Khi câu chuyện “ngàn đô” đã tạm lắng xuống thì mới đây, mẩu quảng cáo tuyển dụng của một công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội với chú thích “Do một số yếu tố, chúng tôi không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp Đại học Ngoại thương” tiếp tục khơi dậy những tranh cãi gay gắt xoay quanh bốn chữ “sinh viên Ngoại thương”.
Ảnh: Mẩu thông tin tuyển dụng gây “sốc”
Trả lời báo chí, giám đốc công ty trên cho biết: “Các em ấy luôn cho rằng mình là sinh viên trường danh giá hơn người, thành ra khi đi làm các em cũng đòi hỏi điều kiện làm việc phải như trên mây, ngồi máy lạnh cả ngày, đi công tác khách sạn 5 sao”. Theo ý kiến cá nhân của vị giám đốc này, lãnh đạo nhiều công ty khác cũng có chung quan điểm từ chối sinh viên Ngoại thương vì “chảnh”.
Trước thông tin tuyển dụng và lời phát biểu khá “khiêu khích” trên, cộng đồng sinh viên Ngoại thương đã thẳng thắn bày tỏ chính kiến và những bức xúc.
Bạn Bùi Thị Thu Thảo (sinh viên năm ba ĐH Ngoại thương) cho biết: “Cá nhân mình nghĩ nhà tuyển dụng trên có một cái nhìn phiến diện và không thấu đáo, trước hết là ở định kiến của họ. Sinh viên Ngoại thương, đặc biệt là sinh viên ngành kinh tế đối ngoại trước giờ vốn nổi tiếng giỏi và chịu khó học hỏi ở lĩnh vực này. Thực tế có rất nhiều công ty lớn về xuất nhập khẩu như Vinatex, Gemadept khi tuyển dụng vẫn dành sự ưu tiên cho sinh viên Ngoại thương, nên nếu chỉ xét về mức độ đòi hỏi lương bổng và môi trường làm việc để quy chụp sinh viên Ngoại thương “chảnh” mà từ chối tuyển dụng thì doanh nghiệp đã đã bỏ sót đi nhiều ứng viên đầy tiềm năng.”
Bạn Nguyễn Hữu Anh, (sinh viên năm cuối ĐH Ngoại thương) bày tỏ quan điểm: “Vấn đề tồn đọng là cách truyền thông “đóng mác” lên sinh viên Ngoại thương. Từ ý kiến chủ quan về mức lương ngàn đô của một sinh viên năm nhất, nhiều bài viết đã khai thác tối đa mọi khía cạnh của vấn đề một cách không cần thiết, để khái quát thành một định nghĩa mới về sinh viên Ngoại thương: “kiêu”, “chảnh”, và “ngàn đô”. Với sự lan rộng của truyền thông, cái nhìn của mọi người đối với sinh viên Ngoại thương từ đó cũng méo mó và xấu đi, vô hình trung tạo nên một định kiến khó thể xóa bỏ. Theo ý kiến của cá nhân mình, bất kỳ sinh viên của trường nào nếu có thực lực, hoài bão và chí cầu tiến cũng đều có quyền thỏa thuận để có được mức lương xứng đáng. Quanh mình có rất nhiều anh chị bạn bè lương hơn ngàn đô mỗi tháng, thậm chí đến ba ngàn. Và quanh mình cũng có rất nhiều bạn bè sẵn sàng chấp nhận mức lương chỉ vài triệu đồng mỗi tháng, quan trọng là các bạn ấy học được thêm nhiều kinh nghiệm và mở rộng các mối quan hệ xã hội. Mình chỉ mong mọi người có một cái nhìn khách quan về sinh viên Ngoại thương, đừng chỉ vì những ý kiến cá nhân hay một chiều mà quy chụp lên cả một cộng đồng sinh viên.”
Cộng đồng sinh viên Ngoại thương “nổi bão” trước những luồng ý kiến “công kích”.
