16 – 0, 17/31, 23 và những kỳ tích có tên “Việt Nam”
(FTUNEWS) – Mỗi câu hỏi lớn luôn cần một câu trả lời xứng tầm với nó. Khi mà thập kỷ mới đón đầu cả thế giới bằng câu hỏi về CoVid-19 và phạm vi ảnh hưởng khủng khiếp của nó, Việt Nam đã có cho mình câu trả lời đủ cả tâm lẫn tầm. Và giờ đây, khi mà câu hỏi ấy dường như đã thêm phần hóc búa với sự xuất hiện của bệnh nhân thứ 17, đây là lúc mà Việt Nam khẳng định chúng ta là một dân tộc không gục ngã.
Nếu để dành một từ cho “cuộc kháng chiến” có thể gọi là vĩ đại nhất trong lịch sử ngành Y tế dự phòng Việt Nam thì chắc chắn, đó chỉ có thể là hai tiếng “kỳ tích”. Có lẽ chính những người trong cuộc cũng không thể ngờ rằng, Việt Nam lại là một trong số ít các quốc gia có khả năng khống chế dịch hiệu quả. Với hơn 1406 km biên giới đường bộ chung với tâm dịch Trung Quốc, chúng ta đã khiến cho những Nhật Bản, Hàn Quốc,… phải ngả mũ trước sự gan lì đến khủng khiếp khi đối diện với dịch. Mặc cho mối nguy vẫn còn đó, người ta vẫn thấy Tổ quốc mở rộng vòng tay đón kiều bào từ tâm dịch trở về và thực hiện cách ly những trường hợp khai báo đầy đủ. Mặc cho chúng ta chỉ là một nước nhỏ vẫn còn nặng gánh những mối lo kinh tế, người ta vẫn thấy Việt Nam dám hiên ngang cử chuyên cơ tiến thẳng vào “tâm chấn” Vũ Hán chỉ để mang 30 công dân còn mắc kẹt về lại với đất nước và tiếp tế nhu yếu phẩm cho nước bạn. Và mặc cho vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm CoVid-19, người ta vẫn thấy cái quyết tâm giằng co với dịch – cái quyết tâm “Sẽ không một người Việt nào phải chết vì nCoV” hừng hực như thế nào.
3 tuần chống dịch với phác đồ điều trị đã chứng minh được hiệu quả vượt trội và cuối cùng, vào ngày 26 tháng 2 năm 2020, bệnh nhân thứ 16 đã được chính thức xuất viện, kết thúc giai đoạn đầu tiên trong cuộc chiến vĩ đại của ngành Y với không một ca tử vong nào. Phép màu tưởng chừng chỉ tồn tại trong cổ tích đã thật sự diễn ra ngoài đời thật và chẳng còn lời nào để nói ngoài – Hoan hô Việt Nam!
Nếu có một bài học mà nCoV đã dạy được cho mỗi chúng ta thì đó có lẽ là tầm quan trọng của lòng tự tôn dân tộc. Người Việt, dù ở tầng lớp nào, lứa tuổi nào, giới tính nào cũng đều có chung với nhau lòng trượng nghĩa, tinh thần tương thân tương ái và cuối cùng, đó là sự ý thức đối với cộng đồng của mình. Quốc hồn quốc túy luôn có trong mỗi người Việt, nó đến từ nếp sống, lối suy nghĩ rất Việt, từ niềm tự hào cho những điều nhỏ nhất như ổ bánh mì và rộng dần lên tới những nghĩa cử lớn lao hơn như bộ đội sẵn sàng nhường chỗ cho đồng bào cách ly. Chúng ta được cái “chất Việt” ấy trao cho quyền được kiêu ngạo tự giác cách ly mình khỏi cộng đồng – vì người Việt thì không làm người khác phải liên lụy, và vì người Việt có thể hoàn toàn tin vào nền y tế của nước Việt.
