0 0
Read Time:6 Minute, 49 Second

Tôi có nghe một người Hà Nội gốc bảo rằng, nếu cho bác một ước muốn, bác chỉ ước nguyên một con đường chỉ trồng toàn hoa sưa. Bởi hiếm có một mùa hoa nào đẹp nao lòng người nhưng ngắn ngủi như loài hoa ấy. Cây vội vã đâm chồi, nảy lộc, vội vã nở hoa chỉ trong một mùa duy nhất, để rồi làm những ai yêu hoa lại ngẩn ngơ tiếc nuối chờ đến mùa hoa sau.

Tháng Ba qua đi. Những cơn mưa phùn cũng dứt hẳn. Tháng Tư tới cùng sắc nắng dịu dàng. Lòng người Hà Nội lại một lần nữa xôn xao bởi một mùa hoa mới. Mùa hoa Loa kèn. Hoa loa kèn còn được gọi  bằng nhiều cái tên khác như Bách hợp, Lyli, Huệ tây… Những cánh hoa dài, mỏng manh, trắng tinh khiết với hương hoa ngan ngát, nhè nhẹ đủ để quyến rũ đắm say lòng người. Hoa tượng trưng cho tấm lòng chung thủy, trong trắng, cao thượng của người con gái.

Chuyện kể rằng chàng trai trước khi ra trận đã trao tặng cho người con gái trái tim của lòng mình. Hết chiến tranh, chàng trai vì không có trái tim nên đã trở thành một tên tướng cướp tàn bạo, độc ác. Còn người con gái khi cho đến khi mái tóc ngả màu vẫn mang bên mình trái tim ấy và đi tìm người yêu. Chàng trai mà lúc này là tên tướng cướp đã ra lệnh cho đệ tử chỉ cho cô gái một nấm mồ xanh và bảo đó là mộ mình. Người con gái chung tình khóc lên đau đớn và đưa trái tim mình vào nấm mộ xanh. Trái tim ấy mọc lên một bông hoa mà giờ người ta gọi là hoa Loa kèn như ngày nay. Hoa Loa kèn là loài hoa du nhập từ nước ngoài về, nhưng được người dân yêu mến lưu giữ. Hoa cũng mặn lòng ở lại và trở thành một loài hoa đặc trưng cho Hà Nội.

Người kinh kỳ gọi tháng Tư là tháng hoa Loa Kèn cũng chẳng sai. Bởi hoa Loa kèn cũng chỉ nở trong một tháng ngắn ngủi ấy, khi trời đất giao mùa chuyển từ xuân sang hạ. Hoa theo chân  những cô gái bán hàng rong ruổi trên khắp các đường phố, ngõ ngách. Vào mùa hoa này, các bà các cô không ai có thể giữ lòng khi đi qua những gánh hàng hoa mà không dừng lại ngắm nghía, nâng niu, lựa chọn những bông hoa Bách Hợp trắng tinh, để trang trí cho ngôi nhà của mình.

Tháng Tư hoa loa kèn

Hoa loa kèn tháng Tư…

Tháng Năm, hạ sang mang theo những cơn nắng cháy cũng là lúc những cô cậu học trò lại ngẩn ngơ cùng với sắc tím của những tán Bằng lăng. Sau trận mưa đầu hạ, sáng mai thức dậy người ta đã bắt gặp những bông hoa tím biếc lấp ló sau những tán lá. Nhưng chỉ mấy ngày sau, bằng lăng đã nở rộ cả một khoảng trời, che khuất đi cả vòm lá xanh. Hoa bằng lăng không chỉ có ở Hà Nội. Nhưng màu tím hoa ấy lại như một thứ hương sắc tô điểm cho phố phường thủ đô những ngày tháng năm thêm mặn mà.

Một sáng mai đến trường sớm, cô học trò nhặt được một cánh bằng lăng rơi cửa lớp. Chợt giật mình nhận ra hạ đã về. Sắp xa rồi những buổi hồn nhiên cắp sách tới trường, vô tư nô đùa cùng bè bạn. Bằng lăng vẫn dịu dàng khoe sắc tím nhưng vô tình làm ai bồi hồi, xao xuyến. Bởi sắc tím thủy chung. Bởi sắc tím nhớ nhung. Và bởi sắc tím của tuổi học trò đầy lưu luyến.