Không chỉ có sinh viên Ngoại thương mà sinh viên các trường khác cũng lên tiếng. Bạn có nick Rồng Gỗ – sinh viên ĐH Tài chính – Marketing cho biết: “Ngoại thương đúng là có một số sinh viên khá “chảnh”, nhưng không phải tất cả đều như vậy. Vẫn có những sinh viên Ngoại thương không ngại khó, ngại khổ, khởi đầu với công việc lương thấp để có nhiều trải nghiệm. Kiến thức chỉ cho ta được cái đúng – sai, nhưng so với thực tế thì nó chỉ thể hiện một góc nhìn nhất định. Trong thực tế, cái đúng – sai không quan trọng bằng cái nào giải quyết được triệt để vấn đề của tổ chức”.
Bạn Hào Nam, sinh viên năm cuối một trường thuộc khối ngành kỹ thuật bày tỏ quan điểm: “Ai cũng biết Ngoại thương là một ngôi trường tốt và các sinh viên đầu ra luôn có chất lượng. Thử hỏi nếu làm cấp dưới của một người không nhìn xa trông rộng hay làm việc trong một môi trường không đủ cho họ phát triển khả năng thì việc họ bất mãn là điều hiển nhiên, đâu thể vin lý do đó để gọi họ “chảnh”. Thời buổi này làm việc cho các công ty nước ngoài (đa phần sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của các trường đều chọn) thì mức lương 1000$ là hoàn toàn có cơ sở. Mình hiện còn là sinh viên năm tư nhưng lương cũng đã 900$ rồi. Các doanh nghiệp mình cứ giữ những định kiến như vậy thì nhân tài sẽ chạy qua các công ty nước ngoài hết. Mà thực tế đã và đang như thế.”
Anh Nguyễn Khánh Trình, Giám đốc phát triển kinh doanh ngân hàng HSBC (Việt Nam): Khi tuyển dụng cần tránh những định kiến! “Mỗi tổ chức, mỗi công việc đều có một tiêu chí tuyển chọn riêng nên cá nhân tôi tôn trọng những quyết định và sự lựa chọn của các công ty. Tuy nhiên với một chút ít kinh nghiệm, tôi thấy rằng khi tuyển dụng cần tránh những định kiến (BIAS) như giới tính, sắc tộc, tôn giáo, văn hóa, ngoại hình… Trong trường hợp của nhà tuyển dụng này thì “background” Ngoại thương là một định kiến. Nếu người tuyển dụng mắc vào các định kiến này, họ sẽ mất đi một số cơ hội tiếp cận những tài năng thật sự – những người phù hợp với tổ chức và có thể góp phần giúp tổ chức phát triển. Một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp sẽ phải giảm thiểu những định kiến một cách tối đa để vừa thể hiện được tính chuyên nghiệp cũng như mở ra cho tổ chức mình thêm nhiều sự lựa chọn đa dạng. Việc sinh viên Ngoại thương có “chảnh” hay không còn tùy thuộc vào cách thể hiện của từng cá nhân và cách nhìn nhận, đánh giá của người khác. Đa phần sinh viên Ngoại thương đều tự tin, bởi họ là niềm tự hào của mỗi gia đình, của thầy cô khi họ đã cố gắng nỗ lực để vượt vũ môn, bước vào một trong những ngôi trường danh giá của Việt Nam. Hơn thế, với số lượng sinh viên ít ỏi, họ có cơ hội cọ sát với rất nhiều hoạt động, điều này làm tăng tính linh hoạt và ứng biến của sinh viên Ngoại thương, kỹ năng sống rất cần thiết cho công việc trong tương lai. Cần nhìn nhận một thực tế là có rất nhiều công ty lớn và tập đoàn đa quốc gia như HSBC, P&G, Unilever, PepsiCo, CocaCola, KPMG,… tìm đến Ngoại thương để tổ chức hội thảo việc làm và tuyển dụng nhân viên hàng năm. Khác với cơ chế “xin việc” lúc trước, sinh viên mới ra trường thời buổi hiện nay có quyền lựa chọn công việc nào mà họ yêu thích và phù hợp với họ. Và thiết nghĩ, các nhà tuyển dụng chuyên nghiệp hiện nay sẽ biết định vị tài năng của doanh nghiệp họ ở đâu để tiếp cận và chọn lọc nhân tài.” |
Hà Nguyên – Theo iOne.net