Thế nhưng đáng buồn thay, khi mà cả nước chỉ còn 4 ngày nữa là có thể đón trọn niềm hân hoan “hoàn toàn khống chế được CoVid-19”, sự thiếu ý thức và ích kỷ của một cá nhân đã khiến cho mọi nỗ lực của cả nước quay trở lại điểm xuất phát. Bệnh nhân thứ 17 gợi nhớ cho chúng ta về ca “siêu lây nhiễm” số 31 của Hàn Quốc – chỉ vì nỗi sợ bị cách ly, họ khiến cho cả cộng đồng phải trả giá cho hành động của mình. Hiệu ứng domino đáng sợ bởi lẽ, nó đúng với cả hai chiều. Nếu những quân domino là người có trách nhiệm với sức khỏe của bản thân và cộng đồng, là những người dùng mạng xã hội để đòi công bằng cho niềm tự hào “Bánh mì”, là những người luôn luôn tìm cách đưa việc phòng tránh đại dịch gần gũi hơn với thế giới bằng những “Ghen Cô Vy” hay “Vũ điệu rửa tay” thì chắc chắn, họ sẽ tạo sức đẩy cho cho nhau, truyền động lực để đưa cả nước nhanh chóng ra khỏi cơn ác mộng. Nhưng nếu những quân domino ấy lại là những người đánh tráo khái niệm “sống vô ý thức” của mình là “sống phải thông minh”, “sống phải có não”, là những kẻ sẵn sàng đặt sự an nguy của cả cộng đồng vào hiểm họa bằng việc khai báo không trung thực trong quá trình xuất nhập cảnh, hay những kẻ lợi dụng quyền lực và tình hình bất ổn để buôn 50.000.000 chiếc khẩu trang với giá cắt cổ ra nước ngoài thì chắc chắn, chúng ta sẽ chẳng còn có tương lai để mà dự đoán những quân domino ấy đổ về đâu.
Chúng ta, một lần nữa, “tái-khởi-đầu” hành trình chiến đấu với dịch CoVid-19, nhưng điều đó không có nghĩa là ta sẽ phải khởi động với hai bàn tay trắng. Hãy cùng nhìn lại những gì đã giúp chúng ta một lần đánh bại CoVid-19. Bên cạnh nỗ lực quên mình của các y, bác sĩ và sự chung tay góp sức của toàn xã hội, các hoạt động truyền thông vô cùng ý nghĩa với mục đích vì cộng đồng đã thật sự khiến cho phong trào “chống dịch như chống giặc” không còn chỉ là việc riêng của ngành Y mà đã trở thành nghĩa vụ, thành trách nhiệm cho mỗi người dân Việt Nam. Tại thời điểm nhạy cảm này, thật dễ để chúng ta quy trách nhiệm cho một cá nhân duy nhất và dùng ngôn ngữ nặng làm vũ khí để nhục mạ gia đình, người thân của họ. Nhưng liệu đó có phải là giải pháp đúng đắn hay không, khi mà yếu tố quan trọng nhất, quyết định cho thắng lợi trước dịch bệnh lại chính là tinh thần đoàn kết? Sẽ chẳng có chuyện cả nước đưa nhau ra khỏi nanh vuốt của dịch được một lần nếu không có sự đồng lòng hợp sức của quân, dân, y cả nước. Sẽ chẳng có chuyện chúng ta không chỉ đòi lại được, mà còn nhấn mạnh thêm sự tuyệt vời của quốc túy “bánh mì Việt Nam” nếu không có sự đồng lòng hợp sức của cộng đồng mạng Việt Nam, khởi xướng và dẫn đầu bởi chính những cộng đồng mà không ai ngờ tới nhất. Và lần này cũng vậy. Sẽ chẳng có chuyện chúng ta lại chiến thắng lần hai nếu cái chúng ta tập trung vào lúc này chỉ là lời đồn thổi vô căn cứ từ những nguồn không đáng tin cậy. Chỉ tiếp nhận những thông tin đến từ nguồn đáng tin cậy, tiếp tục thực hiện nghiêm túc cách ly, khai báo trung thực trong các khâu xuất nhập cảnh, sáng tạo thêm nhiều hình thức để đưa việc phòng chống dịch bệnh gần hơn với không chỉ trong nước mà cả thế giới,…. mới là những việc chúng ta phải làm, và sẽ làm để lại một lần nữa, chiến thắng đại dịch nCoV.
23 ngày vừa qua mới chỉ là khởi đầu. 16 ca bệnh được chữa trị thành công với tỉ lệ tử vong 0% mới chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh toàn cảnh ở phía trước. Chẳng ai nói trước được điều gì, nhưng có một thứ là chắc chắn: 3 tuần lẫy lừng của Y học nước nhà nhất quyết không thể bị lãng phí. Khi mà câu hỏi của thời đại thêm phần hóc búa, việc của chúng ta là một lần nữa khẳng định lại câu trả lời của mình. Một câu trả lời đến từ đất Việt, đủ cả tầm lẫn tâm.
Bài viết: Hùng Nhông
Thiết kế: Trung Nguyên