(FTUNEWS) – Rồi một chiều, cô nhận được lá thư của anh với lời mở đầu: “Chào em…”. Những kỉ niệm như vậy ngày xưa thì nhiều, bây giờ đã bớt đi quá nửa. Người ta như thấy gì mất mát trong mỗi lần kể lại những đoạn đời như vậy. Như một cuộc chia ly bất đắc dĩ, con người bỏ qua những giá trị mà mình hằng ôm ấp – những lá thư tay.
Thư tay trong quá khứ đóng vai một món quà tinh thần không thể thiếu với con người. Lời tỏ bày yêu đương, ý tốt hỏi thăm hay chỉ giản đơn là mẩu chuyện trong ngày nhiều lần quá giang lá thư tay mà đến với người nhận. Người ta trao nhau cánh thư tự viết không phải vì thấy mình viết hay, mà vì muốn lưu lại điều đẹp đẽ trong một vật hữu hình, cầm nắm được. Thi thoảng bạn về nhà, và nhận ra hộp thư trước cổng đón một vị khách mới, bạn sẽ nhớ mãi cảm giác được nâng niu một phong bì xinh xinh, tiếng giấy được bóc giòn tan để lộ lớp thư bên trong – là cả một trời thương nhớ. Như ông tơ bà mối, lá thư đan lời yêu thương nên cuộc tình, dệt lời chia sẻ thành mối tâm giao.
Rồi đến lúc những điều nhỏ nhặt mà dung dị đó nhường chỗ cho hào quang của công nghệ. Cuộc sống được tối ưu hóa bằng vô vàn cú nhấp chuột. Nhưng đâu đó, tôi nghĩ con người vẫn cần nhiều những điều lãng mạn trong cuộc sống hơn là sự nhanh gọn vô tình. Bởi biết đâu tại nơi đảo xa hay giữa hai chấm tròn cách nửa vòng trái đất, còn biết bao nhung nhớ cần nét chữ nắn nót để vỗ về.
Nhưng suy cho cùng, lỗi không hoàn toàn thuộc về con người. Dưới lớp phủ của thời gian, chúng ta không ngăn nổi những thứ từng kề bên trở thành “giá trị cổ”. Thư tay ngày nay được xem là vật xa xỉ tại một số nước bởi giá trị lâu đời của chúng. Các “phụ kiện” đi kèm thư tay như bút máy hay con dấu thường xuất hiện thấy trên kệ của những thương hiệu đắt tiền, như một cách lưu giữ hơi thở còn xót lại của văn hóa này. Nhưng dù là kẻ ham vọng đời sống trữ tình, ta vẫn là những người tiêu dùng của xã hội, vẫn phải chi tiêu cho mặt sống còn của bản thân. Bởi cớ đó, nhiều người chuyển sang tự làm thư tay cho mình, một cách để gói đầy yêu thương cũng như in đậm dấu ấn của mình trong lòng người nhận, mà cũng mang một giá trị không kém những phong thư tinh xảo được thiết kế trong cửa hàng. Một số khác chọn cách “lạ lùng” hơn, viết thư bằng mail, loại hình thư mặc định chỉ dùng trong công việc. Bằng tất cả sự chân thành của người gửi, loại thư vốn khô khan này chợt nhiên có dấu chân của yêu thương. Và rồi ta lại chăm chỉ viết cho nhau trong một ngày trời xanh hay một chiều hồng bằng một công cụ rất mới.
Rồi đây không rõ sẽ còn bao nhiêu người có ý định trao đi một lá thư tay. Nhưng ta vẫn có thể dũng cảm tin rằng đây chưa phải là dấu chấm hết của câu chuyện viết thư tay. Con người không bao giờ thôi mong chờ những thứ dịu dàng trong cuộc sống của mình, vì lẽ đó mà thư tay không mất đi được. Thay cho một cái ôm, một lần nắm tay rồi xoa xoa ra điều an ủi, một cánh thư tay cũng có thể làm điều đó cho những người đang cách xa nhau.
Yang Yang