Người Mỹ xếp hàng chờ mở cửa
Khởi động cùng “Black Friday” ở Mỹ
Black Friday là ngày thứ Sáu tuần cuối cùng của tháng 11, ngay sau ngày Lễ Tạ Ơn và được coi là ngày “khởi động” mùa mua sắm tấp nập cuối năm ở Mỹ. ‘Ngày đen tối’ vốn bắt nguồn từ tình trạng kẹt xe vào ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn năm 1965 ở Philadelphia, do hàng trăm nghìn người đổ xô ra đường, chen lấn đi mua sắm cho dịp lễ Giáng sinh sắp đến.
Vào ngày này, các nhà bán lẻ lớn nhỏ thi nhau tung ra hàng loạt chương trình giảm giá để thu hút người mua. Các mặt hàng trong ngày Black Friday hầu hết được giảm giá mạnh, khoảng từ 10% – 30%. Từ những thương hiệu bình dân đến những thương hiệu danh tiếng như Nike, IBM, Apple,… đều đưa ra mức giảm giá bất ngờ. Người Mỹ ùn ùn ùn đổ ra các siêu thị, cửa hàng để săn lùng hàng giá rẻ khiến cho tất cả các đường phố của nước Mỹ đều đông nghịt người trong ngày thứ Sáu mua sắm. Có nhiều người còn đứng xếp hàng chờ từ rất sớm, thậm chí ngủ lại qua đêm để mong mình có thể may mắn là một trong những người đầu tiên mua được các món hàng với giá siêu rẻ. chính vì vậy, họ thậm chí còn giành giật nhau để có được món hàng ưng ý.
Người Mỹ chen lấn nhau vào cửa hàng
Những cửa hàng gần như không còn chỗ trống
Và các nước trong mùa “sale off” đến
Cũng trong thời gian này, không chỉ ở Mỹ mà rất nhiều các nước khác trên thế giới như Pháp, Anh, Úc, Singapore, Malaysia,… cũng đang rộn ràng trong không khí của mùa Sale Off lớn nhất trong năm.
Ở Singapore, tại các trung tâm mua sắm lớn hay các cửa hàng, đại lý đều có các chương trình giảm giá 60 – 70% một số sản phẩm, kể cả hàng hiệu như: Mango, Giordano, Bosini, Lancôme, Clinique, Charles & Keith,… Nơi khác có thể giảm giá theo cách mua 2 sản phẩm được mua sản phẩm thứ 3 giá rẻ, giảm 30 – 70%, hay chỉ bằng 1/3 giá chiếc thứ nhất, mua chiếc thứ 4, thứ 5 còn được giảm nhiều hơn nữa. Siêu thị hay trung tâm bán đồ dùng gia đình, nhà bếp có thể tổ chức ngày bán hàng đồng giá chỉ vài dollar Sing, áp dụng cho tất cả các mặt hàng hoặc mua hàng theo giá trị qui định sẽ được tặng phiếu mua hàng, voucher hấp dẫn.
‘Bão’ giảm giá tại Đức cũng được mọi người hết sức quan tâm
Ở Đức, mùa “sale off” cuối năm là mùa hạ giá lớn nhất, kéo dài nhất và nhộn nhịp nhất trong năm. Vào những ngày này, người dân Đức “điên cuồng” mua sắm đồ hạ giá nên mùa “sale off” này còn được biết đến với cái tên “power shopping” hay “shopping kiệt sức”. Tất cả các nơi đều có những chương trình khuyến mãi từ 30 – 70% để thu hút khách hàng đến với mình. Ngoài việc giảm giá đến mức thấp nhất, nhiều của hàng ở Đức còn có chính sách khuyến mãi mua 1 tặng 1 hoặc mua 1 tặng 2, chính vì vậy mà nhiều người dân Đức đã chờ đến dịp mua sắm cuối năm để mua những món hàng ưng ý. Và có lẽ cũng vì đó mà không khí mua sắm ở Đức những ngày này lại tưng bừng, sôi động đến như vậy.
Hưởng ứng mùa “siêu giảm giá” tại Việt Nam
Ở Việt Nam những ngày cuối năm cũng không hiếm những cảnh tượng đội mưa đội nắng, chen lấn mua hàng khuyến mãi, xếp hàng lúc nửa đêm hay giành giật hàng giảm giá như ở Mỹ hay các nước khác. Thời điểm này chính là lúc các siêu thị lớn như BigC, CoopMart, Metro…hay các trung tâm mua sắm lớn cũng như các cửa hàng lớn nhỏ trên khắp cả nước giảm giá mạnh các mặt hàng và tung ra những chương trình khuyến mãi “cực khủng” để thu hút người tiêu dùng. Bên cạnh bán hàng trực tiếp, còn rất phổ biến hình thức bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nhà với giá “cực mềm” và những vouchers hết sức hấp dẫn.
Tạm kết
Có thể nói dịp cuối năm chính là thời điểm tuyệt với nhất cho các tín đồ mua sắm trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, hãy chi tiêu hợp lý nhất trong mùa “đại hạ giá” cuối cùng của năm để có thể “tậu” thật nhiều các món hàng yêu thích về cho mình các bạn nhé!
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)