinh viên năm nhất nào khi được hỏi vì sao lại chọn Ngoại thương đó chính là: “Em chọn Ngoại thương vì môi trường năng động giúp em có thể phát triển bản thân!”. Cá nhân mình, tôi chắc chắn khi trả lời như vậy chúng ta chưa hề biết môi trường đó thực sự như thế nào. Tuy nhiên qua bốn năm, đó không còn chỉ là câu trả lời cho người khác mà là cả những trải nghiệm sâu sắc trong quá trình phát triển của bất cứ ai đã chọn Ngoại thương là một phần tuổi trẻ vậy.
Nói vậy có nghĩa: Nếu bạn không đạt điểm A bộ môn Marketing Căn bản trên ghế giảng đường, điều đó không cản bạn trở thành một Marketer lừng lẫy; nếu bạn không đạt điểm cao môn Kinh tế vĩ mô, bạn cũng đừng ngần ngại khi bắt tay thực hiện dự án startup cho chính mình. Ở Ngoại thương luôn có những hoạt động giúp bạn “thực hành”; có những con người đi trước sẵn sàng cho bạn lời khuyên và đương nhiên, có những cơ hội cho bạn cả thành công và vấp ngã, dù bạn lựa chọn điều gì, cũng ít nhất một lần làm nó theo cách mà chỉ riêng sinh – viên – Ngoại – thương mới có!
Không yêu, nhưng bạn phải hiểu
Đến tận bây giờ tôi mới dám hỏi mẹ: “Mẹ muốn con học Ngoại thương vì muốn sau này con làm kinh tế hả mẹ?”. Mẹ cười bảo: “Không, mẹ thích Ngoại thương vì mẹ biết ở đây, con sẽ hiểu mình muốn làm gì, và làm nó từ sự cân bằng giữ trái tim và bộ não”.
Ai bảo học Ngoại thương thì bạn không được làm việc ở các ngành nghề khác? Đại học không phải là đích đến cuối cùng để sau bốn năm ngồi mòn rỗi ở ghế giảng đường bạn khoác trên mình một tấm áo chật ngồi trên chiếc ghế công sở khác. Đôi khi Đại học chỉ là điểm bắt đầu cho bạn biết mình thực sự muốn làm gì. Nếu bạn đang chọn Ngoại thương và vẫn còn lang thang trong những lựa chọn, hãy nhớ: “Đi lang thang không phải là đi lạc”. Và thậm chí nếu bạn đang đi vào ngõ cụt, đừng sợ làm một kẻ lạc lối, hãy dũng cảm quay đầu và thử thách những ngã rẽ khác. Ngoại thương nhỏ nhưng nén đọng những câu chuyện khai phá bản thân thật dài.
Dù bạn có là một gã chơi đàn, một cô nàng ham mê viết lách, một kẻ thích phân tích số liệu hay một tay thuyết phục như thần, nếu một lần tỏ ý muốn vào Ngoại thương, đừng ngại ngần thử.
Tất nhiên, không có điều gì là hoàn hảo, Ngoại thương cũng vậy, nhưng khi bạn đã yêu và biết mình thuộc về nó, thì những điều không hoàn hảo là thứ chính bản thân mình góp sửa, không phải để nặng lòng, đúng không?
Quỳnh Hương (Hữu)