Những cơn mưa rào bất chợt của tháng sáu cũng làm sắc tím Bằng lăng nhạt mờ đi thì phượng đã đơm hoa cháy rực. Không phải là thành phố hoa phượng nở nhưng không ai có thể quên cảm giác bồi hồi mỗi khi đi dưới hai hàng phượng vĩ rực lửa của đường Thanh Niên những ngày hè.

Cũng vào mùa này, có một loài hoa chỉ ở riêng một góc hồ Tây nhưng lại làm rung động lòng người yêu hoa Hà Nội. Đó chính là những bông sen thơm ngào ngạt. Sen Hồ Tây khác hẳn với những bông sen ở các vùng đồng bằng khác. Bông sen tuy nhỏ nhưng hương thơm thì không loài nào sánh được. Chính vì vậy, sen hồ Tây được coi như một thứ “đặc sản” riêng của Thủ đô. Những bông sen như chứa đựng những gì tinh túy nhất của đất trời. Màu hồng cánh sen e ấp trong những chiếc lá xanh tròn xoe. Nhị vàng ở giữa lại rực sáng lên như những má lúm đồng tiền của người con gái. Hoa mang vẻ đẹp dịu dàng, tao nhã và thanh khiết.

Rồi nắng mùa hạ cũng bắt đầu nhạt dần, những cơn mưa không còn vội vã đến rồi đi. Người ta hiểu thu đang dần đến. Thu đến mang thêm sắc vàng rực rỡ từ những đóa cúc vàng. Hoa cúc có lẽ là loài hoa nở lâu nhất. Hoa nở từ cuối đông, đầu thu kéo dài mãi đến hết mùa xuân. Hoa cúc thực tế có nhiều màu nhưng làm nên sắc thu riêng của Hà Thành thì chính là màu cúc vàng. Màu hoa không quá vàng rực như cái nắng chói chang của mùa hè, mà hoa vàng dịu ngọt của giọt nắng mùa thu. Hương cúc kén chọn người thưởng bởi cái mùi nồng nàn, ngai ngái của nó. Hoa làm cho nỗi buồn của mùa thêm nên thơ, trữ tình.

Nhưng cúc vàng chưa phải là loài hoa duy nhất của mùa thu. Thu chưa về hẳn nếu trên các con phố Hà Nội chưa nồng nàn hoa sữa. Hà Nội cũng chẳng còn thu nếu không còn mùi hoa ấy. Có một ai đó đã từng nói, hoa sữa làm nên một nửa mùa thu, bởi hoa “là tinh túy của gió đông, nắng mùa xuân và mưa rào mùa hạ”. Hương hoa ngập tràn quyến rũ, làm nặng lòng ai mỗi khi đi xa Hà Nội. Để rồi cứ mỗi độ thu về người lại trăn trở không biết Hà Nội mùa này hoa đã nở chưa, con đường Quang Trung, Nguyễn Du có còn đong đầy hương hoa sữa.

Hoa sữa

Hương hoa sữa nồng nàn

Những cơn gió nhè nhẹ, se lạnh mùa thu luôn mang theo mùi hương đượm nồng của mùa. Có lẽ không có một con đường nào của Hà Nội mỗi độ thu về lại không thoảng mùi hoa sữa. Hoa ướp hương nồng nàn cho từng con phố, từng ngõ nhỏ. Hoa len lỏi theo gió theo vào khung cửa sổ nhà ai đang hé mở. Những bông hoa bé nhỏ li ti, kết lại thành từng chùm trắng sữa lấp ló sau từng tán lá xanh. Chỉ cần một cơn gió mạnh thổi qua, những bông hoa bé nhỏ ấy rụng xuống như những cơn mưa sao trời. 

Nhưng nói về các loài hoa mùa xuân, người ta vẫn không thể không nhắc tới hoa đào. Đào là loài hoa không thể thiếu trong các gia đình vào dịp tết Nguyên Đán. Hoa đào chưa nở thì dường như tết cũng còn thiếu vị. Những phiên chợ giáp tết, chợ hoa tấp nập người đi chọn cho gia đình mình những cành đào tươi thắm. Có người còn đến tận vườn, chọn một gốc đào hợp với nhà mình. Làng hoa Nhật Tân lúc này cũng trở nên rộn rã hơn hẳn bởi thương hiệu đào đã trở nên rất đỗi quen thuộc. Người Hà Nội chơi đào đến hết tháng giêng, tháng hai. Bởi hoa đào mang một ý nghĩa rất quan trọng trong tinh thần mỗi người Việt. Hoa tượng trưng cho sự ấm cúng, no đủ, hạnh phúc của mỗi gia đình.

Theo VnMedia

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *