Một bước chân và ba vạn dặm
0 0
Read Time:5 Minute, 1 Second

(FTUNEWS) – Thích ngủ nướng, mê mệt mạng xã hội, hay thường xuyên trễ deadline – đừng nghĩ đây là những thói quen vô hại và dễ bỏ. Sai một li đi một dặm, nên tin tôi đi, không sớm thì muộn, mấy “bước chân” xấu xí thường ngày này hẳn rồi cũng sẽ để lại những tác hại khôn lường trên hành trình ba vạn dặm trong tương lai của bạn thôi!

Thường xuyên ngủ nướng

Ở đại học, sinh viên có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn thời cấp ba, bởi chẳng còn phải bầu bạn với lịch học thêm, đề thi thử hay sự giám sát chặt chẽ của bố mẹ. Nhưng thay vì dành những khoảng thời gian đó để làm việc có ích như đi thực tập, học thêm ngoại ngữ,…số nhiều trong chúng ta lại mang chúng đi “cung phụng” cho…giấc ngủ. Sinh viên Ngoại thương nói riêng và một số trường đại học khác trong thành phố thường chỉ học một buổi cố định trong tuần, và rồi hầu hết những thanh niên “bén duyên” với ca chiều sẽ tận dụng buổi sáng để thỏa mãn cơn buồn ngủ đến tận 11 giờ trưa.

Một số người cho rằng, việc ngủ nướng cũng có lợi ích nhất định, bởi bạn sẽ tiết kiệm được cho mình công sức và số tiền phải bỏ ra để mua bữa ăn sáng. Tuy nhiên, bỏ bữa sáng về lâu dài lại không tốt cho dạ dày một chút nào. Hơn thế nữa, các nhà khoa học đã chứng minh rằng, trí óc con người hoạt động tốt nhất bắt đầu từ lúc 8 giờ sáng, vì thế việc ép đầu óc mình hoạt động hết năng suất sau khi ngủ đến tận trưa sẽ mang đến kết quả sẽ hoàn toàn ngược lại. Nếu một ngày bạn may mắn có một công việc ổn định, nhưng phát hiện bản thân ngày càng chậm chạp thì đừng quên hãy tự hỏi, khi còn là sinh viên, mình đã ngủ nướng nhiều đến mức nào?

Nước đến chân mới nhảy

Thú nhận đi, đã bao giờ trong đầu bạn ngập tràn mấy suy nghĩ như: “Để mai tính”, “Tuần sau mới thi, từ từ rồi học” hay “Còn sớm mà, lo gì”? Nếu câu trả lời là có thì xin chúc mừng, bạn đã có biểu hiện của hội chứng mang tên “nước đến chân mới nhảy”. Nghiêm trọng hơn là, hội chứng này cực-kì-khó-chữa, và theo sau người bạn ấy là một chuỗi những rắc rối từ nhỏ đến lớn mà tôi tin, ai trong chúng ta cũng đã ít nhất từng một lần nếm trải. Những người với phương châm sống như trên thường xuyên trễ deadline, quen với việc ôn thi chỉ trong 1,2 ngày hay thậm chí chỉ…vài tiếng.

Hiệu quả công việc giảm sút là tác hại đầu tiên phải kể đến mà lối sống đặc biệt này mang lại, bởi áp lực thời gian thường là một trong những nhân tố quyết định kết quả công việc của con người. Nếu bạn không tin, thử làm một phép so sánh nho nhỏ: không bàn đến các yếu tố siêu nhiên như may mắn chẳn hạn, thì kết quả của một bài thi cuối kì ôn-một-tuần hẳn sẽ cao hơn kết quả của bài thi đó, nhưng với thời gian ôn chỉ vài ngày. Thói quen xấu về lâu dài sẽ trở thành nếp sống khó bỏ, vì thế đừng tạo lập thương hiệu bản thân như một người thường đùa giỡn với deadline, bởi lẽ các nhà tuyển dụng sẽ không hề thích những nhân viên như thế này đâu!

Mê mệt mạng xã hội

Theo nghiên cứu mới đây, Việt Nam được xếp vào danh sách những nước có thanh niên từ 18 – 25 tuổi thường xuyên sử dụng facebook nhất. Trung bình một người Việt dành 2,5 tiếng một ngày trên facebook, và con số này có thể gấp đôi, hoặc có khi gấp ba với người trẻ, nhất là ở độ tuổi học sinh và sinh viên. Facebook vốn luôn là địa điểm lý tưởng để giết thời gian trên xe buýt, trong giờ ra chơi hay khi lớp trống tiết, tuy nhiên dần dà chúng ta lại ngã vào thế giới ảo này lúc nào không hay, và cái giá phải trả chính là việc sử dụng facebook vô tội vạ, dù xung quanh mình đang bộn bề công việc hay thậm chí là deadline “ngập mặt”.

Ngoài những lợi ích không thể phủ nhận của facebook, mạng xã hội đình đám này lại trở thành một con dao hai lưỡi nếu không biết sử dụng một cách đúng đắn. Nhiều bạn trẻ chọn facebook làm nơi “trút bầu tâm sự” cũng như thể hiện bản thân, điều này chẳng khác nào việc “vạch áo cho người xem lưng”, bởi từng cử chỉ, thói quen, hay thậm chí…tật xấu của bạn đều bị mọi người nhìn thấy, và đừng quên những vị sếp tương lai của bạn cũng nằm trong số những người khách không mời này. Ngoài ra, facebook còn là nhân tố chính gây xao nhãng và giết chết sự sáng tạo. Việc lướt facebook cũng như xem ti vi trong vô thức, về lâu dài sẽ có khả năng gây tê liệt các tế bào thần kinh não, vì thế nếu bạn muốn làm việc một cách yên ổn thì đâu tiên, hãy tập nói không với facebook.

“Những thói xấu ban đầu là người khách lạ qua đường, sau đó là người bạn thân ở chung nhà và kết cục trở thành ông chủ khó tính” – Bạn muốn tương lai trở thành một ông chủ, hay làm nô lệ của thói xấu?

Như Quỳnh

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %