0 0
Read Time:6 Minute, 13 Second

Họ bây giờ không còn là sinh viên. Rất nhiều người trong số họ đã có gia đình, nhiều thành viên trong đội đã rất thành đạt và có vị trí xã hội. Nhưng, trong ký ức về SV2000 của các thành viên đội Đại học Ngoại thương cơ sở 2 (tại TP.HCM) luôn là những cung bậc vui buồn, hạnh phúc hay vỡ òa của ngày chiến thắng nhiều năm về trước.

 

Điều gì làm nên những nhà vô địch?

Chỉ là những vị khách tình cờ, chúng tôi đến với cuộc hội ngộ của họ, và những câu chuyện mà họ kể cứ kéo dài mãi cho đến hết nửa đêm.

Anh Hồ Xuân Lâm, chủ nhà, khi ấy là Bí thư Đoàn trường Đại học Ngoại thương cơ sở 2, vẫn giữ được tác phong thủ lĩnh đã từng dẫn dắt đội thi đến với chiến thắng.

Anh Lâm kể: “Hồi ấy, SV2000 diễn ra là một sự kiện lớn. Đội Ngoại thương chỉ được vào vòng trong bằng vé vớt, khi vượt qua trận bán kết và chiến thắng trong trận chung kết ở Nhà thi đấu quân khu 7 thì kết quả đó là sự nỗ lực của toàn đội, của may mắn và sự cổ vũ nhiệt tình vô bờ bến của khán giả”.

 Đội có 20 người, và theo toàn đội thì chức vô địch có được là sản phẩm của sự nỗ lực của cả 20 cá nhân giàu cá tính. Chị Hoàng Nhi, một thành viên trong đội năm ấy là chủ tịch Hội sinh viên trường, cho biết, sự miệt mài và cố gắng trong từng trận đã làm nên chiến thắng sau cùng.

Theo lời chị Quỳnh Chi, một thành viên trong đội, cả năm trời, hàng chục con người cùng ăn, cùng ngủ với nhiều đêm thức trắng. Đội đã trưởng thành dần lên sau mỗi trận đấu. Có khi là sự trưởng thành về phương pháp làm việc nhóm, phản xạ nhanh trong những tình huống đòi hỏi sự đột biến, hay ngay cả việc phân công nhân sự có thế mạnh cho mỗi phần thi… Rồi đến những chiến lược nhỏ hơn như: trong mỗi câu hỏi, đội Ngoại thương khi ấy luôn có những câu trả lời dự phòng đề phòng trường hợp bị động do đối phương “bắt bài” đáp án chính thức. Thậm chí, đội luôn cử sẵn người ra chiếm trước vị trí đẹp trên sân khấu để có nhiều cơ hội được …máy quay ghi hình.

Cách ra câu hỏi cho đội bạn đối của đội Đại học Ngoại thương cũng không hề giống bất kỳ đội nào. Khi gặp các đội ở mỗi vùng miền khác nhau, câu hỏi của Ngoại thương cũng luôn được chuyển đến đội bạn với nội dung là câu hò, điệu hát của vùng miền đó. Theo các thành viên trong đội, điều này dễ tạo thiện cảm cho giám khảo và đội bạn, nhưng cũng đòi hỏi không ít sáng tạo và đầu tư.

Có một phần thi vô cùng khắc nghiệt, đòi hỏi rất nhiều kỹ năng của toàn đội. Một phóng sự không tiếng động được phát lên màn hình, sau vài phút hội ý, toàn đội phải đưa ra đáp án bằng những lời bình cho phóng sự ấy. Phần thi này là thế mạnh của đội, nhưng đến một vòng thi, đội hầu như đã bị “lệch tủ”. Hoàng Nhi đã đứng ra nhận trách nhiệm đọc lời bình cho cả đội. Và, trong những phút xuất thần ấy, cả đội Đại học Ngoại thương đã coi cô như cứu cánh khi cô hoàn thành bài thuyết trình của mình vô cùng xuất sắc trong khi hầu như không có một sự chuẩn bị nào.

Theo các thành viên trong đội, thời họ còn sinh viên, việc tìm kiếm thông tin không dễ dàng như bây giờ. Internet không phổ biến, những bài báo hay đều được họ cắt gọn gàng rồi dán vào giấy bìa cứng. Sau một năm, qua tay nhiều người đọc, có khi những bài báo ấy đã rách nát cả. Nhưng chính những kiến thức thu nhận được từ đó là sự bổ trợ cần thiết để dẫn họ đến đỉnh vinh quang cuối cùng.



Những điều còn đọng lại

Câu chuyện của họ không đầu mà cũng chưa có kết. Ai cũng muốn nói về những ngày tháng đẹp đẽ khi ấy. Anh Giang Ngọc Phương, năm ấy còn nằm trong Ban tổ chức SV2000 kể lại: “Hồi ấy trên truyền hình không phải là không có nhiều gameshow, nhưng thực sự, sân chơi tập thể để gắn kết sinh viên thì chỉ có SV. Hàng ngàn sinh viên đổ về Nhà văn hóa Thanh niên để xem khiến cho không còn lối đi. Đội Ngoại thương có một đặc điểm rất riêng, ấy là mỗi khi chuẩn bị diễn, các thành viên trong đội đều đóng chặt cửa phòng thay đồ, đập cửa kiểu gì cũng không ra, nhằm giữ bí mật tiết mục của mình đến phút chót”.

Khi hỏi “SV2000 đã để lại cho anh chị điều gì?”, những câu trả lời dường như trầm ngâm hơn. Tất nhiên, những điều quan trọng nhất còn đọng lại là những trải nghiệm và trưởng thành về kiến thức, kỹ năng mềm… trong mỗi thành viên. Về vật chất, có khi chỉ là những tấm giấy khen, nhưng cái quý nhất trong mỗi thành viên trong đội là tình anh em gắn kết của mỗi thành viên. Đội như một gia đình, và cho dù 11 năm đã qua, những điều đọng lại trong họ luôn là những kỷ niệm đẹp nhất của một thời sinh viên máu lửa.

“Hồi ấy, điện thoại di động còn chưa phổ biến như bây giờ” anh Lâm kể, “tôi nhớ rằng các khán giả của chúng tôi đã lặn lội từ khắp nơi quanh thành phố, cặm cụi đạp xe để đến và cổ vũ cho đội thật đúng giờ. Có hẳn một câu lạc bộ đứng ra tổ chức hò hét, cổ động cho đội, cùng vui buồn, cùng lo âu với anh em trong đội”.

Chị Nhi bây giờ đã sang Pháp định cư cùng chồng con cũng bồi hồi khi nhớ về những ngày tháng ấy: “Mỗi lúc buồn, mình lại mở đĩa SV2000 ra xem lại. Ở đất khách quê người, tình anh em và những trưởng thành sau SV là điểm tựa giúp mình vượt qua những lúc khó khăn”.

Nói về thế hệ sinh viên ngày nay, các thành viên trong đội chia sẻ: với những gì đang có, chỉ sau 11 năm, sinh viên ngày nay hơn hẳn chúng tôi về năng lực, sự đầu tư, nhưng họ lại thiếu đi tính đồng đội, kỹ năng làm việc nhóm. Tất cả cần có thời gian. Chúng tôi cũng như họ, cũng lớn lên từ những trải nghiệm, mà SV200 là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất.

Trời đã chuyển qua ngày mới, cuộc gặp gỡ tình cờ của chúng tôi với các nhà vô địch kết thúc thì có tin nhắn của thành viên trong đội từ nước Đức gửi về. Có lẽ, dù ở phương trời nào thì với họ, quãng đời đẹp nhất của tuổi trẻ đã được họ gửi lại SV2000.

Nguồn: Bưu điện Việt Nam

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *